Chính phủ nhận định Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp

21/03/2016 13:13
Ngọc Quang
(GDVN) - Đây là nhận định trong báo cáo phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020, đồng thời Chính phủ cũng nêu giải pháp sơ bộ để xử lý vấn đề này.

Trình bày báo cáo tổng kết kinh tế - xã hội 5 năm qua và giai đoạn 5 năm tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố có biểu hiện gia tăng.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng quyết liệt. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế có nhiều rủi ro; rào cản thương mại có xu hướng gia tăng. Giá dầu thấp, khó dự báo. Một số nền kinh tế lớn tăng trưởng không ổn định và đang điều chỉnh chiến lược phát triển.

Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển nhanh, kinh tế thị trường, tiến bộ công bằng xã hội, dân chủ - pháp quyền, hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hoà bình - phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại.

Trong nước, thế và lực của ta đã lớn mạnh hơn và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Nhu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững… nhưng nguồn lực còn hạn hẹp, nợ công đã sát trần cho phép. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề và nhanh hơn.

Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp; nguồn vốn ODA sẽ giảm dần. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nền kinh tế phải đối diện với nhiều thách thức 5 năm tới. ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nền kinh tế phải đối diện với nhiều thách thức 5 năm tới. ảnh: VGP

Trước tình hình này, mục tiêu tổng quát của 5 năm tới được Chính phủ đề ra là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

8 giải pháp ổn định kinh tế, bảo vệ chủ quyền

Để đạt được các chỉ tiêu trên trong 5 năm tới, Phó Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã nêu 8 giải pháp mà Chính phủ sẽ tập trung thực hiện:

Thứ nhất, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp.
Điều hành lãi suất, tỷ giá theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối.

Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi.

Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo.

Đẩy mạnh xã hội hóa, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ phù hợp và hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp đối với các đơn vị có đủ điều kiện.

Sân bay quân sự trên đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.
Sân bay quân sự trên đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.

Thứ hai, Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán hết phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển.

Chính phủ nhận định Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh 3

Kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết việc thay đổi nhiều lãnh đạo cấp cao

Phát triển mạnh các loại hình và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả.

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Đẩy mạnh tự chủ và đề cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục công lập đại học và dạy nghề. Phát triển hợp lý và bảo đảm bình đẳng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập.

Thứ tư, Chính phủ đặt giải pháp phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế.

Theo đó, mở rộng đối tượng tham gia, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp.

Cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường gắn với tăng năng suất lao động. Có cơ chế để công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động giám sát thực hiện thoả ước lao động tập thể.

Tăng cường quản lý nhà nước về y tế qua việc nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục nhanh tình trạng quá tải bệnh viện.

Chính phủ sẽ đổi mới cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, hỗ trợ phù hợp các đối tượng chính sách, người nghèo. Tăng cường quản lý thuốc chữa bệnh và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển dân số bền vững, phấn đấu tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt 74-75 tuổi.

Thứ năm, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường bằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội; chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo của người dân.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao.

Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, công chức. Đẩy mạnh ứng dụng, thuê dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và Chính phủ điện tử.

Tập trung chỉ đạo, phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, phát huy quyền của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thứ bảy là tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước; không để bị động, bất ngờ.

Thứ tám là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên Hợp Quốc.

Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận của khu vực, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do đã ký, tiếp tục đàm phán các Hiệp định mới. Nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế. Làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; tạo thuận lợi để kiều bào tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngọc Quang