Cầu Bạch Đằng vẫn đảm bảo an toàn chịu lực

06/11/2018 10:58
Theo Báo Xây Dựng
(GDVN) - Mặc dù, mặt cầu hiện nay vẫn còn một vài vị trí chênh lệch cao độ nhưng kết quả đo đạc, quan trắc cho thấy mặt cầu không có biểu hiện võng, nứt.

Ngay khi có thông tin trên một số phương tiện truyền thông phản ánh việc mặt cầu Bạch Đằng sau khi thông xe có hiện tượng lún võng, không bằng phẳng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia lưu thông trên cầu với tốc độ cao. Báo điện tử Xây dựng đã tìm hiểu thực tế hiện trường.

Được biết, việc đo đạc cao độ hiện trạng mặt cầu và xem xét đánh giá số liệu quan trắc đã được tư vấn kiểm định và đơn vị quan trắc tiến hành ngay trong ngày 04/11.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cũng có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá các yếu tố kỹ thuật của cầu Bạch Đằng.

Dự án cầu Bạch Đằng dài 3km với ba trụ tháp.
Dự án cầu Bạch Đằng dài 3km với ba trụ tháp.

Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nằm trên đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT do Ủy ban nhân dân  tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Riêng cầu dây văng Bạch Đằng dài 3km, kết cấu bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8.

Cầu có 3 trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp hai bên cao 94,5m với 4 nhịp cầu dây văng.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, chuyên gia Nguyễn Văn Nhậm, hiện là giảng viên Đại học Giao thông vận tải, người đã có rất nhiều năm làm công tác thiết kế, kiểm định cầu tại Việt Nam cho biết: Cầu Bạch Đằng là dự án cầu dây văng hoàn toàn do Việt Nam thiết kế, thi công.

Khác với các cầu dây văng đã xây dựng ở Việt Nam, khi kết cấu nhịp lớn thì đa số được thiết kế dạng dầm thép liên hợp với bản bê tông cốt thép, riêng công trình cầu Bạch Đằng thì thiết kế kết cấu nhịp bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn khai thác bay tại sân bay Cát Bi nên trụ tháp cầu Bạch Đằng có chiều cao hạn chế 40m tính từ bản mặt cầu.

Vì vậy đã gây ra những khó khăn nhất định trong công tác thiết kế, thi công (bị hạn chế về điều chỉnh cao độ các khối đúc do góc nghiêng của dây văng so với mặt phẳng nằm ngang nhỏ).

Cận cảnh mặt cầu Bạch Đằng.
Cận cảnh mặt cầu Bạch Đằng.

Chuyên gia Nguyễn Văn Nhậm nhấn mạnh, trong quá trình thi công các đốt dầm, đo kiểm soát độ vồng thi công chưa tốt nên đã xảy ra cục bộ một số đốt dầm bị chênh lệch cao độ.

Một số vị trí đã được xử lý ngay trong quá trình thi công. Đối với các vị trí có độ chênh lệch không lớn thì có thể khắc phục bù vênh bằng bê tông nhựa.

“Mặc dù, mặt cầu hiện nay vẫn còn một vài vị trí chênh lệch cao độ, nhưng qua kết quả đo đạc, quan trắc cho thấy mặt cầu không có biểu hiện võng, nứt như báo chí đã nêu. Các phương tiện giao thông vẫn có thể lưu thông bình thường” – chuyên gia nói.

Đơn vị kiểm định đang kiểm tra cao độ mặt cầu Bạch Đằng.
Đơn vị kiểm định đang kiểm tra cao độ mặt cầu Bạch Đằng.

Qua kết quả quan trắc về lực căng dây văng, chuyển vị trụ tháp và dầm trong quá trình thi công cho đến nay cho thấy các thông số vẫn đáp ứng yêu kỹ thuật.

Còn về phía đại diện nhà đầu tư, ông Nguyễn Tiến Oánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cho biết, dự kiến trong tháng 12/2018, nhà đầu tư sẽ có kế hoạch tổ chức sửa chữa, bù vênh mặt cầu để khắc phục tình trạng chênh lệch cao độ mặt cầu trên cơ sở kết quả tính toán của tư vấn thiết kế và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Theo Báo Xây Dựng