Buổi giao lưu đầy niềm vui và nước mắt nơi Nậm Mười

24/10/2011 15:01
Tiểu Phương
(GDVN) - Sương lạnh rơi dày đặc, ướt thẫm vai áo nhưng buổi giao lưu vẫn diễn ra trong sự nồng ấm bởi những tấm lòng thiện đã gặp nhau… 

Mặc cho cái giá lạnh của đêm xuống nơi vùng cao, mặc cho sương đêm cứ lớp lớp rơi xuống dày đặc, bà con dân bản, người ở xa, kẻ ở gần đều lần lượt kéo nhau về tham dự buổi giao lưu văn nghệ giữa Đoàn công tác từ thiện và học sinh, giáo viên xã đặc biệt khó khăn Nậm Mười (Văn Chấn, Yên Bái), diễn ra vào tối 22/10 vừa qua.

“Thật chẳng khác nào cảnh người dân rầm rập kéo nhau đến xem rạp chiếu bóng ngày xưa ở những vùng nông thôn đói kém. Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi không ngờ mình lại được nhìn lại cảnh ấy” – Nhìn những dòng người Dao xếp hàng dài trên con đường tít tắp, mắt đăm đắm nhìn về phía sân trường – nơi đang diễn ra các tiết mục giao lưu, văn nghệ, một người trong đoàn đi từ thiện, anh Bùi Thịnh, Giám đốc Kinh doanh công ty TNHH Nhật Thăng đã chia sẻ.

Về phía Đoàn công tác từ thiện, các thành viên cũng hồi hộp không kém. Dù những chén rượu sóng sánh ấm nóng mời gọi trong cái giá lạnh của vùng cao, nhưng bữa ăn tối của Đoàn diễn ra vội vàng để các em học sinh và bà con dân bản không phải chờ đợi lâu thêm nữa.

Buổi giao lưu văn nghệ giữa các thầy cô giáo, học sinh của trường mầm non, cấp 1, cấp 2 ở Nậm Mười cùng các bậc phụ huynh, những người dân quanh bản và các đoàn từ thiện đã bắt đầu vào lúc hơn 7h trong sự háo hức, chờ đợi của các trẻ em vùng cao.

Buổi giao lưu đầy niềm vui và nước mắt nơi Nậm Mười ảnh 1
Những hàng ghế nhựa được xếp san sát nhau, đặt ngay ngắn trên nền đất. Các em học sinh ngồi vào vị trí của mình, ánh mắt long lanh, hồi hộp, thấp thỏm chờ đợi.
Buổi giao lưu đầy niềm vui và nước mắt nơi Nậm Mười ảnh 2
Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan tranh thủ giao lưu và tặng quà tới các em lúc đầu giờ

Trước lúc buổi giao lưu chính thức bắt đầu, một em nhỏ 5 tuổi, tên Tòn cho biết mình đến đây đợi chương trình biểu diễn từ lúc 4h chiều. Nhà em ở xa, cách đây 5km, phải đi bộ vượt qua những con đường gồ ghề đá sỏi, trên tay em cầm chắc một chiếc đèn pin. Em bảo: “Lát xem xong, em lại đi bộ 5km để về nhà”. “Đi đường khuya, em không sợ sao?’ – “Em không ạ, em quen rồi”.

Đúng 7h30, buổi giao lưu bắt đầu.

Thay mặt các nhà hảo tâm trong đoàn cũng như các bạn đọc không có điều kiện đi trực tiếp đã gửi quà ủng hộ, nhà báo Bùi Ngọc Cải, Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao tặng tới học sinh bán trú 2 trường tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Mười số tiền 41.100.000 đồng; Đại diện Công ty du lịch Viettravel cùng đi với đoàn cũng trao tặng 10.000.000 đồng để các em học sinh bán trú 2 trường được ăn thịt mỗi bữa cơm trong vòng 3 tháng.

Nhà báo Bùi Ngọc Cải - Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trao tặng số tiền 44.100.000 đồng tới hai thầy hiệu trưởng của hai trường Tiểu học và THCS Nậm Mười

Bên cạnh số tiền mặt này, đoàn cũng đã chuyển tới các em học sinh rất nhiều phần quà cảm động khác như: Hơn 300 đôi tất của Công ty Viettravel, 7 thùng quần áo ấm của các bloger từ thiện Anh Thơ, Hạnh Nguyên, Thanh Chung… quyên góp được, trong đó có những kiện hàng gửi về từ Mỹ; 05 thùng dầu ăn của Cty Tường An; 01 thùng vở của Công ty CP Phân bón & Hóa chất Dầu khí Miền Bắc đạm Phú Mỹ; 05 kg cá cơm, 05 lít dầu ăn Neptune, 02 lít nước mắm Nam Ngư, 02 kg đường; 30 quyển vở, 10 truyện tranh, 25 bút chì, 01 tạ gạo của các độc giả khác.

