Cả làng họp hàng chục lần quyết định số phận hai … cành cây

15/10/2011 05:56
Theo Pháp luật và thời đại
Gỗ cây sưa quý hơn vàng. Chính vì thế mà xung quanh chuyện bảo tồn và khai thác cây gỗ quý này có bao câu chuyện dở khóc dở cười...
Thương vụ bán … củi kiếm triệu đô và nỗi oan thấu trời của các bô lão bị nghi “sưa tặc”

Cả làng họp hàng chục lần quyết định số phận hai … cành cây

Suốt cả bảy tám mươi năm kể từ khi “cha sinh mẹ đẻ”, các cụ bô lão ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có lẽ đã không bao giờ ngờ rằng câu chuyện của ngôi làng mình lại đạt nhiều “kỷ lục Việt Nam” đến thế. Tất cả chỉ khởi nguồn từ hai … cành cây. Thời mà gỗ sưa quý hơn vàng, sau hàng chục cuộc họp nát nước bàn tính, hai cành cây mang đến cho các cụ số tiền 20 tỉ đồng, tương đương với cả triệu USD Mĩ. Và oái oăm hơn nữa, các cụ có lẽ trở thành hội những bô lão giàu nhất Việt Nam nhưng có tiền tỉ mà chỉ được ngắm chứ không được tiêu.

Đã gần 1 năm trôi qua, tưởng rằng câu chuyện hài hước về 2 khúc gỗ sưa xảy ra tại thôn Phụ Chính đã lắng xuống. Tuy nhiên, đến tận ngày hôm nay, các cụ cao niên trong làng mang trọng trách đốn sưa vẫn chất chứa một nôi uẩn ức về đúng – sai, công – tội. Lời giải cho nghi án “sưa tặc” xôn xao vùng quê yên ả hàng năm nay hiện vẫn chưa có lời đáp.

“Cụ sưa” 500 tuổi giá trăm tỉ

Chúng tôi tìm về thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, một trong những xã xa nhất của huyện Chương Mỹ vào những ngày cuối thu dưới trời mưa nặng hạt. Thấy chúng tôi hỏi thăm đường về chùa Phụ Chính, nơi trồng hai cây sưa hàng trăm năm tuổi, người dân nơi đây ai cũng xét nét dò hỏi: “Các cậu ở đâu đến, hỏi cây sưa làm gì?”.

Biết chúng tôi là nhà báo, một cụ bà trong làng tỏ thái độ: “Hai cây sưa vẫn sừng sững trong chùa kia mà có người nói rằng nó đã bị đốn hạ. Có người còn độc mồm độc miệng gọi chúng tôi là lâm tặc. Thật không thể chấp nhận được”, vừa nói cụ vừa chỉ tay về phía 2 cây sưa cao hàng chục mét tỏa bóng trong khuôn viên chùa Phụ Chính như để minh chứng cho lời mình.


Theo lời giới thiệu của cụ bà, chúng tôi tìm vào nhà cụ Đinh Công Thường (chi hội trưởng chi hội người cao tuổi thôn Phụ Chính), người chủ tướng trong thương vụ bán sưa cách đây 1 năm. Từng là trưởng phòng tài chính huyện Chương Mỹ, mặc dù hiện đã bước sang tuổi 76, nhưng cụ vẫn minh mẫn lạ thường.

Những sự kiện, con số xảy ra cách đây 1 năm được cụ kể lại vanh vách tưởng như mới diễn ra từ hôm qua. Thoạt đầu, cụ thường tỏ vẻ bức xúc: “Chuyện xảy ra cũng lâu rồi nhưng đến giờ chúng tôi vẫn đau đầu vì nó. Vợ con thì nói ra nói vào bảo “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, làm việc cho làng xóm mà còn bị mang tiếng. Người dân suốt ngày xì xào bàn tán.

Đình chùa dột nát cần tu sửa mà chẳng có tiền, trong khi tiền bán sưa hơn 20 tỉ thì bị giam ở ngân hàng, chẳng lấy ra được”.

Người cao niên nhất trong làng hiện trên 90 tuổi cũng chẳng biết rõ 2 cây sưa này được trồng từ bao giờ. Chỉ biết từ ngày còn bé tí, theo lũ bạn trong làng trèo hái quả cộ, cụ đã thấy cây sưa nằm sừng sững trong chùa Phụ Chính. Đã gần 100 năm trôi qua, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dấu ấn thời gian khiến tóc cụ đã bạc, mắt đã mờ nhưng cây sưa vẫn nguyên hình dáng cũ.

Cả làng thành kính gọi là “cụ sưa”. “Mới vừa rồi, có đoàn khoa học của trung ương về đây, họ có cắt một khúc sưa to bằng cái thớt đem đi giám định. Nghe đâu, kết luận tuổi của “cụ” khoảng 132 năm. Nhưng chúng tôi không tin, theo suy đoán của chúng tôi, cùng với lịch sử hình thành chùa Phụ Chính, “cụ sưa” chắc chắn phải 500 năm tuổi”, vị bô lão này cho biết.

