Chiến lược mơ hồ nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông

11/12/2015 06:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc đã cố tình mập mờ yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, đồng thời lại tuyên bố sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ ấy bằng vũ lực.

Liselotte Odgaard, một nữ giáo sư từ Đại học Quốc phòng hoàng gia Đan Mạch ngày 10/12 bình luận trên The New York Times, sự mơ hồ của Trung Quốc trên Biển Đông gây nguy hiểm cho khu vực và Hoa Kỳ.

Giáo sư Liselotte Odgaard, ảnh: Fiia.
Giáo sư Liselotte Odgaard, ảnh: Fiia.

Bà cho biết, Diêu Vân Trúc, một Thiếu tướng từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc ở Bắc Kinh khi bị chất vấn tại diễn đàn Hương Sơn về quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông đã hỏi ngược lại người chất vấn.

Bà Trúc nói rằng, tại sao lại chỉ trích Trung Quốc trong khi Hoa Kỳ là cường quốc quân sự chiếm ưu thế ở các vùng biển châu Á, trong khi Mỹ duy trì hợp tác quân sự với nhiều nước trong khu vực, bao gồm cả các bên yêu sách khác ở Biển Đông như Việt Nam và Philippines?

Tuy nhiên bà Trúc đã cố tình né tránh bản chất vấn đề - Trung Quốc đã cố tình mập mờ yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, đồng thời lại tuyên bố sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ ấy bằng vũ lực.

Chỉ vài ngày sau diễn đàn Hương Sơn, ngày 27/10 tàu USS Lassen đã tuần tra tự do đi lại theo luật pháp quốc tế ở trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hiện do Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hành động của Mỹ là bất hợp pháp, nhưng lại không thể xác định rõ vùng biển mà USS Lassen hoạt động bên trong 12 hải lý quanh Xu Bi là gì.

Vài ngày sau sự kiện USS Lassen, Trung Quốc tập trận chống xâm nhập đường không - đường biển trên Biển Đông.

Đường lưỡi bò chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 và không dựa trên bất kỳ căn cứ pháp lý nào. Trong khi các nhà lãnh đạo nước này nhiều lần tuyên bố rằng nó là "một phần lãnh thổ" Trung Quốc từ thời cổ đại.

Hôm 7/11 khi thăm Singapore, ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại. Chính phủ Trung Quốc có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải hợp pháp của Trung Quốc".

Khi bị lên án vì các hành động khiêu khích, quan chức Trung Quốc thường sử dụng ngôn ngữ và khái niệm mơ hồ để phản đối. Trong vụ tàu USS Lassen, Trung Quốc không cáo buộc Mỹ vi phạm "lãnh hải", cũng không nói Hoa Kỳ xâm phạm "vùng đặc quyền kinh tế", thay vào đó Bắc Kinh nói Washington "đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc".

Trung Quốc đã tránh mọi trường hợp làm rõ các bản chất pháp lý của những thực thể ở Trường Sa là gì và các vùng biển hiệu lực của nó ra sao để ngấm ngầm tìm cách kiểm soát các vùng biển xung quanh.

Trong khi đó việc xác định bản chất pháp lý của các thực thể ở Trường Sa là gì theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) rất quan trọng, nhưng lại rất khó khăn.

Nguy hiểm hơn nữa là việc Trung Quốc có ý định, cam kết rõ ràng việc bảo vệ yêu sách mơ hồ (vô lý, phi pháp) đó bằng vũ lực. Điều này được thể hiện rõ trong Sách trắng Quốc phòng 2015:

Một trong những mục tiêu quân sự của Trung Quốc là bảo vệ "chủ quyền và lợi ích hàng hải" trong các tình huống "nếu tàu láng giềng có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các rặng san hô, đá, đảo" ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Trong khi yêu sách của Trung Quốc không được làm rõ thì các bên yêu sách khác không thể xác định Trung Quốc sẽ dùng vũ lực ở đâu và khi nào, do đó sẽ làm tăng nguy cơ xung đột.

Chính sách mơ hồ này dẫn đến kết luận: Bắc Kinh muốn mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trên Biển Đông như một thách thức trực tiếp đối với hệ thống đồng minh của Mỹ, vì làm như vậy sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp vào hoạt động tự do đi lại của tàu thuyền, máy bay.

Do đó Hoa Kỳ không thể khoanh tay ngồi nhìn. Washington cần phải thể hiện rằng, vùng biển quốc tế không thể biến thành ao nhà của Trung Quốc và các nước khác bị hạn chế. Do đó việc Mỹ điều chiến hạm tuần tra tự do đi lại ở Biển Đông mà không giải thích rõ những nguyên tắc pháp lý, sẽ không phải một khởi đầu tốt.

Hồng Thủy