Chính quyền huyện Khoái Châu đã “buông xuôi” trước nạn cát tặc

13/11/2015 13:14
Phan Thiên
(GDVN) - Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, địa phương để xảy ra "cát tặc" thì xử lý người đứng đầu. Và đây, là thực trạng ở Khoái Châu, Hưng Yên...

“Cát tặc” tung hoành

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh về tình trạng “cát tặc” hoạt động công khai giữa ban ngày, dưới danh nghĩa là bãi tập kết vật liệu xây dựng…nhưng lại cắm “vòi rồng” để hút cát trái phép một cách vô tội vạ dọc con sông Hồng tại địa phận xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Sau đó, các cơ quan chức năng của huyện Khoái Châu và cụ thể là người đứng đầu là ông Chủ tịch huyện đã hứa sẽ chỉ đạo để “dẹp bỏ” nạn “cát tặc” tại địa bàn sông Hồng thuộc địa phương mình quản lý.

Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tại địa phận Khoái Châu với cách thức hút trực tiếp cát lên các bãi mang danh nghĩa bãi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: Phan Thiên
Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tại địa phận Khoái Châu với cách thức hút trực tiếp cát lên các bãi mang danh nghĩa bãi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: Phan Thiên

Tuy nhiên, lời hứa chỉ là lời hứa, bởi rằng sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đến 10 ngày, khi phóng viên tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc hàng ngày những “vòi rồng”  vẫn cắm xuống dòng sông Hồng tận thu tài sản quốc gia để trục lợi cho một nhóm lợi ích…tình trạng này không những không thuyên giảm mà càng hoạt động mạnh.  

Ngày 12/11 phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục quay lại địa điểm cũ (xã Đông Ninh và Tân Châu) để ghi nhận tình hình.

Tình trạng "vòi rồng" vẫn thoải mái hút cát trái phép trực tiếp từ lòng sông lên các bãi...Ảnh: Phan Thiên
Tình trạng "vòi rồng" vẫn thoải mái hút cát trái phép trực tiếp từ lòng sông lên các bãi...Ảnh: Phan Thiên

Ngoài sự mong đời của bà con nhân dân và những lời hứa của vị Chủ tịch huyện thì là cảnh khai thác "rầm rộ" bằng các “vòi rồng” được cắm trực tiếp xuống lòng sông Hồng vẫn diễn ra. Những ống nhựa được cắm xuống lòng sông, bằng máy nổ, cát từ ống nhựa cứ chảy xối xả lên các hố ven đê đã được dọn sẵn.

Đặc biệt, Công ty TNHH Sáu Hằng dùng "vòi rồng" để hút cát trái phép lên bãi cát mà danh nghĩa là bãi tập kết vật liệu một cách công khai. Vậy nhưng, như chính quyền thừa nhận, Công ty này chưa hề có giấy phép hoạt động, là thổ phỉ.

Thế nhưng, vì sao doanh nghiệp này vẫn hoạt động một cách ngang nhiên, đó là cầu hỏi cần cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên vào cuộc?

Công an huyện nói không có “cát tặc”

Sáng ngày 12/11, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có buổi làm việc về tình trạng khai thác cát trái phép trên nêu trên.

Ông Hoàng Văn Tựu - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế UBND huyện Khoái Châu cho biết: "Khoái Châu có 17 điểm tập kết vật liệu xây dựng, hoạt động kinh doanh cát đen, cát vàng, đá…tại 9 xã bám dọc theo tuyến sông Hồng.

Chính quyền huyện Khoái Châu đã “buông xuôi” trước nạn cát tặc ảnh 3

Bất chấp “lệnh cấm” cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động, chính quyền bất lực?

(GDVN) - Mặc dù có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng dẹp bỏ "cát tặc" trên sông Hồng thuộc Hà Nội và Hưng Yên. Tuy nhiên chính quyền sở tại dường như đang bỏ ngoài tai?

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra của huyện thì không hề có “cát tặc”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt lại câu hỏi ông có khẳng định là không có cát tặc? Thì vị Phó Chủ tịch lúng túng nói đó là báo cáo của Công an huyện Khoái Châu?

Cùng lúc, chúng tôi đã cung cấp cho ông Tựu xem cảnh khai thác bằng vòi nhựa được cắm trực tiếp dưới lòng sông Hồng hút lên các bãi (cụ thể là Công ty Sáu Hằng) mà phóng viên vừa ghi hình tại sáng sớm cùng ngày. Đến lúc này vị Phó chủ tịch tỏ ra khá bối rối...".

Như vậy, câu hỏi đặt ra là báo cáo của Công an huyện Khoái Châu (được ký bởi Trưởng Công an huyện Khoái Châu, Đại tá Đỗ Ngọc Cự) là báo cáo “láo” hay thiếu trách nhiệm để lãnh đạo trả lời là không có!?

Không những tận diệt tài nguyên khoáng sản quốc gia, những xe tải chở cát đang phá nát đường dân sinh tại xã Đông Ninh...Ảnh: Phan Thiên
Không những tận diệt tài nguyên khoáng sản quốc gia, những xe tải chở cát đang phá nát đường dân sinh tại xã Đông Ninh...Ảnh: Phan Thiên

Vẫn liên quan đến nạn cát tặc, buổi làm việc có ông Lê Ngọc Đích – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu nhưng bản thân ông này cũng chịu, không có câu trả lời hay quan điểm gì.

Theo ông Đích, nạn khai thác này đã diễn ra từ lâu. Để xử lý nạn “cát tặc” cũng phải có phương án phối hợp giữa cơ quan bàn ngành.

Xin nhấn mạnh rằng, trong khi chờ phương án của huyện, thì cả chục năm nay, các điểm tập kết vật liệu trá hình nêu trên vẫn ngày đêm hút cát lòng sông, bất chấp pháp luật.

Chính quyền cơ sở từ xã đến huyện với đầy đủ các ban ngành không lẽ không thấy các hành động vi phạm ngang nhiên đó? Người dân tại địa bàn, không ai tin vào điều này bởi việc hút cát công khai, sử dụng phương tiện cơ giới, rồi xe tải chở cát chạy ngược xuôi thì ai cũng thấy.

Có hay không sự “bảo kê” cho nạn khai thác cát núp danh những bãi tập kết vật liệu này? Và, chính quyền huyện Khoái Châu đang làm gì? Khi mà tài nguyên quốc gia đang bị một tận diệt?

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm, phòng chống khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ yêu cầu ngăn chặn ngay tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Phó Thủ tướng cho rằng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đang khiến xã hội rất bất bình. Một vài địa phương có dấu hiệu bao che cho người khai thác cát, sỏi trái phép.

Do vậy, tại cuộc họp này, các bộ, ngành, địa phương cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đề ra giải pháp, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, đồng thời tìm hiểu xem sự giám sát của nhân dân như thế nào? Làm điều này là để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi. Phải xác định rõ, “cát tặc” là một loại tội phạm, để có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn.

Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp xử lý nghiêm những cán bộ có dấu hiệu vi phạm, bảo kê; kịp thời biểu dương những tấm gương trong công tác chống “cát tặc”; đồng thời, xem xét dừng việc cấp mới khai thác cát nhiễm mặn.

“Ở đâu để xảy ra nạn khai thác trái phép, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bí thư, chủ tịch, trưởng công an nơi đó phải bị xem xét đầu tiên” – Phó Thủ tướng nói.

Phan Thiên