Hai cành cây làm chấn động làng quê

Cụ Thường cho biết, chùa Phụ Chính rất thiêng, cả làng coi đó là biểu tượng văn hóa – tinh thần của làng. Hai cây sưa mọc trong khuôn viên chùa cũng được coi là “báu vật”. Từ bao đời nay, cả làng cùng nhau gìn giữ. Có một thời gian, nạn “sưa tặc” hoành hành, dân làng cắt cử nhau ngày đêm canh giữ bảo vệ 2 “cụ” như bảo vệ nguồn sống của dân làng.

Có lần, kẻ trộm lẻn vào chùa định “xẻ thịt cụ” nhưng ngay lập tức dân làng phát hiện ra. Cả làng hè nhau truy đuổi nên thấy động, nhóm trộm bỏ chạy mất dép và từ đó không dám quay trở lại. Cây cao hàng chục mét, cành lá sum suê, thân cây phải 2 người ôm mới xuể. “Nếu tính về giá trị vật chất, 2 cây sưa có giá không dưới 100 tỉ đồng”, cụ Thường tự hào khoe

Làng xôn xao khi gỗ sưa lên giá và nổ ra “thương vụ” bán 2 cành cây đổi lấy triệu USD. Cụ Vũ Viết Binh (76 tuổi, Ủy viên Ban chấp hành hội người cao tuổi thôn Phụ Chính) ấm ức kể lại: “Đến bây giờ, chúng tôi vẫn bị hàm oan, thậm chí bị người khác nghi ngờ vì làm “chủ trò” trong vụ khai thác này”.

Số là dù biết gỗ sưa có giá và bán đi 2 cây sưa thì có thể mua được cả vài ngàn con trâu nhưng dân làng chưa từng bao giờ có ý định “xẻ thịt” biểu tượng văn hóa của làng.Thế nhưng “ cụ sưa” có một số cành do lâu ngày mối mọt nên bị gãy.

Đúng vào rằm tháng 7 năm 2010, khi các cụ đang tế lễ trong đền, bỗng một cành sưa to bằng cả thân người từ trên cao hàng chục mét rơi xuống như bỏ bom. Rất may có tấm bạt che chắn nên không ai bị thương, dù tấm bạc rách toang hoác cả một đoạn dài.
 
Thấy “ của giời” nếu không khai thác thì cũng phí, ý kiến tận dụng những cành sưa già cỗi, có nguy cơ gãy mang đi bán đã bắt đầu hình thành. Chưa đầy 2 tuần sau, một cuộc họp bất thường các cụ cao niên trong làng được tổ chức, đưa vấn đề khai thác những cành sưa già cỗi ra thảo luận.Theo ý kiến của các cụ, để đảm bảo an toàn, đồng thời có thêm kinh phí xây đình, tu sửa chùa, 100% các cụ biểu quyết tán thành đề xuất khai thác “ cụ sưa”.

Thế nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu, sau đó cả làng còn phải trải qua hàng chục cuộc họp chi bộ, cuộc họp quân dân chính, rồi toàn thể nhân dân Phụ Chính đều nhất chí khai thác cành sưa trong chùa thì phương án này mới được “ chốt hạ”.

Ngay sau đó thôn Phụ Chính thành lập “ ban khai thác gỗ sưa” gồm 22 thành viên. Một cụ cao niên kể lại: “không thế xem thường vì “ có thờ có thiêng , có kiêng có lành”, ban khai thác gỗ sưa đã mời…thầy pháp đến lễ bái và xem ngày để tiến hành khai thác sưa. Mọi người thống nhất ngày 13/9 dương lịch sẽ bắt đầu khai thác”.

Làng đã xôn xao lại càng xôn xao hơn khi đêm trước ngày dự định “ xẻ thịt cụ sưa”, bỗng nhiên trời đổ mưa bão, mây đen vần vũ bầu trời. Ngoài ruộng lúa đổ rạt, cây cối nghiêng ngả. Mặc dù mưa như trút nước nhưng mọi người vẫn tập trung rất đông ở chùa làng từ sớm, cùng thắp hương khấn vái và tiến hành thủ tục khai thác “ cụ sưa”.

Cả làng đã thống nhất thuê một “ cao thủ” ngụ tại huyện Thanh Oai chuyên làm nghề đốn cây đến khai thác “cụ sưa”. “ Đúng giờ Thìn đã định, không thể chậm trễ, ban đại diện đã họp và thống nhất cắt 2 cành sưa phía dưới.

Thực ra, ban đầu chúng tôi định khai thác những cành già cỗi bên trên nhưng sau đêm mưa bão, một số cành phía dưới bị gãy đổ ra phía đường gây cản trở giao thông. Vì trời mua to, thân cây trơn trượt nên thợ đốn không dám trèo lên cao, chúng tôi quyết định đãn 2 cành này”, cụ Binh thuật lại.

Đời không ai học được chữ ngờ. Cả cái làng Phụ Chính không ai ngờ 2 cành cây lại bán được đên 20 tỉ- số tiền lớn đến mức trong đời chưa người già trẻ lớn bé nào được nhìn thấy. Lại không ai ngờ tiếp khi đã trở thành “ hội các bô lão giàu nhất Việt Nam” các cụ lại rời vào bị kịch có tiền mà không được tiêu một xu nào, nay cắt cử nhau ngày đên 24/24h canh 4 cuốn sổ tiết kiệm, lại bị nghi vấn là “ sưa tặc”…


Theo Pháp luật và thời đại