Cán bộ bị tai nạn lao động, lãnh đạo Viện RIAM cắt lương, bắt chịu phí điều trị

02/07/2016 10:05
Tiến Thành
(GDVN) - Theo Bộ luật Lao động, khi bị tai nạn lao động, đơn vị sử dụng phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị và thực hiện chi trả lương theo quy định nhưng...

Vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của ông Lương Tuấn Anh hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (Viện RIAM), địa chỉ số 8 đường Trần Phú, phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) về việc Viện RIAM không giải quyết dứt điểm kinh phí điều trị tai nạn lao động và thu nhập. 

Trước đó, ông Nguyễn ĐÌnh Tùng - Viện trưởng Viện RIAM đã bị tố thanh trừng cấp dưới, dọn ổ cho người thân nhưng đến nay Bộ Công thương vẫn chưa làm rõ sự việc. Ảnh: Văn Phan
Trước đó, ông Nguyễn ĐÌnh Tùng - Viện trưởng Viện RIAM đã bị tố thanh trừng cấp dưới, dọn ổ cho người thân nhưng đến nay Bộ Công thương vẫn chưa làm rõ sự việc. Ảnh: Văn Phan

Cụ thể, trong đơn thư, ông Lương Tuấn Anh cho biết, ngày 01/03/2014, ông bắt đầu đi làm tại Trung tâm phát triển đào tạo công nghệ chế biến thuộc Viện RIAM.  Ngày 01/10/2014, Viện RIAM đã ký hợp đồng lao động với ông Tuấn Anh.

Ngày 15/08/2014, ông Tuấn Anh được điều động sang Trung tâm gia công cơ khí thực nghiệm để hỗ trợ dự án Rác Lào Cai. 

Khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 24/08/2014 (chủ nhật), trong lúc đang vận hành máy khoan đứng, ông Tuấn Anh đã bị tai nạn lao động dẫn đến việc gãy 2 xương cẳng tay trái. Sau đó, ông Tuấn Anh đã được đồng nghiệp và người dân được chuyển đến Bệnh viện 103. 

"Tại Viện 103, ông Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng Viện RIAM và bà Nguyễn Thị Hoa,  Trưởng phòng Tổng hợp, phụ trách Tài chính kế toán của Viện có vào Viện để thăm hỏi và lo thủ tục cho tôi. Sau khi được sơ cứu, tôi nghe bà Hoa nói phải 3 ngày sau tôi mới có lịch mổ. Lúc đó tôi rất đau đớn vì bị gẫy cả 2 xương cẳng tay ở tay trái, tôi không chịu được như vậy đến 3 ngày. 

Cán bộ bị tai nạn lao động, lãnh đạo Viện RIAM cắt lương, bắt chịu phí điều trị ảnh 2

Một Viện trưởng bị tố "thanh trừng" cấp dưới, "dọn ổ" cho người thân

Một vài cán bộ Viện RIAM lợi dụng tổ chức để đi "kêu oan" cho Viện trưởng

Bà Hoa nói có quen một bác sỹ nếu gia đình cũng như tôi đồng ý sẽ gọi điện để đặt lịch mổ luôn ở phòng khám ngoài. Khi ấy tôi đau nhiều và gia đình ở Hải Dương lo lắng cho thương tích của tôi nên đồng ý để cho bà Hoa đặt lịch mổ ở ngoài luôn", ông Tuấn Anh trình bày.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm: "Ngày 26/08/2014, mẹ tôi biết Viện chỉ chịu một nửa chi phí phẫu thuật là 8 triệu đồng, số tiền còn lại gia đình tôi phải chi trả. Do lo lắng cho vết thương của tôi và cũng do mẹ tôi chỉ làm nội trợ ở nhà nên không hiểu luật lao động, mẹ tôi cũng không biết nên đã đồng ý. 

Bà Nghiêm Thị Lương (mẹ của ông Tuấn Anh) cho biết: "Tôi đã gửi bà Đào (cán bộ tại Viện) một nửa chi phí phẫu thuật (8 triệu đồng) cho bà Hoa. Bà Đào đã đưa tiền cho bà Hoa nhưng bà Hoa bảo nộp cho bà Vũ Thị Lan Chi, thủ quỹ của Viện. Tuy nhiên, sau khi đi làm, con tôi có hỏi bà Đào phiếu thu thì bà Đào cho biết bà Hoa nói số tiền này không tính vào chi phí của Viện nên không có phiếu thu".

