Chiến lược của Nhật chống Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông

22/12/2015 13:38
Đông Bình
(GDVN) - Thủ tướng Shinzo Abe coi trọng xây dựng một cơ chế hợp tác trong đó hạt nhân là khả năng răn đe của Mỹ, thúc đẩy "hợp tác JAI" và tham vấn 2+2, v.v..

Nhật Bản kiên trì thúc đẩy chiến lược “kim cương”

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 22/12 đưa tin, trong tháng này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã liên tiếp tổ chức hội đàm với các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Australia, ra sức thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh giữa 4 nước gồm Nhật Bản-Mỹ-Australia-Ấn Độ.

Từ ngày 11 đến ngày 13/12/2015, Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Ấn Độ.
Từ ngày 11 đến ngày 13/12/2015, Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Ấn Độ.

Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra ý tưởng “kim cương”, tức là thông qua hợp tác 4 nước để bảo vệ khu vực hình thoi kết nối Nhật Bản-Australia-Ấn Độ với Hawaii của Mỹ.

Hãng tin Kyodo ngày 22/12 phân tích cho rằng, đây là các hành động trên biển nhằm đối phó Trung Quốc, cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Ý tưởng “kim cương” được Thủ tướng Nhật Bản đưa ra trong một bài viết trên chuyên trang phân tích kinh tế-chính trị Project Syndicate vào ngày 27/12/2012, sau khi ông lên cầm quyền lần thứ hai.

Trong bài viết, ông Shinzo Abe bày tỏ lo ngại về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông, đồng thời tiết lộ “đang vạch ra chiến lược vùng biển hình kim cương từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương”. Khi đó, ông khẳng định, vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ là ưu tiên trong chính sách của Tokyo.

Thủ tướng Shinzo Abe coi trọng xây dựng một cơ chế hợp tác trong đó hạt nhân là khả năng răn đe của Mỹ. Có nguồn tin ngoại giao tiết lộ, trong cuộc hội đàm cấp cao Nhật-Ấn vào ngày 12/12 vừa qua, Nhật Bản cho biết sẽ cho Lực lượng Phòng vệ định kỳ tham gia cuộc tập trận chung Malabar với hải quân hai nước Mỹ, Ấn Độ, làm cho giao lưu quốc phòng ba nước tích cực hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull

Đối với Australia, quốc gia được Nhật Bản coi là “đồng minh tiêu chuẩn”, sẽ đẩy nhanh đàm phán hiệp định mới để thực hiện thuận lợi huấn luyện liên hợp, thúc đẩy hợp tác Nhật Bản-Mỹ-Australia tiến lên phía trước.

Có lẽ do Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cho nên Bắc Kinh tỏ ra coi thường Tokyo khi cho rằng “Nhật Bản không có tư cách” để bày tỏ quan ngại đối với tình hình khu vực, trong đó có Biển Đông.

Trên thực tế, Nhật Bản là một nước có thực lực kinh tế và quân sự khá mạnh, tích cực triển khai chiến lược của họ trong khu vực và cũng đang phát huy hiệu quả tốt, đã gây lo ngại đặc biệt cho Bắc Kinh.

Nhật Bản thực sự đang nỗ lực làm việc để cùng các nước trong khu vực tạo thế kiềm chế đối với các hoạt động bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc không phải không cảm nhận được sức ép to lớn về mọi mặt và có tin cho rằng, họ cũng có những động thái xuống thang nhất định, tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Quả quýt dày có móng tay nhọn

Ngoài ra, bản thân Nhật Bản cũng đang tăng cường quốc phòng nhằm đối phó Trung Quốc, nhất là dọc chuỗi đảo thứ nhất và lãnh thổ phía tây nam của Nhật Bản.

Hệ thống tên lửa đất đối hạm Type 88 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản
Hệ thống tên lửa đất đối hạm Type 88 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản

Vừa qua, có quan chức Nhật Bản lần đầu tiên công khai cho rằng, Tokyo đang dựng lên bức tường hỏa lực bằng tên lửa chống hạm và radar để giám sát, ngăn chặn các hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, trung tâm của lá chắn này là tên lửa chống hạm Type 88 và Type 12. Nhật Bản có thể phong tỏa eo biển Miyako khi chiến tranh xảy ra.  

Ngoài ra, theo báo Nhân Dân Trung Quốc ngày 16/12, Nhật Bản có kế hoạch tiến hành thử nghiệm tên lửa không đối hạm mới XASM-3 vào năm 2016, bia ngắm là tàu khu trục tên lửa lớp Shirane đã nghỉ hưu.

Có phân tích cho rằng, tàu khu trục lớp Shirane của Nhật Bản có kích cỡ tương tự tàu khu trục Type 052D hiện có của Hải quân Trung Quốc, vì vậy, theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Triệu Trung, tên lửa không đối hạm XASM-3 có thể bắn chìm tàu khu trục Type 052D.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lỵ cũng cho rằng, tàu khu trục Shirane có lượng giãn nước khoảng 7.000 tấn, dài hơn 150 m, kích cỡ hầu như tương đồng với tàu khu trục thế hệ mới Type 052D của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã biên chế 3 chiếc tàu khu trục Type 052D và đều triển khai ở Biển Đông.

Việc thử nghiệm tên lửa siêu âm XASM-3 bắn tàu khu trục Shirane của Nhật Bản rõ ràng có mục tiêu tấn công chính là tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Trung Quốc.

Tên lửa không đối hạm XASM-3 lắp cho máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản
Tên lửa không đối hạm XASM-3 lắp cho máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản

Như vậy, quả quýt dày có móng tay nhọn. Trung Quốc muốn dùng sức mạnh quân sự để hậu thuẫn cho các yêu sách chủ quyền và các đòi hỏi khác của họ thì các nước cũng không phải không có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ, nếu như chủ quyền, quyền lợi chính đáng của họ bị đe dọa.

