Cần khảo sát toàn diện lãng phí và tái cấu trúc đầu tư công trong giáo dục

29/12/2019 07:28
Tùng Dương
(GDVN) - Không ai bị kỷ luật, không ra cũng không sao, vẫn xây nhà cao tầng trong bệnh viện, trong trường đại học, và không thấy ai bị xử lý về việc này.

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo “Tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 24/12, Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13, chia sẻ:

Video: Cần khảo sát toàn diện gây lãng phí đầu tư công trong giáo dục và tái cấu trúc

“ Trước hết là tiếng nói của Báo rất cần cho xã hội, cho những người làm chính sách, cho Quốc hội…

Tôi thấy các đồng chí lãnh đạo cũng lắng nghe, cũng đọc, các đồng chí cũng phân tích đúng sai chứ đừng nghĩ rằng tiếng nói của Báo không có tác dụng. Đó là quan điểm đầu tiên của tôi.

Trong suốt một thời gian dài thì việc lãng phí trong đầu tư công ở tất cả các lĩnh vực, các ngành và trong đó có giáo dục, tất cả trong một bối cảnh chung chứ không phải của riêng ngành nào.

Chúng ta phải đặt giáo dục trong một tổng thể chung của xã hội, để sau này phân tích hay có giải pháp sẽ dễ dàng hơn.

Tôi thấy chúng ta luôn luôn khẳng định việc xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực, và đặc biệt là Giáo dục và Y tế, đây là việc rất tốt và rất có tác dụng. Tuy nhiên là xã hội hóa thế nào, quản lý dám sát thế nào thì đó mới là vấn đề.

Trong quá trình phát triển xã hội do trong và ngoài nước thay đổi, khoa học công nghệ thì phát triển như vũ bão, vậy nên tình hình thực tế thay đổi là đương nhiên, dẫn đến việc ta đề xuất lúc này, nhưng đến lúc khác lại không thích hợp.

Có nhiều vấn đề khách quan, nhưng chủ quan thì tôi thấy chính là do trình độ con người rất yếu, không biết dự báo, không biết nhìn xa trông rộng…cũng phải nói thêm đây là sản phẩm của chúng ta.

Cũng phải nói thêm là bệnh thành tích, bệnh thích và chưa kể là thích tham nhũng vì cứ có dự án là có tiền. Đấy là một bối cảnh đẻ ra chuyện lãng phí mà trong đó có lĩnh vực giáo dục, phải khẳng định như vậy.

Đẻ ra các trung tâm giáo dục, cũng phải nói có những lúc, có giai đoạn có những địa phương đáp ứng được nhu cầu, nơi vùng sâu vùng xa người ta không có điều kiện đến trường phổ thông để đi học được, thì những trung tâm này lại đáp ứng được chuyện đó. Nhưng còn lại nhiều nơi mà đặc biệt là những thành phố lớn tôi thấy là quá lãng phí.

Trước thực trạng như hiện nay thì phải thế nào? Thực trạng thì mọi người đã rõ và lãng phí cả địa điểm, nhân sự, bộ máy thì cồng kềnh, dãn ra thì dễ nhưng thu hẹp thì rất khó.

Cần khảo sát toàn diện lãng phí và tái cấu trúc đầu tư công trong giáo dục  ảnh 1

Thiếu đại học đẳng cấp quốc tế, thừa cơ sở không có người học

Trước thực trạng này thì tôi thấy vấn đề tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí, là rất đúng. Vậy trước khi tái cấu trúc thì tôi đề nghị nên có khảo sát, đánh giá về hiệu quả một cách trung thực ở tất cả các địa phương về vấn đề này.

Phải rõ ràng vai trò quản lý của nhà nước về giáo dục, ở các sở phải chịu trách nhiệm chứ sao lại đổ cho ai? Dù có ông chủ tịch thành phố, chủ tịch tỉnh đã ký thì việc tham mưu, tư vấn cũng vẫn là sở giáo dục đào tạo.

Vậy cái này phải nhấn mạnh rất rõ trách nhiệm liên quan đến việc quản lý ngành, đây là quản lý nhà nước trong giáo dục.

Sau khi phân cấp thì phải xử lý đến cùng những sai phạm của cán bộ. Bây giờ có chỉ thị của Trung ương rõ rồi, là anh đề xuất sai thì anh phải chịu trách nhiệm, chứ không phải anh nghỉ rồi là thôi.

Việc này phải truy trách nhiệm đến cùng và tôi thấy chỉ có như thế thì mới không lặp lại sự lãng phí.

Tôi cũng nói luôn sự di dời các các đơn vị, liên quan đến việc quy hoạch của các đơn vị ở Hà Nội, có rất nhiều trường đại học không ra, việc này liên quan đến việc anh không tuân thủ kỷ cương phép nước.

Không ai chỉ đạo, không ai bị kỷ luật, tôi không ra cũng không sao, tôi vẫn xây nhà cao tầng trong bệnh viện của tôi, trong trường đại học của tôi và cũng không bị ai xử lý”.

Đến dự hội thảo có bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Nguyễn Công Hinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Phạm Đức Tiến - đại diện Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội).

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

 
Tùng Dương