Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Chấm điểm" việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng

20/10/2012 07:37
Kết quả thực hiện lời hứa là căn cứ để bỏ phiếu tín nhiệm.

Ngày 19-10, Văn phòng Quốc hội (QH) đã tổ chức họp báo về kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII. Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn Sĩ Dũng, cho biết kỳ họp sẽ khai mạc ngày 22-10 và dự kiến bế mạc ngày 22-11. Với hơn 26 ngày làm việc, kỳ họp sẽ dành 16 ngày cho hoạt động lập pháp. QH sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 2 nghị quyết, cho ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật khác.
Điểm mới của kỳ họp này là trong 1 ngày rưỡi đầu, QH sẽ nghe và thảo luận về báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Tiếp đó, sẽ thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), bổ sung các vấn đề công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức; diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng; quản lý Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng...
Đặc biệt, những vấn đề “nóng” như chính sách tiền tệ, ngân hàng, lãi suất, tội phạm kinh tế… cũng là những nội dung có thể xem xét đề xuất chọn bộ trưởng trả lời chất vấn.

"Chấm điểm" việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng ảnh 1
Buổi họp báo về kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII

Chủ trì phiên họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Điểm mới trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp này là nghe báo cáo thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ hai, thứ ba trước đó. Báo cáo sẽ đánh giá tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông theo lời hứa của bộ trưởng Bộ GTVT; lời hứa giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài của Tổng Thanh tra Chính phủ... “Báo cáo tổng hợp có ý nghĩa đánh giá, nhận định của Chính phủ về từng bộ trưởng. Đồng thời việc thực hiện lời hứa sẽ là căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm bộ trưởng” - ông Phúc nói.

Về dự thảo Nghị quyết ban hành quy chế việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, ông Phúc cho biết tại kỳ họp này, QH sẽ cho thêm ý kiến. Khi QH bỏ phiếu thông qua và nghị quyết có hiệu lực và được áp dụng thực hiện từ năm 2013. Do vậy trong kỳ họp này, QH chỉ dừng ở việc bàn, quyết định về cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ, chưa trực tiếp thực hiện bỏ phiếu với một chức danh cụ thể nào.

Truyền hình trực tiếp nhiều phiên thảo luận

Tại kỳ họp thứ tư, QH dự kiến mở rộng việc truyền hình, phát thanh trực tiếp với một số phiên thảo luận về các dự án luật quan trọng, nhất là những dự án luật được đưa ra lấy ý kiến nhân dân như Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi; Luật Đất đai sửa đổi; dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.


Bài và ảnh: THẾ DŨNG/Người lao động