Chỉ có người dân Ukraine là mất nhiều nhất!

14/03/2014 09:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Có thể thấy rõ sự bùng nổ của một cuộc nội chiến ở Ukraine, một thị trường tê liệt, một môi trường địa chính trị cực đoan gây sốc và hậu quả không thể lường
Người Ukraine tại thành phố Donetsk biểu tình ủng hộ Nga hôm 9/3.
Người Ukraine tại thành phố Donetsk biểu tình ủng hộ Nga hôm 9/3.

Reuters ngày 13/3 dẫn phân tích của Ian Bremmer, một học giả khoa học chính trị Mỹ nhận xét, kết quả cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo Crimea ngày Chủ Nhật này dường như đã được xác định trước. Crimea sẽ bỏ phiếu gia nhập lãnh thổ Nga, và căng thẳng sẽ chỉ leo thang, người thiệt thòi nhất, mất nhiều nhất chính là dân Ukraine.

Nếu mục tiêu chính của Mỹ là giảm bạo lực ở Ukraine và căng thẳng giữa các cường quốc bên ngoài xuống mức tối thiểu thì Washington đã phạm một loạt những sai lầm đáng kể.

Mỹ đã thất bại trong việc cung cấp hỗ trợ kinh tế thực sự cho chính phủ Ukraine trước khi cuộc khủng hoảng tại quốc gia này đạt đến cao trào. 

Tổng thống bị lật đổ Yanukovych từng không muốn chỉ làm việc với Nga, ông đã tìm cách cân bằng giữa Nga và EU trong khi nền kinh tế Ukraine đã bên bờ vực sụp đổ.

EU đã thúc ép quá mạnh trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế IMF không can thiệp đúng lúc, chính sự thiếu hỗ trợ từ phương Tây đã đẩy Victor Yanukovych đủ xa về phía Nga và trào lưu các cuộc biểu tình ở Kiev đã không thể quay đầu trở lại.

Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo Nga sẽ phải trả giá nếu can thiệp vào Ukraine.
Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo Nga sẽ phải trả giá nếu can thiệp vào Ukraine.

Hôm 21/2 phe đối lập Ukraine và Yanukovych đã ký 1 thỏa thuận cùng một nhóm Ngoại trưởng EU chỉ nhằm sớm phá vỡ  chính quyền Ukraine và Yanukovych phải bỏ chạy. Mỹ đã háo hức nhảy lên chuyến tàu cùng chính phủ Kiev mới thân phương Tây.

Đây là một sai lầm. Washington đã không thúc giục các bên tôn trọng thỏa thuận vừa ký kết như một yếu tố trong việc xác định các quá trình chính trị. 

Thể hiện sự ủng hộ công khai thỏa thuận này sẽ là một sự thừa nhận quan trọng đối với Moscow rằng Mỹ tôn trọng lợi ích của Nga. Washington đã không làm như vậy.

Ở Syria 6 tháng trước, chính quyền Mỹ hoàn toàn tỏ ra "hạnh phúc giả vờ" khi cho rằng thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học của chính quyền Bashar al-Assad là một bước đột phá có thể giải quyết các xung đột tiềm ẩn, mặc dù đó chỉ là màn kịch để giúp chính quyền Obama không phải thực hiện một nghĩa vụ can thiệp quân sự vào quốc gia này như Mỹ từng tuyên bố.

Người Mỹ đã có thể giữ thể diện cho Nga bằng một hành động tương tự tại Ukraine, nhưng họ đã không làm.

Hoa Kỳ cũng có thể thúc giục mạnh mẽ chính phủ mới ở Ukraine cần tôn trọng lợi ích hợp pháp của Nga tại quốc gia này, trong đó bao gồm các đại diện đầy đủ của dân tộc Nga trong chính phủ, tôn trọng sự thiêng liêng hợp đồng thuê căn cứ quân sự tại Crimea. 

Washington không làm như vậy, thay vào đó Mỹ tỏ ra háo hức hỗ trợ cho chính phủ mới thân phương Tây.

Đến lúc rõ ràng người Nga đã tiến vào bán đảo Crimea, chính quyền Obama lại tiếp tục đưa ra một loạt mối đe dọa, thậm chí cảnh báo Nga sẽ phải trả giá cho bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Ukraine, thậm chí là 1 cái giá rất đắt.

Tất nhiên, Mỹ có khả năng quân sự để tranh cãi về các hành động của Nga ở Crima. Nhưng Washington sẽ không bao giờ trả đũa Moscow ở mức độ thực tế để ngăn chặn sự xâm nhập của Nga. Những lời dọa dẫm không thực hiện được chỉ càng làm suy yếu uy tín của Mỹ trong cộng đồng quốc tế.

