Chính quyền "bất lực" để doanh nghiệp hút cát, nguy cơ sạt lở đôi bờ sông Hồng

31/05/2016 10:38
Minh Chí
(GDVN) - Sự buông lỏng của cơ quan quản lý đang khiến sông Hồng bị hoành hành ngày đêm, tài nguyên khoáng sản bị vơ vét, hậu quả dân phải gánh chịu.

Sạt lở do đâu?

Có thể nói tình trạng khai thác, tận thu khoáng sản trên sông Hồng thời gian qua diễn ra rầm rộ, tràn lan và hết sức phức tạp khi tài nguyên “cát” đang là một miếng mồi béo bở đối với một số đơn vị doanh nghiệp.

Trong đó có sự tham gia của nhiều thành phần, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và một số đơn vị thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia,…

Tuy nhiên, sự quản lý lỏng lẻo của các cấp nhà nước và việc chạy theo lợi nhuận của một số đơn vị đã gây ra hậu quả dẫn đến việc sạt lở bờ, kè sông đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân khi mùa mưa lũ đến.

Dấu hiệu của sự sạt lở bên bờ sông Hồng đe dọa nghiêm trọng đến đất đai, hoa màu của người dân (Ảnh Minh Chí)
Dấu hiệu của sự sạt lở bên bờ sông Hồng đe dọa nghiêm trọng đến đất đai, hoa màu của người dân (Ảnh Minh Chí)

Qua quá trình ghi nhận thực tế dọc hai bờ trên tuyến sông Hồng đoạn qua địa bàn phường Chương Dương (Hoàn Kiếm), phường Bồ Đề, Long Biên (Long Biên) đã có sự xuất hiện một số điểm sạt lở bờ sông. Thậm chí có những đoạn sạt lở nghiêm trọng cuốn trôi cả cây cối hoa màu của người dân.

“Gia đình tôi canh tác ở đây hơn 2 mẫu, không biết sao đợt này bờ sông lại sạt lở nhiều đến vậy? Hôm vừa rồi tôi ra dọc bờ sông mới phát hiện bờ bị sạt rơi cả cây bưởi xuống sông bị nước cuốn trôi đi.

Còn sông ở đây thì ngày nào không có tàu, thuyền chạy, tiếng máy nổ inh ỏi mà tôi đâu có để ý họ làm gì? Chỉ biết là tàu họ đang hút cát vậy thôi. Cứ nguy cơ này chắc bờ cõi dọc sông chẳng mấy chốc bị sạt lở, nước cuốn trôi mất”, chị Lê Thị H., một người dân có đất canh tác dọc sông Hồng đoạn qua khu vực trên cho biết.  

Tương tự, ở một địa điểm khác cách chị H., canh tác không xa cũng xuất hiện tình trạng sạt lở.

“Tưởng gì chứ, sạt lở thì chú cứ đi ra dọc bờ sông thì thấy, có sạt lở đầy ra đấy! May mà có cây cối nên cũng đỡ chứ chỉ bờ đất không thì sạt lở ăn sâu vào rồi”, bà Trần Thị T., một người dân phường Bồ Đề cho biết thêm.

Theo người dân địa phương quanh khu vực trên cho biết, ngày nào cũng xuất hiện các tàu hút cát.

Chính điều này đang khiến người dân lo ngại việc đôi bên bờ sông một sớm một chiều sẽ bị sạt lở  nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cho phép 3 tầu nạo vét, điều 10 tàu hút cát?

Chấp thuận của cơ quan chức năng thì chỉ cho phép đơn vị thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa là 3 chiếc tàu hút cát.

Tuy nhiên, theo người dân phản ánh đơn vị thường xuyên điều 10 tàu ra hút cát trên sông Hồng đoạn qua khu vực Bắc Cổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người dân và dư luận không khỏi bức xúc trước việc khai thác cát rầm rộ tại khu vực này.

Theo ghi nhận của phóng viên trong thời gian qua, có đến 10 chiếc tàu (trong đó 1 tàu cuốc và 9 tàu hút) đang rầm rộ hút cát tại khu vực trên.

Người dân cho biết đơn vị đang thực hiện dự án nạo vét có liên quan đến địa phận trên là Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác và Phát triển khoáng sản Sông Hồng (Cty khoáng sản Sông Hồng- PV).

