Câu chuyện mặn chát của những người "càng nắng to càng mừng"

31/05/2015 12:59
Xuân Hòa
(GDVN) - Với hầu hết mọi người nắng nóng kéo dài sẽ làm mọi việc hàng ngày bị xáo trộn. Còn với những Diêm dân nắng nóng chính là niềm vui vì sẽ có mùa vụ bội thu.

Vui mừng đội nắng nóng đón vụ mùa bội thu

Liên tiếp những tuần qua người dân miền Trung phải oằn mình với nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ ngoài trời tại Nghệ An những ngày này luôn nằm ở mức trên 40 độ C khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn, công việc bị đình trệ.

Trong lúc đa số người dân đang tìm cách trốn nắng nóng và cảm thấy khó chịu thì những Diêm dân xứ Nghệ lại đang hồ hởi vui mừng vì đợt nắng nóng kéo dài này. Diêm dân mừng vì nắng nóng càng kéo dài thì báo hiệu một vụ mùa bội thu đang chờ đợi họ.

Với Diêm dân, mùa nắng nóng càng kéo dài họ càng có một vụ mùa bội thu (ảnh Xuân Hòa)
Với Diêm dân, mùa nắng nóng càng kéo dài họ càng có một vụ mùa bội thu (ảnh Xuân Hòa)

12 giờ trưa khi các vùng quê của Nghệ An như một “hỏa diệm sơn” bởi nắng nóng thì trên cánh đồng muối của xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (Nghệ An), hàng trăm người dân của 3 làng nghề làm muối lâu năm là Nam Liên, Bắc Liên, Kim Liên lại đang hồ hởi đội nắng ra cánh đồng muối làm việc.

Vào thời điểm này những người dân làm ngành nghề khác là lúc nghỉ ngơi để tránh nắng nóng. Nhưng với người Diêm dân thì đây mới là lúc làm việc chính trong ngày. Bởi đây là thời điểm nắng nóng nhất, nhiệt độ cao nhất thì cũng là lúc nước biển nhanh đông kết thành những hạt muối quý giá.

12 giờ trưa lúc nắng nóng khủng khiếp nhất mọi người đều tìm nơi trốn nắng thì đó mới là thời điểm lao động chính của Diêm dân (ảnh Xuân Hòa)
12 giờ trưa lúc nắng nóng khủng khiếp nhất mọi người đều tìm nơi trốn nắng thì đó mới là thời điểm lao động chính của Diêm dân (ảnh Xuân Hòa)

“Với người dân làm nghề khác có thể là không thuận lợi và gây khó chịu. Còn với Diêm dân như chúng tôi thì nắng nóng thế này là báo hiệu một vụ mùa bội thu. Bởi có nắng muối mới nhanh đông kết cho sản lượng cao, vì vậy lúc nắng nóng nhất cũng là lúc chúng tôi ra đồng làm việc”, chị Lê Thị Phương (SN 1968, trú tại xóm Nam Liên, xã Diễn Kim) cho biết.

Trong cái nắng như thiêu như đốt của xứ Nghệ nhưng trên cánh đồng muối của xã Diễn Kim, hàng trăm Diêm dân vẫn đang cần mẫn tát nước mặn vào các giếng khơi trên ruộng muối. Dưới những bãi cát mênh mông thì những người khác cũng đang xúc đất làm ruộng muối mới.

Với Diêm dân, nắng nóng quý như vàng nên họ tận dụng hết mọi thời điểm nắng nóng (ảnh Xuân Hòa)
Với Diêm dân, nắng nóng quý như vàng nên họ tận dụng hết mọi thời điểm nắng nóng (ảnh Xuân Hòa)

“Một năm làm muối chỉ được có 4 tháng mùa hè nên có nắng nóng mấy cũng phải tận dụng mà ra đồng. Diêm dân chúng tôi quý nắng như quý vàng, có nắng nóng là sẽ có nhiều muối, có nhiều muối thì sẽ có thu nhập khá hơn”, cụ Hồ Văn Nhân (SN 1943, trú tại xóm Bắc Liên, xã Diễn Kim) nở nụ cười đẫm trong mồ hôi nói.

Buồn vì được mùa mất giá

Tuy nhiên, trong nỗi mừng vì được mùa nhờ nắng nóng thì người Diêm dân cũng gánh chịu nỗi buồn vì mất giá. Những hạt muối được người Diêm dân quý như những “hạt vàng trắng” do thiên nhiên ban tặng lại chưa có đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Tuy nhiên, do thu nhập thấp, công việc nặng nhọc vất vả nên giờ chỉ còn phụ nữ ...
Tuy nhiên, do thu nhập thấp, công việc nặng nhọc vất vả nên giờ chỉ còn phụ nữ ...