Những lời đe dọa nhằm vào ông Putin là không thực tế. Bên ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia, ưu tiên lớn nhất của Putin là giữ lại ảnh hưởng của Nga ở Ukraine.

Ưu tiên lớn nhất của Putin bên ngoài lãnh thổ Nga là giữ lại ảnh hưởng ở Ukraine.
Ưu tiên lớn nhất của Putin bên ngoài lãnh thổ Nga là giữ lại ảnh hưởng ở Ukraine.

Trong khi rõ ràng Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội của mình để phá vỡ sự căng thẳng leo thang ở Ukraine ngày hôm nay thì Nga cũng sẽ phải mất nhiều hơn cho Ukraine.

Hãy nhìn vào cái giá trực tiếp Nga phải trả cho việc sáp nhập Crimea thậm chí không khiến Putin chớp mắt. Sau khi xâm nhập quân sự, đồng rúp của Nga đã rơi tự do, buộc Nga phải thực hiện tăng đáng kể lãi suất. Một ngày thiệt hại thị trường chứng khoán của Nga vượt qua cả chi phí cho Thế vận hội mùa Đông Sochi.

Hành động như hiện nay chỉ đẩy nhanh sự suy giảm kinh tế chậm nhưng ổn định mà chúng ta vẫn thấy ở Nga. Đó là một nền kinh tế quá phụ thuộc vào năng lượng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên như nạng chống. Năm ngoái, dầu và khí đốt chiếm hơn 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Nga.

Nếu một "chiến thắng" cho Putin có nghĩa là mở rộng ảnh hưởng tại Ukraine thì sau đó chiến lược của ông sẽ phản tác dụng.

Chỉ 3 tháng trước đây Putin đã nắm trong tay một chính phủ Ukraine thân Nga, hôm nay ông đã nắm được Crimea. Nhưng bằng cách sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, 1,5 triệu cử tri ủng hộ Nga sẽ không còn là một phần của các cử tri Ukraine trong khi những cử tri Ukraine còn lại sẽ nhớ mãi hình ảnh quân đội Nga trên lãnh thổ của họ trong lúc diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Ukraine sẽ còn chìm trong hỗn loạn, trong cuộc đối đầu Đông - Tây mới sau Chiến tranh Lạnh, chỉ có người dân Ukraine là thiệt thòi nhất.
Ukraine sẽ còn chìm trong hỗn loạn, trong cuộc đối đầu Đông - Tây mới sau Chiến tranh Lạnh, chỉ có người dân Ukraine là thiệt thòi nhất.

Tất cả điều này có nghĩa là các cuộc bầu cử ở Ukraine có nhiều khả năng đẩy quốc gia này về phía phương Tây dẫn đến việc hội nhập liên minh Hải quan EU, và cuối cùng trở thành thành viên EU.

Nếu Nga điều lực lượng quân sự của mình vào miền Đông Ukraine thì sẽ dẫn tới khả năng các bên đều tổn thất. Có thể thấy rõ sự bùng nổ của một cuộc nội chiến ở Ukraine, một thị trường tê liệt, một môi trường địa chính trị cực đoan gây sốc và hậu quả không thể lường hết được.

Nhưng ngay cả khi Nga không tiến thêm nữa cũng sẽ không có một kết quả tốt đẹp nào cho người dân Ukraine trong thời gian tới. Với kịch bản tốt nhất, họ nhận được tiền viện trợ nhưng người Nga sẽ không còn trợ cấp khí đốt cho Ukraine, nền kinh tế vẫn tiếp tục sụp đổ và Tổng thống mới của Ukraine sẽ thấy một nhu cầu tiếp tục chơi với Nga vì lý do kinh tế, nhưng chiến lược này không đứng vững về mặt chính trị.

Trong ngắn hạn, Ukraine sẽ quay trở lại đường hầm nhưng còn bức bối hơn trước. Đó là kịch bản giả định hỗ trợ kinh tế và ngoại giao phương Tây đang cam kết. Điều gì sẽ xảy ra nếu xuất hiện một khủng hoảng quốc tế mới thu hút sự chú ý của truyền thông? Liệu chính sách đối ngoại của EU có thay đổi cùng với nó?

Cuối cùng thì người Ukraine mất nhiều nhất, và họ có nhiều thứ để mất nhất. Thảo luận về những sai lầm của Mỹ nên đóng khung trong bối cảnh này. Tất nhiên kết cục này không phải cái không thể tránh khỏi, nhưng đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của người Ukraine và sự hỗ trợ liên tục từ bên ngoài, nhưng không may cơ hội đó quá mỏng manh.

Hồng Thủy