Chị Nguyễn Anh Đào thay mặt Công ty CP Vietravel trao tặng 10.000.000 đồng và 300 đôi tất

Nhận tiền và quà đoàn công tác trao tặng, hiệu trưởng trường cấp II Nậm Mười, thầy giáo Vũ Trường Thanh xúc động: “Từ năm 2004 – 2005 đến nay, đây là đoàn từ thiện đông nhất và có nhiều nhà hảo tâm từ mọi miền đất nước đem những tấm lòng thơm thảo gửi gắm nơi đây, giúp các em có bữa ăn ngon, giấc ngủ yên”.

Thầy Thanh cũng chia sẻ những khó khăn của trẻ em vùng cao khi nhà ở xa, phải bán trú tại trường, có em học sinh nhà ở gần nhất cách trường 9km, còn xa nhất lên tới 21km.

Tâm sự với trẻ em nghèo tại Nậm Mười, ông Bùi Ngọc Cải chia sẻ: “Cách đây 2 tuần, mưa lũ xóa nhòa hết đường đi, Đoàn từ thiện lại phải hoãn chuyến đi để chờ đợi thời điểm thời tiết nắng ráo.

Trước khi lên đây, tôi tới gặp bà Chi, một cụ bà 82 tuổi, 15 năm nay chống chọi bệnh ung thư vẫn miệt mài đi làm từ thiện, bà đã nói: Đã làm từ thiện thì không kể mưa gió.

Câu nói ấy khiến chúng tôi rất buồn lòng. Sự thật là  với anh em phóng viên thì việc đi bộ vượt qua 17km để tới Nậm Mười không quá khó, nhưng với đoàn công tác gần 40 người ở các lứa tuổi khác nhau trong đó có những cụ già hơn 60 tuổi, các em nhỏ 4-5 tuổi, thì việc đi bộ 17km giữa trời mưa, đường lầy lội là không hề dễ dàng.

Trong suốt thời gian hoãn chuyến đi, chúng tôi và các nhà hảo tâm đều thấy bứt rứt bởi biết rằng ở nơi đây, các em vẫn từng ngày mong ngóng đoàn công tác từ thiện về, đem quà về cho các em. Để bù lại, lần đầu tiên, Báo đã tổ chức một Đoàn công tác từ thiện có nhiều thành phần, nghề nghiệp trong xã hội đến như vậy: Nhà sư, giáo viên, ca sĩ, người đẹp, doanh nhân, sinh viên, nhà báo, nhân viên công ty du lịch; người già, trẻ em…”

Khi vị đại diện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kể những câu chuyện xúc động về những tấm lòng cao đẹp miệt mài đi làm việc thiện, các em học sinh lặng đi và một vài nhà hảo tâm đã đưa tay lau nước mắt. Những tấm lòng đồng cảm dường như xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Buổi giao lưu đầy niềm vui và nước mắt nơi Nậm Mười ảnh 5
Lời tâm sự đại đức Thích Quảng Hoàng (Chùa Tảo Sách, Hà Nội) cũng khiến những người có mặt xúc động. 

Mặc dù đang có chuyến công tác tại Sài Gòn nhưng khi nghe chương trình về với trẻ em vùng cao góp thêm bữa cơm có thịt, thầy đã gấp rút bắt chuyến bay thẳng ra Hà Nội để kịp tham gia cùng đoàn lên Yên Bái.

“Nhà chùa đã từng đi rất nhiều nơi để làm từ thiện nhưng chuyến đi này lại mang một ý nghĩa khác, đem lại cho nhà chùa một cảm giác rất đặc biệt. Bản thân tôi rất xúc động khi chứng kiến những vất vả, khó khăn của các em nhưng đâu đó, tôi vẫn thấy trên khuôn mặt mỗi em nhỏ một nụ cười, một niềm vui. Sự lạc quan ấy sẽ giúp các em quên đi rất nhiều những khó khăn về vật chất trước mắt, làm cho chúng cảm thấy vui hơn và ấm áp hơn” – Thầy nói.

Thầy Hoàng hi vọng Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam cũng như các thành viên trong đoàn sẽ là cầu nối, là nguồn thông tin kêu gọi nhiều hơn nữa những tấm lòng từ thiện. Để mỗi chuyến thăm sẽ giúp các trẻ em vùng núi, miền cao có một cuộc sống đầy đủ hơn, no ấm hơn.

Mong muốn mang đến những món ăn tinh thần ý nghĩa nhất, những tình cảm nồng hậu nhất, đặc biệt nhất tới cho các trẻ em nghèo, ca sĩ Thái Thùy Linh đã chọn những ca khúc sôi nổi, đầy nhiệt huyết để tặng học sinh trường Nậm Mười.