 Số lượng tàu, thuyền không những 3 chiếc mà lên đến chục chiếc đi hút cát (Ảnh Minh Chí)
Số lượng tàu, thuyền không những 3 chiếc mà lên đến chục chiếc đi hút cát (Ảnh  Minh Chí)

Qua tìm hiểu, ngày 11/7/2014, Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã chấp thuận hồ sơ đề xuất của Công ty Cổ phần đầu tư khai thác và Phát triển khoáng sản sông Hồng để thực hiện dự án nạo vét, kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn Bắc Cổ km 177+000 đến km182+000 trên sông Hồng, theo hình thức lấy thu bù chi, kinh phí thực hiện bằng nguồn vốn huy động của doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Quy định về thông số kỹ thuật đối với dự án như sau: Về chuẩn tắc luồng nạo vét, đoạn cạn từ km 177+850 đến km 180 +325 với chiều dài tuyến nạo vét: 2.475m; Cao độ đáy luồng bình quân thiết kế: -1,80; bề rộng luồng B=80m; mái dốc m= 5; bán kính cong >500m.

Đoạn cạn từ km 181+175 đến km 181+725 với chiều dài tuyến nạo vét: 550m; Cao độ đáy luồng bình quân thiết kế: -1,50; bề rộng luồng B=80m; mái dốc m= 5; bán kính cong >500m.

Khối lượng nạo vét: 117.533.75m3 (gồm cả khối lượng sai số trong quá trình thi công).

Đáng chú ý, theo quy định, thiết bị thi công chỉ có 3 chiếc tàu hút 585CV; tàu kéo 360CV là 3 chiếc; Xà lan 400T là 3 chiếc.

Mặc dù theo quy định như vậy, nhưng theo ghi nhận thực tế của phóng viên theo dõi thì khác xa không chỉ dừng lại ở chiếc thứ 3.

Được biết, dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa nằm trong hợp phần A (Đầu tư hành lang vận tải đa phương thức)_ một hợp phần đóng vai trò hết sức quan trọng  trong sự thành công của toàn bộ dự án “Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ” do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án Đường thủy là đơn vị đại diện chủ đầu tư.

Đây là dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, với tổng mức đầu tư được duyệt là 201,5 triệu USD, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (Dự án WB6)

Quy mô dự án gồm 03 hợp phần: Hợp phần A – Đầu tư hành lang vận tải đa phương thức; Hợp phần B – Đầu tư cho các bến khách ngang sông; Hợp phần C – Hỗ trợ thể chế cho Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sông Việt Nam và các tỉnh.

“Đơn vị nào vi phạm tuyến, luồng sẽ xử lý nghiêm khắc”

Trước những diễn biến phức tạp về tình trạng hút cát đang xảy ra trên tuyến sông Hồng nói riêng và trên các tuyến sông cả nước nói chung.

Để có cái nhìn khách quan nhiều chiều, phóng viên đã có buổi làm việc với Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) về tình trạng trên.

Qua trao đổi, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: “Về mặt chủ trương thực hiện việc nạo vét, duy tu luồng lạch tận thu sản phẩm là một chủ trương rất tốt, thực chất đây là việc xã hội hóa đầu tư luồng lạch mà không sử dụng đến ngân sách, bên cạnh đó nhà đầu tư có lợi nhuận.

Về mặt kiểm soát, quản lý các đơn vị thực hiện dự án, chúng tôi đang vào cuộc rất quyết liệt, quản lý chặt chẽ làm sao không thất thoát tài nguyên khoáng sản, quán triệt một số doanh nghiệp khi thực hiện phải đảm bảo đúng tuyến, đúng luồng lạch đã quy định, đảm bảo sự chuẩn tắc trong hoạt động nạo vét.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những nhà đầu tư thực sự chưa tuẩn thủ theo sự chuẩn tắc trong quá trình thực hiện dự án, và những đơn vị bị phát hiện chưa tuân thủ sự chuẩn tắc sẽ bị dừng ngay, và thu hồi giấy phép ngay lập tức.  

Mới đây một số thông tư của Bộ Giao Thông Vận Tải đã được sửa đổi nhằm tăng cường công tác quản lý đã giảm bớt một số đơn vị làm sai, chưa đạt yêu cầu trong việc thực hiện dự án”.

Cũng trong buổi làm việc, ông Giang bày tỏ những khó khăn trong công tác quản lý, giám sát các đơn vị thực hiện dự án nạo vét đường thủy nội địa.

Ông Giang bày tỏ quan điểm để giám sát, quản lý chặt chẽ hơn cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan ban nghành và địa phương.

“Thứ nhất về dự án thực hiện việc nạo vét đường thủy nội địa là rất ít. Còn tại địa phương việc các địa phương cấp quyền khai thác mỏ với số lượng lớn. Số lượng mỏ do địa phương cấp chính là lỗ hổng cho một số đối tượng thực hiện việc khai thác cát trái phép vì khi cấp như vậy thì việc chồng chéo lên nhau là không tránh khỏi, thậm chí có địa phương lại cấp chồng lên những vị trí mà dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa đang thực hiện và còn không hề có báo cáo lên cục. Việc này rất dễ gây ra phức tạp, và khó khăn trong công tác quản lý.

