Chăm chăm vào truyền đạt kiến thức là đi trái với sứ mệnh trường học

31/10/2019 06:37
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo thầy Nguyễn Văn Hòa: “Áp lực, cái căng thẳng trong nhà trường vì quan niệm thầy phải dạy, phải trao cho các em một bồ kiến thức".

Mấy năm gần đây khái niệm trường học hạnh phúc được đề cập nhiều và trở thành mục tiêu phấn đấu của Ngành giáo dục.

Vốn dĩ, trường học là nơi hạnh phúc vì đó là nơi truyền thụ kiến thức, ươm mầm những tài năng nhưng tại sao ngành giáo dục lại đặt ra vấn đề này một cách bức thiết đến vậy đã khiến nhiều người đặt câu hỏi.

Tưởng chừng như khẩu hiệu xây dựng trường học có vẻ thừa nhưng thực tế môi trường giáo dục trong thời gian dài tồn tại tình trạng học sinh quá khổ sở khi phải theo học do chương trình nặng, cách dạy học thiên về truyền thụ kiến thức rồi bệnh thành tích đã biến ngôi trường trở thành nỗi sợ trong mỗi học sinh.

Tình trạng học sinh sợ đến trường, luôn mệt mỏi căng thẳng. Thậm chí, các em bị dọa nạt, đánh đập… khiến không khí trường học luôn căng thẳng.

Thực trạng đó đã đến mức báo động, khi có học sinh tự vẫn vì áp lực học tập, bị trầm cảm nặng do các bạn và cô bạo hành... Nên việc xây dựng trường học hạnh phúc cần cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thầy Nguyễn Văn Hòa (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).
Thầy Nguyễn Văn Hòa (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Một trong những ngôi trường tiên phong trong xây dựng ngôi trường hạnh phúc phải kể đến Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đây là ngôi trường nổi tiếng với những sáng tạo trong cách dạy học hướng đến học sinh, giúp các em có những tháng ngày học tập vui vẻ.

Trường học trở thành ngôi nhà thứ hai của học sinh để rồi nhiều em ví von “tối ngủ, chúng em không muốn đặt lưng xuống giường vì muốn thật nhanh sớm mai được chạy ngay đến trường”.

Trước thành công trong xây dựng ngôi trường hạnh phúc, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trả lời câu hỏi, vốn dĩ trường học là nơi hạnh phúc nhưng tại sao hiện nay phải chú trọng xây dựng trường học hạnh phúc một cách cấp thiết, thầy Hòa lý giải: “Vốn dĩ trường học là hạnh phúc vì có trẻ em.

Trẻ em là ngây thơ, trong sáng, yêu đời nhưng trong nhiều năm gần đây giáo dục chúng ta nặng về cung cấp kiến thức, cho nên chạy theo thành tích, chạy theo thi cử. Muốn học sinh nào cũng ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật tốt.

Muốn học sinh nào cũng thành xuất sắc, thành ngôi sao cho nên áp lực. Vì vậy, phải làm lại".

Hạnh phúc ở trường học là gì?
Hạnh phúc ở trường học là gì?

Theo thầy Hòa, việc làm lại là làm theo tư tưởng của Bác Hồ. Bởi trong tư tưởng của Bác Hồ trẻ đến trường phải được hạnh phúc. “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” – Bác đã răn dạy như vậy!.

Giáo dục phải làm sao để tự các con ý thức được học tập, hứng thú, đam mê, hạnh phúc thế các con mới học tốt, nên người.

Một vấn đề phóng viên thắc mắc tại sao lại có mâu thuẫn khi trường học là nơi cung cấp tri thức nhưng thực tế việc cung cấp tri thức lại trở thành gánh nặng trái ngược với sứ mệnh của trường học đã được thầy Hòa phân tích.

Cách dạy học cung cấp tri thức theo cách thầy dạy bảo, thầy truyền đạt, một chiều. Đây là cách dạy học của ngày xưa khi mà lượng thông tin rất thấp, triệu người mới có một vài người đi học, một ông thầy và một ít sách vở.

Còn ngày nay, thời đại bùng nổ thông tin, ở đâu cũng có kiến thức, học sinh có thể tự trang bị không phải cần thầy nhồi nhét.

Vai trò của người thầy phải là người truyền cảm hứng, người hướng dẫn, chỉ bảo. “Thầy không đơn thuần là người dạy dỗ nữa.

Tôi nghĩ cái áp lực, cái căng thẳng trong nhà trường vì quan niệm thầy phải dạy học sinh phải trao cho học sinh một bồ kiến thức trong đầu.

Không được như vậy nếu học sinh không hứng thú thì thầy cảm thấy buồn, thầy cảm thầy mình không hoàn thành trách nhiệm, áp lực lên thầy, áp lực lên trò.

Thời đại thay đổi, các thầy cô giáo thay đổi. Thay đổi phương pháp của mình làm cho học sinh hạnh phúc.” – thầy Hòa nhấn mạnh.

Cho rằng con trầm cảm vì thầy cô la mắng, bố xin nhà trường cho lưu ban lớp 1
Cho rằng con trầm cảm vì thầy cô la mắng, bố xin nhà trường cho lưu ban lớp 1

Trước băn khoăn của phóng viên về việc việc xây dựng trường học hạnh phúc có đảm bảo chất lượng truyền đạt kiến thức thì thầy Hòa khẳng định, xây dựng trường học hạnh phúc sẽ làm cho chất lượng giáo dục đi lên rất nhiều.

Bởi vì, cách dạy học cũ, học sinh bị ép học, nay nhồi nhét cho học sinh nên làm cái gì cũng miễn cưỡng hết.

Cách dạy học này có thể có trẻ thành công, có trẻ không thành công.

Bây giờ, học sinh đến trường có niềm vui, được hứng thú làm theo đam mê nên tự lực thì sẽ giỏi, kết quả sẽ cao hơn.

“Trước đây, khi xây dựng 10 năm trời, tỉ lệ học sinh 70% không lên được nhưng khi xây dựng trường học hạnh phúc thì tỉ lệ học sinh giỏi lên tới 90%.

Bây giờ, học sinh trên chuẩn hết, các con tự thay đổi mình, các con khá giỏi hơn nhiều, sẽ thông minh sáng tạo, tự làm mới bản thân và thành công hơn” – thầy Hòa tự tin khẳng định.

Trinh Phúc