Chàng thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân bị bỏ quên

25/07/2011 08:36
Đạt 29 điểm thi khối A ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhưng Phạm Huy Bắc lại không có tên trong danh sách thủ khoa.

Đạt 29 điểm thi khối A ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội  nhưng Phạm Huy Bắc lại không có tên trong danh sách thủ khoa, trong khi thông báo của trường thủ khoa khối A năm nay đạt 28,5 điểm.

{iarelatednews articleid='8517,8406,8296,8202,8131'}

Thông tin về thủ khoa 28,5 điểm của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm nay khiến mọi người quan tâm đến Bắc và bản thân em đều hết sức ngạc nhiên. Bởi Phạm Huy Bắc (SBD: KHA 1282, sinh ngày 6/7/1993, quê Lương Tài, Bắc Ninh, HS Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cũng thi vào trường và đạt 29 điểm (9,5 điểm– 9,5 điểm– 10 điểm). Chuyên ngành em thi vào trường là Kế toán Kiểm toán.

Mẹ em, cô Đặng Thị Lũy chia sẻ: “Thi ĐH xong, cháu chấm và áng chừng cũng được từng đó điểm. Nhưng khi nhà trường công bố thủ khoa 28,5 điểm, trong khi cháu được 29 điểm khiến mọi người bất ngờ và buồn đôi chút”.

Bắc cho biết: “Đạt 29 điểm thi ĐH khối A không bất ngờ với em. Năm nay ngoài thi ĐH Kinh tế Quốc dân HN (khối A), em còn thi thêm ĐH Y Hà Nội (khối B). Mục tiêu chính của em là học khối A vì khối B em không ôn mấy”.

Chàng thủ khoa từng bị trẻ chăn trâu chặn xe, xin tiền

Hồi cấp II Bắc đi học ở trường cách nhà 9km, từng bị trẻ chăn trâu chặn đường, xin tiền.

Bố em, chú Phạm Huy Hậu nhớ lại: “Năm lớp 6 mình đạp xe đưa cháu đi học vì thương con còn nhỏ. Đến năm lớp 7 thì cháu tự đạp xe đi vì bố mẹ bận việc, cháu cũng lớn hơn, quen đường, quen trường”.

Trường THCS Hàn Thuyên nơi Bắc học xa nhà nên mỗi khi trời mưa, ngày giá rét hay những hôm con đi về muộn bố mẹ em như ngồi trên lửa. “Có hôm cháu bị hỏng xe, dắt bộ đến cả cây số, lại có lần đi về ướt hết vì trời mưa” – Chú Hậu tâm sự.

 

Cô Lũy cho biết: “Thậm chí có lần vợ chồng mình phải tới nhà các cháu chăn trâu trên đường nói chuyện với bố mẹ các cháu vì đã chặn xe, xin tiền Bắc”.

Một kỉ niệm về Bắc hồi bé cũng được cô Lũy chia sẻ: “Hồi tiểu học, Bắc học khá nhất nhì lớp nên khi cháu thi học sinh giỏi không được giải vì cứ buồn thiu, mắt đỏ hoe vì khóc”. Bắc trầm tính, ít nói nên như cô Lũy nói “mắng suốt nó đấy mà chưa chịu sửa”.

Tự lập

Lên cấp III để Bắc ra Hà Nội học là sự cố gắng, nỗ lực lớn của bố mẹ em. Với 7 sào ruộng và nghề sửa chữa đồ điện “còm” ở nhà của chú Hậu, mỗi tháng tổng thu nhập của gia đình Bắc khoảng 1,5-2 triệu.

Vì ở nhà bác trai bên ngoại nên việc ăn uống, sinh hoạt cũng đỡ chút nhưng mỗi tháng gia đình vẫn phải gửi cho con 1,5-1,7 triệu lo ăn học. Dưới Bắc còn một em gái đang học lớp 5, thê nên mọi khoản đều dồn cả cho Bắc học hành. “Nói vậy nhưng vợ chồng mình phải go gắn lắm mới đủ lo cho cháu” – cô Lũy phân trần.

Bác Đặng Thế Khương nhà ở khu tập thể Thanh Xuân (bác bên ngoại) nơi Bắc về ăn học sau thời gian học trên Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên cho hay: “Vợ chồng mình bán rau và trông xe ở khu tập thể. Công việc bận liên miên nên không theo sát được các cháu.

Tuy nhiên, Bắc rất tự lập, bác bá không phải nhắc nhở. Bản thân cháu luôn biết sắp xếp thời gian học hành, sinh hoạt. Ở nhà ít khi cháu học khuya, muộn thì 12h đêm là ngủ”.

“Nhà bác Khương có anh đang học ĐH năm 3 và một chị gái (họ hàng) cũng đang học ĐH sống cùng nên các anh chị giúp đỡ em nhiều, nhất là việc sưu tầm đề thi và nhắc nhở thêm việc học” – Bắc chia sẻ.

Không học “cày”, tập trung vào việc ôn thi ĐH từ sớm, làm nhiều dạng đề bài khác nhau, thời gian rảnh thì chơi game nên việc học với Bắc không quá căng thẳng, mệt mỏi.

“Thành tích của em chỉ 12 năm là học sinh giỏi thôi” – Bắc cho biết. Bác Khương “bật mí” thêm: “Hồi lớp 11 em định thi học sinh giỏi môn Tin nhưng vì sức khỏe nên thôi đấy”.

Hỏi về ước mơ sau này, Bắc rụt rè: “Em chỉ mong học tốt, sau này có được một công việc để làm, nuôi bản thân và gia đình”.

Theo Vietnamnet