“Cháy” ảo chung cư Đại Thanh và Golden Silk

17/04/2013 07:14
B.An
(GDVN) - Với phương châm bán hàng cả sàn và chỉ cần đặt cọc một ít, vài tháng sau đóng tiếp khiến cho chung cư Đại Thanh và CT11 GOlden Silk “cháy” hàng, giá chênh tăng từng ngày.
Chủ đầu tư thả nổi giá chênh Trong lúc thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa thì sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn luôn tấp nập khách ra vào mua bán tạo nên cảnh chen chúc, “cháy” hàng tại những dự án đang gây sốt trên thị trường như Đại Thanh, Golden Silk. Tại sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh, “cò” ra đón khách từ cổng vào của khách sạn và giới thiệu bán căn hộ siêu rẻ với giá chệnh tùy theo vị trí.
Khách giao dịch ngay tại cổng của sàn giao dịch Mường Thanh.
Khách giao dịch ngay tại cổng của sàn giao dịch Mường Thanh.
Chị Hương một “cò” bán đất tại đây hồ hởi kéo khách về bàn của mình và giới thiệu gần 20 căn hộ chị đang “ôm” ở những vị trí theo chị là "cực kỳ đẹp" của tòa CT11 Golden Silk (Kim Văn – Kim Lũ). Giá chênh mỗi căn hộ từ 55 đến 90 triệu đồng. Khi khách chê đắt, chị Hương cho biết: “Giá gốc chủ đầu tư đưa ra là 11 triệu đồng/m2 (tầng 36 đến tầng 39) nhưng bọn chị phải mua cả sàn và phải vay tiền ngân hàng, vay nóng ở các quỹ tín dụng nên lãi cao và phải bán vời giá chênh như thế". Cũng theo chị Hương, giá chênh tăng theo từng ngày vì khách đông quá. Mỗi ngày chị chốt được hai, ba hợp đồng. Những ngày này, khách thăm và mua bán tại đây đều bị hét giá chênh cao nên nhiều khách được nhân viên tư vấn hướng sang mua nhà tại chung cư Đại Thanh với mức chênh từ 25 đến 60 triệu đồng/căn. Với tiêu chí quyết định nhanh, mua gọn... đa số khách đến xem nhà tại đây đều bị “cò” ép theo kiểu: “Nhiều người hỏi mua lắm, chị không hứa giữ căn hộ đẹp cho em đâu”.
Thị trường ế ẩm, chủ đầu tư vẫn báo "cháy" hàng
Khác với thực tế "sốt giá, cháy hàng" căn hộ Đại Thanh và Golden Silk tại sàn Mường Thanh của chủ đầu tư Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, tại Sàn giao dịch bất động sản T.Đ (Xa La, Hà Nội), nhân viên kinh doanh vẫn giới thiệu cho khách khoảng 100 căn ở chung cư Đại Thanh và gần 30 căn ở chung cư Golden Silk. Phân trần về  căn hộ Đại Thanh đọng lại nhiều trong khi tại sàn Mường Thanh đang khan hiếm, anh Thành - nhân viên ở đây chia sẻ: “Trên Mường Thanh khách mua ở thực sự chỉ chiếm 10 đến 15%, còn lại đều là những người mua để đầu tư sinh lời theo kiểu ăn chia qua tay”.
Dự án Golden Silk tiếp tục hâm nóng thị trường với tòa nhà CT11.
Dự án Golden Silk tiếp tục hâm nóng thị trường với tòa nhà CT11.
Một chuyên gia về thị trường bất động sản Hà Nội nhận xét, phương châm kinh doanh của ông chủ dự án Đại Thanh và Golden Silk là quay vòng vốn nhanh nên thường có chiêu bán hàng là bán cả sàn và người mua chỉ cần đặt cọc một phần tiền, vài tháng sau đóng tiếp nên đã tạo cơ hội cho giới đầu cơ có khả năng xoay vốn ôm theo dự án. Theo tiết lộ của vị chuyên gia này, trên thị trường chung cư Đại Thanh còn tồn rất nhiều. Mặc dù giá rẻ nhưng tâm lý của khách hàng vẫn chưa tin vào “câu chuyện giá rẻ bất ngờ” này vì họ lo cho chất lượng. Bởi với những chung cư này, chất lượng thế nào phải hai ba năm nữa mới "thẩm định" được sau khi khách hàng về ở. Ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, những dự án dành cho người có thu nhập thấp đang sốt nhưng người mua nhà nên cẩn trọng bởi chất lượng luôn đi liền với giá thành. Người có tiền thường không muốn mua những chung cư giá rẻ, người không có tiền lại cố vay mua được căn chung cư này. Đó là mâu thuẫn nên khi quyết định mua nhà, người mua cần cân nhắc kỹ bởi bài học "tiền nào của ấy" luôn đúng trong các dự án xây dựng.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
B.An