Cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công là rất quan trọng

13/10/2017 16:19
Vũ Phương
(GDVN) - Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội cần gắn với các chính sách khác phải đồng bộ, trong đó có cân đối nguồn ngân sách.

Sáng ngày 13/10, đoàn khảo sát đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về cái cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã có buổi làm việc với Bộ Y tế

Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.​​

Tiếp và làm việc với đoàn có bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bộ Y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo với đoàn khảo sát về nội dung xây dụng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách tiền lương và biểu tổng hợp thu nhập, tiền lương của công chức, viên chức trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập năm 2016.

Báo cáo cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất một số nội dung:

Cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công là rất quan trọng ảnh 2

Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức sinh, ngăn chặn nguy cơ "chưa giàu đã già"

1. Xây dựng bảng lương đối với công chức, viên chức, người lao động gắn với vị trí việc làm được cấp thẩm quyền phê duyệt, chức danh nghề nghiệp và hiệu quả công tác thực tế.

Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ ngành Y tế theo hướng mức lương cơ sở được tính bằng mức lương tối thiểu vùng và được tính vào giá dịch vụ y tế.

2. Lương khởi điểm của bác sĩ, sau khi hết thời gian thử việc được xếp vào bậc 2 của ngạch lương trình độ đại học.

3. Công chức, viên chức, ngành Y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề theo tinh thần Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Kết luận số 42/LK/TW ngày 01/04/2009 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

4. Công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề do ngân sách nhà nước chi trả.

5. Đề nghị chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính cả khi về hưu vì các yêu tố độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động suốt quá trình.

Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh: “Bộ Y tế luôn xác định được tầm quan trọng của công cuộc cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đối với sự phát triển của Bộ Y tế nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung”.

Đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đây là nội dung rất phức tạp và cần có lộ trình.

Mặt khác, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội cần gắn với các chính sách khác phải  đồng bộ, trong đó có cân đối nguồn ngân sách.

Bên cạnh đó, tư tưởng của những người làm công tác tiền lương, bảo hiểm xã hội cũng phải thay đổi, cần thể chế hóa được việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc, đánh giá chất lượng cán bộ.

Vũ Phương