Cha cháu bé nghi bị xâm hại trần tình việc bỏ con

07/05/2012 16:51
Tuệ Minh
(GDVN) - Quần áo không xộc xệch cùng đôi dép trắng đã cũ, dù chủ nhân của nó đã cố làm sạch, đã “đủ” để chúng tôi có thể nhận ra anh – một con người vất vả, vật lộn với cuộc sống
Nhận được thông tin cơ quan công an đã xác định được bố mẹ của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh (SN 2007) bị bở rơi tại chùa Bồ Đề, chúng tôi có một cảm xúc khó tả. Vui vì sau bao ngày vất vả, lực lượng công an đã xác định được nhân thân của cháu bé nghi bị xâm hại tình dục một cách nghiêm trọng. 
Tuy nhiên, một nỗi buồn khó tả khi thông tin ban đầu từ phía cơ quan công an cho biết chính bố cháu bé đã bỏ con ở lại chùa Bồ Đề rồi đi một mạch về quê. 

Anh Nguyễn Đình Hùng - bố của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh
Anh Nguyễn Đình Hùng - bố của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh

Tại trụ sở công an quận Long Biên (Hà Nội), được chỉ tới căn phòng khá rộng và có một số người đang làm việc, không khó để chúng tôi có thể nhận ra bố của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh. Anh có khuôn mặt khắc khổ, gầy guộc, đen nhẻm. Quần áo không xộc xệch cùng đôi dép nhựa tuy còn trắng nhưng nó “đủ cũ” để chúng tôi có thể nhận ra anh – một con người vất vả, vật lộn với cuộc sống. 
Cả buổi nói chuyện, anh nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy vẻ buồn rầu và bất an. Anh tên là Nguyễn Đình Hùng (33 tuổi, quê ở Nam Đàn, Nghệ An trú ở thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Theo lời anh Hùng, cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh tên thật là Nguyễn Hồng Hạnh, là con gái duy nhất của anh Hùng cùng với vợ là chị Đào Thị Thiêm (30 tuổi).
Theo từng lời anh kể, chúng tôi có thể hình dung ra cuộc sống của gia đình cháu Hồng Hạnh. Dù là người Nghệ An nhưng hết lớp 9 thi trượt vào cấp 3, anh đã quyết định theo một người cậu lên Na Hang, Tuyên Quang để mưu sinh năm 1996.

Hàng ngày, anh Hùng được giao nhiệm vụ chăn bò cho cậu và ở luôn nhà cậu làm nhiều việc lặt vặt trong gia đình nhà nông kiêm bán quán giải khát nho nhỏ. Mỗi tháng, ngoài ăn uống ra, anh Hùng được trả cho 500.000 đồng để tiêu vặt. 
Sau đó, anh gặp chị Thiêm rồi hai người xây dựng gia đình. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên đám cưới của đôi bạn trẻ được tổ chức ngay ở nhà gái. Sau cưới, cả hai lại về ở nhờ nhà người cậu. Sáng đi chăn bò, tối về hai vợ chồng lại phục vụ cho quán cà phê của cậu.
Niềm vui bất tận của đôi uyên ương được nhân lên nhiều lần khi con gái đầu lòng của họ ra đời. Hai vợ chồng anh Hùng quyết định xin ra ở riêng. Có được mảnh đất, hai vợ chồng anh dựng tạm túp lều ở. Thấy khó khăn quá, anh rể và chị gái đã cho mượn ngôi nhà cũ để hai vợ chồng Hùng ở, lập nghiệp.

Hai vợ chồng dù khó khăn song rất nỗ lực vươn lên. Cái tên Nguyễn Đàm Hồng Hạnh mang cả họ của bố và họ của mẹ là niềm vọng lớn của gia đình anh Hùng khi cháu bé sinh ra đã nặng 3,5 kg. 

Cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh đã từng là niềm vọng lớn của bố mẹ
Cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh đã từng là niềm vọng lớn của bố mẹ 

Song niềm vui ngắn chẳng tày gang khi sinh cháu Hạnh, những khó khăn bắt đầu ập xuống đầu hai vợ chồng. Cháu bị sặc nước ối và ảnh hưởng đến não. Sau khi sinh, cháu còn không tự bú được. Mấy ngày sau khi cho cháu ăn sữa, gia đình mới biết cháu bị hở hàm ếch.
Theo lời anh Hùng, cháu Hạnh rất hay bị ốm vặt và không có phản ứng giao tiếp như người bình thường. Hơn 1 tuổi mà vẫn chỉ biết nằm để ăn. Cháu thường xuyên bị viêm phổi, táo bón nặng và bệnh về hô hấp. Có lần cháu bị hạch ở nách, anh Hùng cùng vợ lại đôn đáo vay mượn họ hàng mới được hơn 4 triệu để về Hà Nội chữa trị song số tiền này cũng chẳng thấm vào đâu.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, con bị tật bẩm sinh nên gia đình đã phải dồn toàn bộ tiền của để chữa trị cho cháu nhưng không hề có biến chuyển. Những đồng tiền tích cóp được của đôi vợ chồng trẻ cứ thế đội nón ra đi. “Cái khó bó cái khôn”, dù chăm chỉ làm ăn nhưng gia đình anh Hùng vẫn thuộc diện nghèo khó điển hình của địa phương. Cháu Hạnh từ niềm hi vọng vô tình lại trở thành một gánh nặng quá lớn với vợ chồng anh.
Một lần, vô tình bế cháu Hạnh chơi nhà hàng xóm, mở mạng ra xem, thấy nói về chùa Bồ Đề, anh Hùng đã nảy ý định đưa cháu gửi nhà chùa nuôi nên về bàn với vợ. Ban đầu vợ anh không đồng ý, song cuối cùng cũng gật đầu do hoàn cảnh khó khăn quá. Người cậu và một số anh em cũng bàn bạc và đồng ý với phương án này. 
“Hai vợ chồng em cũng đau xót lắm khi bỏ rơi đứa con duy nhất của mình. Vợ em khóc suốt ngày, thỉnh thoảng đòi đón cháu về nhưng hoàn cảnh khó khăn quá. Mỗi khi hàng xóm hỏi thăm, bọn em ruột đau như cắt. Họ cũng lờ mờ đoán ra có thể bọn em cho cháu bé rồi”, Hùng kể. 
Anh kể tiếp: “Tối 5/3, hai vợ chồng em đã bế cháu Hạnh bắt xe từ Na Hang về Hà Nội rồi để vợ về quê, một mình em mang con đến chùa Bồ Đề và bỏ lại cùng với mảnh giấy ghi tên cháu do nhờ người cậu viết.
Vì nuôi cháu khó khăn quá em mới làm vậy! Vợ chồng em mấy năm liền khổ quá, tiền không có, nói gì đến việc chạy chữa cho cháu. Bọn em mong chùa nuôi nấng một thời gian rồi cố gắng làm lụng, khi nào có tiền thì đón cháu về”.
Khi được hỏi về dự định tới đây đối với cháu Hạnh như thế nào, anh Hùng cho biết: Mong muốn nhà chùa tiếp tục nhận chăm sóc cháu Hạnh. “Mong các cơ quan, tổ chức nào đó có thể giúp đỡ bọn em chăm sóc cháu. Bọn em sẽ cố gắng làm ăn, trả nợ để khấm khá hơn sẽ đón cháu Hạnh về nuôi”…
Đến giờ ăn trưa, chúng tôi ra về. Nhìn dáng đi mảnh khảnh của người đàn ông đã ngoài “băm” có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, chúng tôi không khỏi ái ngại cho anh. Tôi chợt nghĩ, phải chăng việc gửi cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh xuống chùa Bồ Đề của vợ chồng anh Hùng là việc làm trong “bước đường cùng” để mở ra một lối thoát cho gia đình khi gánh nặng cuộc sống tưởng chừng vô tận đang đè nặng lên vai vợ chồng anh?
  
Tuệ Minh