Nhìn bọn trẻ con háo hức, hò dô dưới sân, tôi mới hiểu: Các em thèm khát được giao lưu, được trò chuyện, được xem biểu diễn văn nghệ như thế nào. Khuôn mặt các em rạng ngời, có em đứa há hốc mồm lắng nghe, như nuốt từng tiếng nhạc, em khác thì cố chen chân vào bên trong tận sát dưới chân ca sĩ, chỉ để nhìn Thái Thùy Linh gần hơn thêm một chút.

Có lẽ, ai chứng kiến cảnh hàng loạt học sinh chạy ào lên sân khấu, hết lớp này đến lớp khác, để tặng cô Thái Thùy Linh những bó hoa cỏ dại mà tự chúng đi ngắt ở rừng về từ sớm mới biết được các em “đói nhạc” và chờ đợi Đoàn công tác đến thế nào.

Không những hát, không khí cảm động đến từ các em học sinh đã khiến Thái Thùy Linh có những màn hỏi đáp đầy tiếng cười khiến đêm sơn cước cuồng nhiệt hơn bao giờ hết. Những tiếng hô trong trẻo “Thái Thùy Linh, Thái Thùy Linh” vang lên không ngớt.

Thái Thùy Linh cũng mời các thầy giáo trong trường tham gia hát cùng thể hiện sự gắn kết và hòa đồng, cùng nhau mang lời ca, tiếng hát đem đến niềm vui cho bọn trẻ.

Bài “Vùng trời bình yên” được khép lại màn biểu diễn của ca sĩ Thái Thùy Linh. Chị Linh cho biết: ‘Bài hát có thể hơi nhẹ nhàng so với không khí nóng bỏng của buổi tối ngày hôm đó nhưng đó là tất cả những gì mà Linh mong ước cho các trẻ em nơi đây. Một ngày bình yên, một vùng trời bình yên với tất cả những gì tốt đẹp nhất”.

Buổi giao lưu đầy niềm vui và nước mắt nơi Nậm Mười ảnh 8
Dù tự nhận là hát không hay, nhưng không khí của đêm giao lưu đã khiến Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan thêm phấn khích. 

Với vẻ đẹp mộc mạc không son phấn, Hoa hậu đã lên sân khấu hát chung với một nữ sinh THCS trong sự cổ vũ nhiệt thành của hàng trăm khán giả nhỏ tuổi.

Không khí ấm cúng đến đỉnh điểm, khi thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn, cháu Bảo Anh, mang từng gói kẹo, bánh đến tặng các anh chị học sinh miền núi nghèo khó.

10h đêm, dòng người vẫn đứng chen chân, chật ních để xem biểu diễn ca nhạc, trong khi bình thường, sau bữa ăn tối, nhiều gia đình và cả các em nhỏ ở trường đều tắt điện, tắt đèn đi ngủ sớm. Không khí lạnh bao trùm và lớp sương đêm ngày một dày đặc nhưng không ai bảo ai, dân Nậm Mười vẫn nán lại để hưởng trọn một đêm giao lưu thật đáng nhớ mà có lẽ nhiều năm nay chưa có.

Khi lửa trại bùng lên cùng những tiếng reo hò, dường như cái lạnh miền núi đã biến mất.  
Từng bàn tay không phân biệt tuổi tác, địa vị xiết chặt lấy nhau và chạy quanh bên đống lửa hồng đang bập bùng cháy. 

Tiếng nhạc vang lên, những em nhỏ vùng cao chưa một lần được ai dạy nhẩy cũng mạnh dạn nhảy múa hết mình.  Khi có người hỏi: Đã bao giờ được nhảy như thế này chưa? Chúng lắc đầu bẽn lẽn: “Chưa ạ”.

11h đêm, buổi giao lưu kết thúc nhưng vẫn có nhiều lắm những em nhỏ nán lại quanh đống tan đang tàn như để tận hưởng dư âm của một không khí mà các em biết có thể còn rất lâu mới được lặp lại.

Thầy trò vùng cao tranh thủ chụp ảnh cùng ca sỹ Thái Thùy Linh

“Với bọn trẻ, có thể đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất đời của bọn chúng” – Thầy Công, giáo viên dạy âm nhạc tại Nậm Mười tâm sự.

“Tôi đã từng được tiếp các đoàn từ thiện, đã từng nhận quà của các nhà hảo tâm. Nhưng món quà này thực sự là đặc biệt và nó vô cùng quý giá. Đó là món quà tinh thần không gì có thể đánh đổi được. Tôi chắc chắn rằng: Đây là lần đầu tiên bọn trẻ con thấy một ca sĩ chuyên nghiệp, một hoa hậu về nhảy múa, chơi đùa cùng chúng nó. Hẳn là chúng thích lắm!” – Thầy Chiều, giáo viên dạy bộ môn thể dục tại Nậm Mười kết luận.


Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn


Tiểu Phương