Thứ hai nữa là về thẩm quyền xử lý, bên Cục đường thủy nội địa chỉ quản lý tàu bè đi từ bến đến bến còn không được phép dừng phương tiện kiểm tra, và không trực tiếp quản lý bến, mỏ bên sông.  Mà đơn vị kiểm tra phải là lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy. Qua đó để chúng ta thấy rằng, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước mới quán triệt được việc này. Đơn vi nào vi phạm, không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm. Trong năm 2015 – 2016, chúng tôi quản lý rất quyết liệt, chặt chẽ, tuy nhiên một số đối tượng đã lợi dụng hút cát là khó tránh khỏi.

Liên quan đến vấn đề một số đơn vị dùng các phương tiện không đúng theo quy định đã đăng ký, ông Giang cho biết thêm, nhà đầu tư phải đăng ký phương tiện và được bên Cục đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt, sau khi được phê duyệt, đồng ý, chủ đầu tư sẽ phải gửi các văn bản về địa phương để lấy danh sách các phương tiện được phép hoạt động, thực hiện dự án.

Trả lời phóng viên việc có hay không một số đơn vị trong quá trình thi công thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa thực hiện sai tuyến, luồng? ông Giang cho biết: “Vẫn có thể có một số đơn vị trong quá trình nạo vét có thể làm sai tuyến, luồng. Để giám sát việc này bên cục đang yêu cầu các phương tiện phải được lắp thiết bị hộp đen giám sát, chỉ khai thác ban ngày, không được khai thác ban đêm.

Hướng xử lý tiếp theo của chúng tôi là tiếp tục rà soát các quy trình để phối hợp làm các bước chặt chẽ hơn, đồng thời đưa ra các quy chế phối hợp với địa phương. Ví dụ như Đồng Tháp, người ta kết hợp làm với địa phương rất tốt, một tháng bán bao nhiêu khối cát phải có hóa đơn chứng từ đàng hoàng, báo cáo rất đầy đủ hàng tháng và có sự tham gia giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và một số lực lưỡng khác. Tại một số địa phương thì vẫn chưa làm tốt được như ở Đồng Tháp”.

Chi Cục đường thủy nội địa phía Bắc thực hiện chỉ đạo của Cục đường thủy nội địa sau khi báo chí phản ánh đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính một số tàu (Ảnh Minh Chí)
Chi Cục đường thủy nội địa phía Bắc thực hiện chỉ đạo của Cục đường thủy nội địa sau khi báo chí phản ánh đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính một số tàu (Ảnh Minh Chí)

Ông Nguyễn Đức Tuân, Chuyên viên phòng kế hoạch - đầu tư (Cục đường thủy nội địa) cho biết, việc phê duyệt các đơn vị thực hiện dự án cải tạo luồng đường thủy nội địa phải đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Một là, các đơn vị trực tiếp quản lý tuyến luồng đường thủy căn cứ vào độ sâu, cạn của tuyến luồng, họ sẽ báo cáo lên cục, cục sẽ trình bộ danh mục các đoạn cạn cần nạo vét để đảm bảo an toàn giao thông.

Hai là, do đơn vị tự đề xuất, căn cứ vào nhu cầu vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, họ thường xuyên qua lại và nắm được vị trí đoạn cạn họ sẽ đề xuất lên Bộ GTVT cho phép triển khai dự án, sau khi có đề xuất, Bộ sẽ lấy ý kiến các đơn vị có liên quan để thẩm định lại vị trí đấy.

Trong công tác giám sát, quản lý về dự án này thì cục đường thủy nội địa Việt Nam tuân thủ theo các thông tư, nghị định đã ban hành. Để chuẩn tắc hơn trong việc thực hiện dự án đúng tuyến, luồng, cục thường xuyên chỉ đạo  các chi cục quản lý, các đội thanh tra thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình. Ngoài ra còn có tư vấn giám sát tại hiện trường. Tổ chức kiểm tra xử phạt hành chính đối với một số đơn vị vi phạm nếu có.

Đến thời điểm hiện nay đã có 13 đơn vị bị thu hồi và chấm dứt việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa. Nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị không chứng minh được năng lực để hoàn thành các thủ tục theo thời gian quy định. Không thực hiện theo chuẩn tắc vị trí và các phương án đảm bảo giao thông đã được phê duyệt.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Chí