Do đó, chỉ mới đầu vụ, muối làm được ra nhiều nhưng các tư thương đã ép giá muối xuống chỉ còn 1.000 – 1.200 đồng/kg. Trong khi đó cùng kỳ năm ngoái giá muối còn được thua mua với giá 1.500 – 1.700 đồng.kg.

Đội nắng nóng làm ra “hạt vàng trắng” rồi hệ lụy để lại khi những Diêm dân sau một thời gian làm việc đều mắc chứng bệnh đau đầu, khớp … nhưng sản phẩm lại bị ép bán giá bèo bọt.

... người già còn bám trụ với nghề và trở thành lao động chính (ảnh Xuân Hòa)
... người già còn bám trụ với nghề và trở thành lao động chính (ảnh Xuân Hòa)

Vào những vụ mùa đạt năng suất cao như hiện nay nhưng mỗi ngày mỗi Diêm dân cũng chỉ làm ra 50kg – 60kg muối. Với giá bán hiện tại mỗi ngày mỗi Diêm dân cũng chỉ có thu nhập 50.000 – 70.000 đồng.

Thở dài ngao ngán trong những giọt mồ hôi chát mặn, chị Bùi Thi Nguyệt (SN 1951, trú tại xóm Kim Liên, xã Diễn Kim cho biết: “Nghề thì phải làm việc quần quật suốt cả ngày mới làm ra hạt muối nhưng bị tư thương ép giá nên thu nhập chẳng ăn thua.

Cùng với đó làm việc dưới cảnh trên nắng dưới nước nên người Diêm dân chúng tôi ai cũng bị mắc chứng bệnh đau đầu, khớp… Buồn vì nghề nhọc nhằn vất vả mà lại chẳng đáng công sức này lắm các chú ạ”.

Những em nhỏ tranh thủ thời gin nghỉ hè phụ giúp gia đình làm muối giữa cái nắng như thiêu đốt của xứ Nghệ (ảnh Xuân Hòa)
Những em nhỏ tranh thủ thời gin nghỉ hè phụ giúp gia đình làm muối giữa cái nắng như thiêu đốt của xứ Nghệ (ảnh Xuân Hòa)

Chính vì những vất vả với mức thu nhập thấp đó nên nhiều làng nghề muối tại huyện Diễn Châu nay đã bỏ nghề. Còn những nơi còn lưu lại được nghề thì lao động chính cùng chỉ toàn phụ nữ, trẻ em và những người già.

Do thu nhập từ nghề làm muối thấp, công việc lại vất vả nên các thanh niên, trai tráng trong những làng nghề muối đã ra các khu công nghiệp, lên phố thị làm công nhân và các nghề phụ khác có thu nhập khá hơn, đỡ vất vả hơn.

“Làm muối vất vả thu nhập lại thấp nên thanh niên, trai tráng giờ bỏ nghề lên phố và các nhà máy làm công nhân hết rồi chú ạ! Chú nhìn thấy đó cả cánh đồng muối toàn là phụ nữ, người già và những cháu nhỏ được nghỉ hè ra phụ bố mẹ làm muối thôi”, cụ ông Hồ Quý (75 tuổi, trú tại xóm Nam Liên) buồn bã cho biết.

Do thu nhập thấp, công việc nặng nhọc, vất vả cùng với việc sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ ổn định nên nhiều cánh đồng muối tại Nghệ An đã bị người Diêm dân bỏ hoang (ảnh Xuân Hòa)
Do thu nhập thấp, công việc nặng nhọc, vất vả cùng với việc sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ ổn định nên nhiều cánh đồng muối tại Nghệ An đã bị người Diêm dân bỏ hoang (ảnh Xuân Hòa)

Trên ruộng muối của gia đình em Nguyễn Thị Huyền (học sinh lớp 5, trú tại xóm Bắc Liên) vừa xúc đất làm nền ruộng muối cho mẹ vừa nói: “Nhà cháu giờ chỉ có mẹ làm muối nữa thôi.

Giờ đang đợt nghỉ hè nên cháu và anh trai đang học lớp 6 cũng ra đồng làm muối phụ giúp mẹ. Bố cháu giờ đi làm thợ xây cùng những người khác trong làng. Mẹ nói, làm muối cực mà không có tiền nên bố phải đi xây lo cho các cháu ăn học, chứ làm muối không đủ được”.

Rời cành đồng muối khi hơn 2 giờ chiều lúc nắng nóng vẫn đang như đổ lửa nhưng hàng trăm Diêm dân thì vẫn đang cần mẫn làm việc. Mong rằng cuộc sống của các Diêm dân sẽ khấm khá hơn để thoát khỏi cuộc sống mặn chát như những giọt mồ hôi họ đã đổ ra bây giờ.

Xuân Hòa