"Chiến tranh toàn diện ở Biển Đông sẽ không xảy ra"

09/04/2014 07:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Valencia cho rằng, thực sự Mỹ không có lợi ích an ninh cơ bản nào bị đe dọa trong khu vực Biển Đông.
Học giả Mark Valencia.
Học giả Mark Valencia.

Bưu điện Hoa Nam ngày 9/4 đăng bài phân tích của học giả Mark Valencia, giáo sư thỉnh giảng của Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) đặt tại Hải Nam, Trung Quốc hiện đang tham dự diễn đàn Bác Ngao nhận xét, sẽ không xảy ra chiến tranh toàn diện ở Biển Đông, nhưng căng thẳng cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt sau vụ kiện của Philippines.

Có thể thực sự có những nguy cơ tính toán sai lầm và bạo lực ở Biển Đông sau một loạt căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng 1 cuộc chiến tranh toàn diện là không thể bởi có quá nhiều thứ để mất cho tất cả các bên liên quan.

Về lý thuyết, đúng là 2 đối thủ cạnh tranh Trung Quốc và Mỹ là 2 thế lực mạnh, 1 đang thống trị và 1 cường quốc mới nổi sớm muộn cũng sẽ đụng độ. Trên thực tế Trung Quốc và Mỹ vẫn xung đột trong vấn đề thống trị khu vực, ảnh hưởng chính trị cũng như tái diễn giải trật tự thế giới và luật pháp quốc tế. Nhưng một cuộc đối đầu toàn diện thì không có gì chắc chắn.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang bận tâm đến những vấn đề quan trọng khác. Trung Quốc đang mải tập trung vào phát triển kinh tế, ổn định nội bộ và xử lý tranh chấp với Nhật Bản ở Hoa Đông. Mỹ còn bận bịu trên nhiều điểm xung đột quốc tế đang diễn ra, nhất là sau khi thất bại trước Nga tại Crimea.

Hơn nữa công nghệ quân sự Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Bắc Kinh còn lạc hậu so với Washington ít nhất 2 thập kỷ về quân sự mặc dù Trung Quốc đang tìm cách nhanh chóng đuổi kịp Mỹ. Mỹ cũng đang nỗ lực sau hậu trường để ngăn cản các đồng minh khiêu khích Trung Quốc dùng vũ lực.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ gặp nhau tại Bắc Kinh, vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Đông Á trở thành nội dung trọng tâm 2 bên lời qua tiếng lại.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ gặp nhau tại Bắc Kinh, vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Đông Á trở thành nội dung trọng tâm 2 bên lời qua tiếng lại.

Ông Valencia cho rằng, thực sự Mỹ không có lợi ích an ninh cơ bản nào bị đe dọa trong khu vực Biển Đông. Washington thường tuyên bố lợi ích quốc gia ở Biển Đông là tự do hàng hải, nhưng Mỹ thừa biết Trung Quốc "chưa bao giờ đe dọa tự do hàng hải và thương mại", Bắc Kinh cũng khó có thể làm như vậy.

Lý giải sự cố Trung - Mỹ trên Biển Đông, Mark Valencia cho rằng nguyên do bắt nguồn từ thông tin tình báo, trinh sát thăm dò của Mỹ khiến Trung Quốc cảm thấy bị "đe dọa".

Trung Quốc thì tìm cách biện minh (ngụy biện) cho sự can thiệp của mình vào hoạt động đánh bắt cá, thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông của các bên liên quan bằng công cụ DOC, trong khi tự cho rằng việc sử dụng lực lượng phi quân sự (Cảnh sát biển) để tăng cường hoạt động trên thực địa là "động thái tự kiềm chế"?!

Với Philippines, dưới áp lực của Mỹ đã thể hiện sự kiềm chế khá tốt ở Biển Đông. Tuy nhiên do không có một quân đội đủ mạnh, Manila thực sự không có nhiều lựa chọn để bảo vệ yêu sách chủ quyền mà họ tuyên bố.

Manila một mặt vẫn hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, mặt khác tập trung nỗ lực cho vụ kiện đường lưỡi bò, mặc dù đây chỉ là "một cú sút xa". 

Nếu kết quả phiên tòa bất lợi cho Philippines, Manila sẽ có thể phải tiếp cận cả chính trị và quân sự với Mỹ để được bảo vệ. Mặt khác, nếu đường lưỡi bò Trung Quốc bị chống lại, Bắc Kinh sẽ không tuân thủ các phán quyết, làm gia tăng sự không chắc chắn về pháp lý và chính trị ở Biển Đông, khả năng đụng độ sẽ sinh sôi nảy nở.

Vì vậy theo Mark Valencia, có thể kết luận rằng Biển Đông sẽ căng thẳng hơn, sự cố giữa Trung Quốc và các bên liên quan bao gồm cả Mỹ sẽ gia tăng nhưng không có chiến tranh toàn diện.

Hồng Thủy