Chạy tuổi đâu chỉ dối Đảng, mà còn là chặn đường tiến thân của lớp trẻ tài cao

23/05/2018 06:26
Bạch Đằng
(GDVN) - "Nạn chạy tuổi đã vô hình trung chặn đường tiến thân của lớp trẻ. Chạy tuổi là gian dối, lừa lọc, tư lợi cần được ngăn chặn".

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 đã thừa nhận tình trạng tồn tại hàng loạt tiêu cực “chạy” trong đó có chạy tuổi.

Cụ thể, Nghị quyết  26 của Hội nghị Trung ương 7 cho rằng: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”.

Theo nhiều người, chạy tuổi là một khái niệm tương đối mới. Vậy phải hiểu như thế nào cho đúng về tình trạng chạy tuổi và mức độ nguy hại của nó đến đâu đang là những vấn đề mà dư luận quan tâm.

Ông Lê Như Tiến cho rằng: "Nạn chạy tuổi đã vô hình trung chặn đường tiến thân của lớp trẻ" - ảnh nguồn quochoi.vn.
Ông Lê Như Tiến cho rằng: "Nạn chạy tuổi đã vô hình trung chặn đường tiến thân của lớp trẻ" - ảnh nguồn quochoi.vn.

Để có góc nhìn sâu sắc hơn về tình trạng chạy tuổi này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Theo ông Lê Như Tiến: “Chạy tuổi có nghĩa là khai không trung thực đối với Đảng, Nhà nước về ngày sinh, tháng đẻ, năm sinh.

Chạy tuổi thường được hiểu theo nghĩa là khai ít tuổi đi chứ không phải khai tăng tuổi lên.

Vì nếu khai đúng tuổi thì nhiều ngưới sẽ mất đi cơ hội tiếp tục công tác, leo cao vào các vị trí lãnh đạo, được cơ cấu vào các chức vụ quan trọng.

Hiện nay, trong công tác cán bộ có quy định rất rõ đến tuổi nào thì nghỉ hưu, tuổi nào vẫn còn tiếp tục được làm việc, được bố trí chức vụ.

Vì tham quyền cố vị mà nhiều người tìm cách chạy tuổi, khai lại hồ sơ để trẻ hơn tuổi thực.

Họ cố tình khai tuổi đang trong độ tuổi được đề bạt, bổ nhiệm trong khi tuổi thực đã quá tuổi”.

Chạy tuổi đâu chỉ dối Đảng, mà còn là chặn đường tiến thân của lớp trẻ tài cao ảnh 2"Người ngoài" đến làm lãnh đạo thì vẫn phải kiểm soát quyền lực

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh rằng: “Nghị quyết 26 của Hội nghị  Trung ương 7 nêu tình trạng chạy tuổi cần phải được ngăn chặn đẩy lùi là rất đúng, rất trúng vì thực tế tệ nạn này đã diễn ra rất phức tạp”.

Cũng theo vị chuyên gia này, chạy tuổi là gian dối, lừa lọc, tư lợi cần phải quyết liệt ngăn chặn.

Đã là cán bộ, Đảng viên trước hết phải trung thực. Một người có khai nhiều tuổi thì nên lấy lời khai trong hồ sơ Đảng làm gốc để xác định tuổi của người đó.

“Tôi tán thành hướng dẫn của Ban Bí thư, Bộ Chính trị là lấy tuổi khai trong hồ sơ Đảng làm căn cứ xác định tuổi.

Thường lúc bắt đầu xin vào Đảng thì còn trong sáng, không vụ lợi nhưng sau này người ta mới cố tình sửa tuổi đi và chạy tuổi để được đề bạt, bổ nhiệm.

Cuối cùng mục đích chính của chạy tuổi là vụ lợi, cho nên Nghị quyết  Hội nghị Trung ương 7 của Đảng đưa ra để ngăn chặn tình trạng này hoàn toàn rất đúng.  

Mặc dù chậm nhưng vẫn kiên quyết làm nếu không hệ lụy sẽ rất lớn” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Phân tích thêm sự nguy hại của tệ nạn này, theo ông Lê Như Tiến, nạn chạy tuổi đã vô hình trung chặn đường tiến thân của lớp trẻ.

Ai cũng chạy tuổi để được cơ cấu vào các vị trí lãnh đạo thì lớp trẻ sẽ không còn vị trí tiến thân trong xã hội.

Cũng theo ông Lê Như Tiến, đông đảo đảng viên, lão thành và nhân dân rất ủng hộ việc Đảng ngăn chặn việc chạy tuổi.

Vì đã chạy tuổi thì không còn công bằng, khách quan nữa. Để đảm bảo khách quan, công bằng, vô tư, trong sáng trong việc đề bạt, bổ nhiệm, tổ chức cán bộ cần ngăn chặn tình trạng này.

Chạy tuổi đâu chỉ dối Đảng, mà còn là chặn đường tiến thân của lớp trẻ tài cao ảnh 3Lãnh đạo là người ngoài sẽ công minh, đàng hoàng hơn

Cuối cùng ông Lê Như Tiến cho rằng: “Nếu đã phát hiện ra ai đó chạy tuổi thì phải xử lý nghiêm theo quy định của văn bản pháp luật, Điều lệ Đảng.

Luật Cán bộ công chức có quy định cán bộ công chức phải trung thực đối với mọi hành vi của mình;

Luật phòng chống tham nhũng; Bộ Luật Tố tụng Hình sự cũng có quy định việc chạy hối lộ, đút lót… là vi phạm pháp luật.

Trong điều lệ Đảng đã quy định rất rõ, Đảng viên phải trung thực đối với Đảng.

Do đó, ai vi phạm cần phải xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật và Điều lệ, Nghị quyết của Đảng cho dù người đó là ai, ở cương vị nào”.

Có người từng khai 4 tuổi khác nhau để được hưởng lợi

Không khó để chỉ ra những người có biểu hiện chạy tuổi. Cơ quan báo chí từng chỉ ra có cán bộ cấp xã, thị trấn khai tới 4 tuổi khách nhau [1]. Trong đó, độ tuổi vênh nhau lớn nhất lên đến 10 tuổi.

Hay cán bộ cấp quận khai hai tuổi [2] sát nhau… và nhiều trường hợp dư luận cho rằng tuổi trong hồ sơ cán bộ của người này,người kia còn ít hơn tuổi em ruột của họ ngoài đời.

Tài liệu tham khảo

1. http://danviet.vn/tin-tuc/bi-thu-thi-tran-khai-man-tuoi-bi-de-nghi-tra-lai-huy-chuong-khang-chien-768966.html

2. http://dantri.com.vn/su-kien/khai-man-tuoi-de-tron-viec-nghi-huu-1376702019.htm

Bạch Đằng