Cán bộ thì dùng bằng giả - còn cả ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

04/04/2014 06:51
Xuân Hòa
(GDVN) - Trong khi nhiều cán bộ đương nhiệm tại Nghệ An dùng bằng giả thì hàng nghìn người có trình độ đại học trở lên tại tỉnh này vẫn đang thất nghiệp.

Hơn 3.000 cử nhân đại học và thạc sĩ chật vật tìm việc làm

Theo thống kê mới nhất của Sở giáo dục và đào tạo Nghệ An, đến đầu năm 2013, toàn tỉnh này có hơn 3.000 cử nhân đại học và thạc sĩ vẫn không tìm được việc làm. Trong đó chưa kể đến 4.000 cử nhân cao đẳng và khoảng 5.000 người có trình độ trung cấp.

Trong khi đó, nhiều cán bộ tại huyện Thanh Chương sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả như thế này lại dễ dàng lọt qua nhiều năm công tác và hiện vẫn đương nhiệm.
Trong khi đó, nhiều cán bộ tại huyện Thanh Chương sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả như thế này lại dễ dàng lọt qua nhiều năm công tác và hiện vẫn đương nhiệm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Nghệ An thì con số trên cũng chỉ mang tính chất khảo sát tương đối, số lượng thực tế còn có thể cao hơn. Do năm 2013 chưa có chỉ đạo từ cấp trên nên chưa rà soát lại số lượng này.

Bên cạnh đó, hàng năm Nghệ An có khoảng 20.000 học sinh tốt nghiệp THPT hầu hết đều tham gia thi và theo học tại các trường từ hệ trung cấp cho đến đại học tại các trường trên cả nước. Con số trên cho thấy số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tại tỉnh Nghệ An cao đến mức nào.

Trong khi đó nhiều cán bộ, công chức tại các xã tại hai huyện Hưng Nguyên và Thanh Chương, tỉnh Nghệ An lại vẫn cứ thoải mái lọt sàng để sử dụng bằng giả tốt nghiệp THPT làm công chức trong nhiều năm trời.

Những người có trình độ đại học đàng hoàng thì thất nghiệp, những người như ông Ngô Trí Khoa - Phó trưởng công an xã Hạnh Lâm không chỉ đương nhiệm mà còn dùng bằng giả đi học cấp cao hơn. Tất cả hiện vẫn vô can, không ai bị xử lý gì.
Những người có trình độ đại học đàng hoàng thì thất nghiệp,  những người như ông Ngô Trí Khoa - Phó trưởng công an xã Hạnh Lâm không chỉ đương nhiệm mà còn dùng bằng giả đi học cấp cao hơn. Tất cả hiện vẫn vô can, không ai bị xử lý gì.

Thực tế “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” này cho thấy việc tuyển chọn công chức tại địa phương này còn nhiều bất cập. Đây chỉ là một số lượng cán bộ, công chức xã tại hai huyện này của tỉnh Nghệ An bị phát hiện sử dụng bằng giả. Còn thực tế chẳng ai dám khẳng định chắc chắn ngoài số cán bộ, công chức này còn có những cán bộ, công chức tại các xã khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn đang sử dụng bằng giả và công tác bình thường.

Cũng như ông Lang Văn Quế - Phó phòng xây dựng chính quyền Sở Nội vụ Nghệ An tâm sự: “Thực tế số lượng cán bộ xã tại tỉnh Nghệ An rất nhiều. Họ thuộc nhiều dạng cán bộ, có người là công chức nhưng cũng có người là cán bộ bán chuyên trách thuộc dạng hợp đồng. Vì vậy, việc thanh, kiểm tra tất cả các cán bộ công chức hết các xã trong tỉnh chúng tôi cũng chưa thực hiện được”.

Lượng công chức được tuyển cũng chỉ như “giọt nước giữa biển khơi”

Qua tìm hiểu, việc sử dụng cán bộ đủ trình độ, năng lực thì Nghệ An hoàn toàn ý thức được, nhưng trong số hơn 3.000 cử nhân thất nghiệp thì số được chọn rất ít. Chính Sở Nội vụ Nghệ An thừa nhận, từ năm 2012 đến nay tỉnh này chỉ mới thi tuyển công chức 2 lần.

Ngoài một số cán bộ xã như xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương thì ai dám khẳng định không còn cán bộ, công chức nào của các xã khác tại tỉnh Nghệ An không dùng bằng giả?
Ngoài một số cán bộ xã như xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương thì ai dám khẳng định không còn cán bộ, công chức nào của các xã khác tại tỉnh Nghệ An không dùng bằng giả?

Số lượng người dự thi tuyển 2 lần này là 1.097 người nhưng số lượng được tuyển chọn vào làm việc chỉ có 156 người. Số người còn lại thì đi đâu về đâu, Sở chưa rõ.

Chưa kể, theo ông Đậu Đình Dương – Phó trưởng phòng công chức, viên chức Sở Nội vụ Nghệ An thì “số lượng công chức được tuyển của hai đợt trên chỉ là cán bộ từ cấp huyện trở lên. Còn công chức xã lại phân cấp cho các UBND các huyện tuyển dụng”.    

Nhiều gia đình, để có tiền cho con ăn học đại học đã phải vay mượn tiền. Nhưng khi ra trường không có việc làm những sinh viên này lại phải đi làm công nhân ở xa như những lao động phổ thông. Số nữa phải vay mượn thêm vốn để đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài...Còn người không được đào tạo, trình độ thấp lại tìm mọi cách để vượt qua cửa bằng cấp, vi phạm pháp luật để tại vị.

Chính sách tuyển chọn, sử dụng cán bộ ở Nghệ An đang rất bất hợp lý. Yêu cầu lúc này là chính quyền tỉnh khẩn trương vào cuộc rà soát, xử lý nghiêm minh những cán bộ sử dụng bằng giả. Kế đó, quan tâm đến nguồn cán bộ là các cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp để họ vừa có công việc làm, chính quyền vừa có cán bộ tốt.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!

Xuân Hòa