Khi theo đuổi những lợi ích không chính đáng, khi không thỏa hiệp được với nhau, không giải quyết được các bất đồng và mâu thuẫn dựa trên luật pháp quốc tế thì đó chính là nguyên nhân thúc đẩy quân sự hóa và chạy đua vũ trang trong khu vực.

Trung Quốc là một nước có thực lực kinh tế và quân sự đã khá mạnh ở khu vực, tỏ ra “tự tin” hơn và tích cực áp đặt nhiều yêu sách hơn, nhưng họ sẽ không tránh khỏi đối mặt với các cường quốc khác ở khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ cùng cộng đồng quốc tế.

Mấy ngày nay, dư luận Trung Quốc trong đó có Thời báo Hoàn Cầu đang công khai kêu gọi nước này phải quân sự hóa Biển Đông để đối phó Mỹ và đồng minh, nghĩ rằng, làm việc đó sẽ không mất đi hình tượng “đạo đức”.

Đó là một dấu hiệu hiếu chiến mới đến từ một số cái đầu nóng ở Bắc Kinh. Trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là tiếp tục làm việc với Bắc Kinh để thúc đẩy phi quân sự hóa khu vực Biển Đông, bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực.

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc được cho là đã triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-11B ở sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam)
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc được cho là đã triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-11B ở sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam)

Tích cực can dự vấn đề Biển Đông

Như trên đã nói, Nhật Bản rất coi trọng vấn đề Biển Đông, muốn phối hợp giải quyết vấn đề biển Hoa Đông với vấn đề Biển Đông. Nhật Bản hiện nay tích cực can dự Biển Đông đã là một chính sách đã định và sẽ ngày càng gia tăng, nhất là khi nhìn vào mọi động thái ngoại giao, quân sự, an ninh của Nhật Bản trong khu vực và quốc tế thời gian qua.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong rất nhiều trường hợp đã bày tỏ mối quan ngại đặc biệt và tăng cường lên án các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ hoạt động tuần tra của Mỹ và tích cực hợp tác an ninh với các nước ven Biển Đông.

Rõ ràng, Nhật Bản tích cực hành động như vậy là vì các lợi ích và an ninh quốc gia của họ, chứ không chỉ là phối hợp với chiến lược khu vực của đồng minh Mỹ. Thực lực về mọi mặt của Nhật Bản cũng cho phép họ gia tăng can dự vào các vấn đề khu vực và quốc tế.

Hãng tin BBC Anh ngày 17/12 cho biết, cùng ngày, Nhật Bản và Indonesia đã tiến hành Tham vấn “2+2” ở Tokyo. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khi đó cho biết, trong hội đàm hai bên đã đạt được đồng thuận “tăng cường an ninh biển là không thể thiếu để duy trì hòa bình và an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông”.

Indonesia là quốc gia đầu tiên của ASEAN xây dựng cơ chế tham vấn này với Nhật Bản. Tham vấn lần này cũng cho thấy lập trường coi trọng Biển Đông của Nhật Bản. Hãng tin Kyodo Nhật Bản khẳng định rằng, Chính phủ Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác an ninh biển với Indonesia để “kiềm chế Trung Quốc”.

Tham vấn "2+2" Nhật Bản-Indonesia ngày 17/12/2015
Tham vấn "2+2" Nhật Bản-Indonesia ngày 17/12/2015

Dư luận Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại đối với hợp tác Nhật Bản-Indonesia. Học giả vấn đề biển của Trung Quốc là Lưu Phong cho rằng, Nhật Bản không chỉ tạo dựng dư luận đối phó Trung Quốc, mà còn có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia, tìm cách giành lấy ưu thế đặc biệt với Trung Quốc ở Indonesia.

Đáng chú ý, Nhật Bản có ý định tham gia vào cuộc diễn tập liên hợp đa quốc gia về cứu trợ nhân đạo và cứu nạn do Indonesia tổ chức vào năm 2016.

Mặc dù Indonesia luôn thể hiện giữ vai trò “trung lập” trong vấn đề Biển Đông, nhưng Indonesia cũng bày tỏ cứng rắn phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, tăng cường sức mạnh quân sự bảo vệ chủ quyền quần đảo Natuna và vùng biển xung quanh; đồng thời có quan chức thậm chí tuyên bố, Indonesia có thể kiện Trung Quốc ở tòa án quốc tế.

Tăng cường quan hệ quốc phòng, an ninh với Indonesia chỉ là một động thái của Nhật Bản trong tăng cường quan hệ quốc phòng, an ninh với các quốc gia trong khu vực nhằm đối phó Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

Các động thái đó đều cho thấy, Nhật Bản đang thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chiến lược trong khu vực, trong đó có ý tưởng “kim cương”, tạo thế kiềm chế Trung Quốc.

Trung Quốc tìm mọi cách tạo ưu thế về sức mạnh để thu lợi nhiều nhất cho mình thì các nước trong khu vực cũng đang tạo ra nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương tương ứng, thậm chí có thể áp đảo. Đó là cái giá phải trả cho các âm mưu và hành động bành trướng của Trung Quốc.

Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Australia sẽ tiếp tục gia tăng can dự vào vấn đề Biển Đông là một xu thế tất yếu và đã định, sẽ không dừng lại. Các nước ven Biển Đông chắc chắn sẽ tăng cường chống lại yêu sách bành trướng, tham lam, vô lý và bất hợp pháp mang tên “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” của Trung Quốc – đây cũng là xu thế tất yếu. 

Đông Bình