Sau 12 ngày nghỉ để điều trị vết thương, ông Tuấn Anh vẫn đến Viện RIAM để tiếp tục làm việc. 

"Từ ngày tôi bị tai nạn lao động đến nay, tôi chưa nhận được bất kì một quyền lợi nào đối với người bị tai nạn lao động như tôi từ phía Viện. Thời gian tôi nghỉ ốm, Viện còn cắt tiền lương, không thanh toán lương những ngày tôi nghỉ ốm", ông Tuấn Anh nghẹn ngào.

Mặc dù, thoáng nhìn thì cánh tay trái đã lành. Tuy nhiên, bác sỹ khi kiểm tra lại thì cho biết, xương cách tay trái của ông Tuấn Anh vẫn bị hở nên phải phẫu thuật lại. 

Ngày 17/11/2015, ông Tuấn Anh đi khám lại tại Bệnh viện Việt Đức, bác sỹ tại đây cho biết, tay trái của ông vẫn chưa liền hẳn nên không thể mổ được, nếu mổ ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sau này. 

Bảng chấm công cho ông Lương Tuấn Anh. Tuy nhiên, sau khi bị tai nạn ông Tuấn Anh không nhận được bất kì một khoán tiền nào từ Viện RIAM.
Bảng chấm công cho ông Lương Tuấn Anh. Tuy nhiên, sau khi bị tai nạn ông Tuấn Anh không nhận được bất kì một khoán tiền nào từ Viện RIAM.

Vì không thể làm việc nặng nên ông Tuấn Anh gửi 2 đơn nêu nên nguyện vọng vì tai nạn lao động, không thể làm được trong lĩnh vực cơ khí, cùng với nguyện vọng trở về làm việc tại Trung tâm phát triển và đào tạo công nghệ chế biến. Tuy nhiên, đơn từ tháng 10/2015 đến nay ông Tuấn Anh vẫn chưa nhận được câu trả lời từ lãnh đạo Viện RIAM.

Sau khi gửi đơn kêu cứu không được đáp lại, cộng thêm cánh tay trái đau không thể làm việc nặng, ông Tuấn Anh đã nghỉ ở nhà để chờ phẫu thuật lại cánh tay. Thế nhưng, Viện RIAM cũng không ngó ngàng đến nhân viên của mình...

"Tôi không được chấm công và trả lương từ tháng 07/2015 đến nay. Trong khi đó, hợp đồng tập sự mà Viện RIAM ký với tôi đã hết vào ngày 30/9/2015. Đến nay, tôi vẫn chưa được ký hợp đồng tiếp theo...mà Viện cũng chẳng nhòm ngó gì tôi, đi làm cũng như không. Tôi đã tạm nghỉ ở nhà để đợi phẫu thuật tiếp", ông Tuấn Anh cho biết.

Nhằm xác minh, làm rõ nội dung đơn phản ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần đến trực tiếp viện RIAM để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, nhân bảo vệ tại đây khi nghe phóng viên đến xác minh vụ việc của ông Tuấn Anh thì đều tìm cách cản trở, ngăn chặn phóng viên...

Phóng viên tiếp tục liên hệ qua số điện thoại cầm tay của ông Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng Viện RIAM để trao đổi thông tin. Tuy nhiên, phóng viên cũng nhận được sự im lặng từ ông Tùng.

Theo ông Lương Tuấn Anh cho biết, ông đã nhiều lần làm đơn kêu cứu đến Bộ Công thương, Viện RIAM. Tuy nhiên, các cơ quan này đều "im lặng", không hề có phản hồi.

Nhận định về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn cho biết: "Tại khoản 1, Điều 142, Bộ luật Lao động 2012 quy định về tai nạn lao động như sau: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

Như vậy, ông Tuấn Anh bị tai nạn trong quá trình lao động cho người sử dụng lao động (Viện RIAM) nên đây được xác định là tai nạn lao động. Và, ở đây ông Tuấn Anh sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

- Được người sử dụng lao động thanh toán phần chi phí, đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

- Được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

Tuy nhiên, lãnh đạo Viện RIAM đã không thực hiện trách nhiệm của mình khi nhân viên bị tai nạn lao động là đang vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Lao động".

Đề nghị Bộ Công thương sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ sự việc nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ Viện RIAM. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin.

Tiến Thành