Chỉnh trang cảnh quan Hồ Gươm, làm thế nào để vừa bảo tồn vừa phát triển?

13/07/2016 09:26
Lan Anh
(GDVN) - Làm thế nào để cảnh quan quanh Hồ Gươm vừa bảo tồn được những nét đẹp vốn có, vừa phát triển phù hợp với xu thế của xã hội?

Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) được coi là trái tim của Hà Nội mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và kiến trúc của Thủ đô. Đồng thời đây cũng là nơi kết nối giữa khu phố cổ với khu phố Tây theo phong cách kiến trúc quy hoạch châu  u mà người Pháp thực hiện cách đây hơn thế kỷ.

Trải qua năm tháng, không khó để nhận ra sự “xuống cấp” của kiến trúc và cảnh quan xung quanh Hồ Gươm.

Dạo một vòng quanh Hồ Gươm có thể thấy sự khập khiễng của kiến trúc xung quanh.

Hà Nội và nhân dân đều trăn trở với bài toán làm thế nào để Hồ Gươm vừa bảo tồn được những nét đẹp vốn có, vừa phát triển phù hợp với xu thế của xã hội. Ảnh: Kiến trúc lộn xộn khu vực đầu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Hà Nội và nhân dân đều trăn trở với bài toán làm thế nào để Hồ Gươm vừa bảo tồn được những nét đẹp vốn có, vừa phát triển phù hợp với xu thế của xã hội. Ảnh: Kiến trúc lộn xộn khu vực đầu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. 

Nếu như bên đường Đinh Tiên Hoàng là các công trình lớn của Bưu điện Hà Nội, UBND TP.Hà Nội, Điện lực Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long… thì sang đến khu vực đầu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và một phần đầu đường Đinh Tiên Hoàng lại là những căn nhà phố, cửa hàng, nhà hàng với kiến trúc đa dạng, màu sắc sặc sỡ, lộn xộn và bắt đầu xuống cấp theo thời gian. 

Trên đường Lê Thái Tổ, kiến trúc có phần nhất quán hơn theo phong cách kiến trúc Pháp cổ với tòa nhà trụ sở của Bảo hiểm Bảo Việt, báo Nhân dân, siêu thị Intimex, Hapro, báo Hà Nội Mới... tuy nhiên vẫn có thể thấy sự lệch tông về màu sắc, bố cục.

Bên cạnh đó, do vị trí đắc địa nên quanh khu vực Hồ Gươm hiện có hàng trăm biển hiệu quảng cáo nhiều màu sắc, kích cỡ, phong cách đua nhau mọc ở mặt tiền mỗi công trình.

Đã từ rất lâu, chính quyền Hà Nội và nhân dân đều trăn trở với bài toán làm thế nào để Hồ Gươm vừa bảo tồn được những nét đẹp vốn có, vừa phát triển phù hợp với xu thế của xã hội.

Gần đây có 2 tin vui liên tiếp đến với những người yêu Hà Nội và Hồ Gươm, đó là việc UBND TP.Hà Nội sẽ tiến hành chỉnh trang lại bộ mặt các công trình bên bờ hồ theo đúng nguyên tắc bảo tồn đối với khu vực này.

Cụ thể, khu vực xung quanh hồ sẽ có 7 điểm nhấn gồm: Tháp Hòa Phong, vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đền thờ Vua Lê, không gian ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu, khu vực đặt đồng hồ ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài.

Trong quá trình triển khai thiết kế, lên phương án từ màu sắc, màu sơn cửa nhà đến biển hiệu, Thành phố sẽ xin ý kiến của các chuyên gia, người dân để đảm bảo một không gian đặc trưng của Hồ Gươm thơ mộng, trữ tình.

Tiếp đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm.

Công ty Intimex lắp đặt pano khổ lớn mô phỏng công trình kiến trúc phong cách Pháp che toàn bộ 2 dãy nhà nhưng cũng chỉ là giải pháp tức thời.
 Công ty Intimex lắp đặt pano khổ lớn mô phỏng công trình kiến trúc phong cách Pháp che toàn bộ 2 dãy nhà nhưng cũng chỉ là giải pháp tức thời.

Đây là khu vực vốn thuộc Trung tâm thương mại Intimex Bờ Hồ, trước kia là công trình nhà cổ được sử dụng để làm siêu thị, kinh doanh mặt hàng đồng hồ, mỹ phẩm thời trang, trung tâm sân khấu ca nhạc Hồ Gươm Xanh. Qua quá trình sử dụng, những công trình này đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên bắt buộc phải đóng cửa dừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Theo đánh giá khách quan của Sở Xây dựng Hà Nội, công trình này nếu tiếp tục duy trì sẽ bị sụp đổ bất cứ lúc nào. 

Sau một thời gian quây tôn để đảm bảo an toàn cho người dân, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, Công ty Intimex đã quyết định lắp đặt pano khổ lớn mô phỏng công trình kiến trúc phong cách Pháp che toàn bộ 2 dãy nhà, qua đó mang lại ấn tượng mạnh đối với người dân và khách du lịch, đảm bảo mỹ quan đô thị nhưng cũng chỉ là giải pháp tức thời. 

Theo đánh giá chung, việc Hà Nội cho phép xây dựng khách sạn tại số 22 – 32 Lê Thái Tổ chắc chắn sẽ góp phần thay đổi diện mạo, tạo thêm điểm nhấn về kiến trúc tại khu vực này.

Điều quan trọng là chủ đầu tư cần phân tích, lắng nghe, phản biện để vừa đảm bảo yêu cầu về quy hoạch kiến trúc cảnh quan, vừa đảm bảo tính hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy hiệu quả sử dụng của các công trình tại vị trí đặc biệt của Thủ đô.

Hồ Gươm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo lập kiến trúc và bản sắc đô thị của một thành phố đặc thù như Hà Nội. Bởi những gì mà Hồ Gươm đóng góp cho diện mạo của Thủ đô ngoài những yếu tố vật lý và hình thái kiến trúc thuần tuý, còn có yếu tố tinh thần, văn hóa và xã hội cũng như những hình tượng mang tính huyền thoại, tượng trưng và văn hóa…

Do đó, những nỗ lực của chính quyền Hà Nội trong việc chỉnh trang đô thị, đảm bảo kiến trúc hài hòa và giữ được phong cách Pháp cổ xung quanh khu vực Hồ Gươm là hết sức cần thiết. Điều này cần sự đồng lòng, chung tay một cách tích cực của cộng đồng để công cuộc chỉnh trang khu vực trung tâm Thủ đô được hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất.

Lan Anh