Chống lụt ở Bangkok: bình tĩnh, tương trợ lẫn nhau

01/11/2011 16:27
Theo VOV
Trong cơn “Đại hồng thuỷ” người ta mới thấy hết tình người, cũng như trách nhiệm của người dân Bangkok với đất nước
Trong cơn “Đại hồng thuỷ” người ta mới thấy hết tình người, cũng như trách nhiệm của người dân Bangkok với đất nước.

Các cụ già Bangkok thường nói “cứ 12 năm Bangkok mới có một trận lụt nặng”, nhưng nay chu kỳ này đã thay đổi. Hai năm qua, Bangkok đều bị lụt, đặc biệt là trận lụt năm nay, hơn 50 năm mới có.

Thế nhưng có thể cảm nhận rõ nét, người dân thủ đô Thái Lan đang chống lụt với một sự bình tĩnh, lạc quan đáng khâm phục và cả sự sáng tạo.

Maharaj - Con phố sát Hoàng cung, chạy song song và chỉ cách sông Chao Phraya chưa đến 50m.

Một bên là khu quân nhân và chùa, bên kia trừ Câu lạc bộ Hải quân, bến Maharaj, thì chỉ còn khoảng 100 ngôi nhà mặt đường. Còn hầu hết là buôn bán đồ lưu niệm, in ấn, đồng hồ và hàng ăn.

Từ nhiều ngày nay, khu vực này đã bị ngập nặng do nước sông Chao Phraya tràn bờ. Công tác chống lụt được bà con ở đây triển khai ở cả hai phía. Phía sau giáp sông và phía trước giáp đường.
Nước lũ đổ cuồn cuộn đằng sau đường Maharaj (Bangkok) sát Hoàng cung
Nước lũ đổ cuồn cuộn đằng sau đường Maharaj (Bangkok) sát Hoàng cung
Mỗi ngôi nhà giờ đã thành một “thành luỹ” với tường bao cát xung quanh. Khi cát đã hiếm và trở nên đắt đỏ, nhiều gia đình mua gạch xây tường bao kiên cố trước cửa ra vào.

Chủ một cửa hàng in ấn và photocopy ở khu vực này cho biết: Nước đã ngập hơn 2 tuần nay. Chưa bao giờ bị nặng như thế này. Thời điểm triều cường có những lúc ngập lụt cả máy photo dù có bao cát chắn. Thiệt hại thì thấy rõ vì khách không có, chủ thì phải bận bịu chống lụt.

Nhìn chủ cửa hàng photocopy cùng gia đình ngồi sau tường chắn tát nước liên tay thật ái ngại. Nhưng thật lạ, nụ cười rạng rỡ vẫn nở trên môi mỗi người.

Vẫn nụ cười ấy, chúng tôi đã thấy ở hầu hết những người đã gặp ở đường Maharaj.
Lục quân giúp dân chống lụt
Lục quân giúp dân chống lụt
Từ Maharaj, qua đầu đường Ratchadamnoen, chỗ trụ sở Bộ Giáo dục Thái Lan, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng cả nghìn người đang hối hả đóng bao cát rồi chất lên xe quân sự của lục quân.

Số bao cát này sẽ được sử dụng chống lụt cho toàn bộ khu vực Hoàng cung, chùa Ngọc và khu phố người Hoa- Yaovarat, đảm bảo không để trung tâm chính trị, văn hoá lâu đời của Bangkok bị nguy hiểm.

Rời khu vực Hoàng cung, tới quận Lak Si phía Bắc Bangkok, nước lụt nghiêm trọng hơn nhiều. Cả con đường Lak Si mênh mông nước. Có những ngôi nhà ngập hết tầng một.

Phương tiện giao thông chủ yếu là thuyền và bè tự chế. Chỉ có xe tải gầm cao của quân đội mới qua được con đường đau khổ này.

Anh Suphon- Một kỹ sư điện tử đã xin tạm nghỉ làm để chạy lụt cho gia đình, cho biết: Dân Lak Si đã sơ tán sang chỗ khác. Người có của thì dạt sang nghỉ ở Pattaya, người nghèo hơn vào trung tâm lánh nạn của chính phủ.
Do cát đắt đỏ, nhiều gia đình phải xây tường chắn trước cửa nhà bằng xi măng và gạch
Do cát đắt đỏ, nhiều gia đình phải xây tường chắn trước cửa nhà bằng xi măng và gạch
Theo anh Suphon, những ngày qua ở trung tâm lánh nạn, anh và gia đình đã được ngủ chỗ tốt, ăn uống miễn phí. Đồ đạc ở nhà đã được dân phòng, cảnh sát bảo vệ. “Thế là quá chu đáo rồi!”, anh Suphon nhận xét.
Tính đến ngày 31/10, Lak Si là một trong 4 quận bị ngập nặng nhất của Bangkok và đã có lệnh sơ tán khẩn cấp của chính quyền khi mức nước ngập qua 1m.
Quận Don Muang sát cạnh, nơi nổi tiếng vì có sân bay quốc tế Don Muang, cũng ngập không kém.
Ngày 29/10, Trung tâm Giảm nhẹ lũ lụt (FROC), đầu mối chỉ đạo mọi hoạt động chống lụt của Chính phủ Thái Lan, đã buộc phải chuyển văn phòng từ sân bay này về toà nhà của Công ty Dầu khí Thái Lan (PTT) trên đường Vibhavadi Rangsit vì bị ngập nặng.

Cho đến thời điểm này, nước lụt mới chỉ gây ngập ở 30/50 quận của Bangkok. Khu vực nội đô khoảng 20 quận với các trung tâm tài chính, thương mại là mục tiêu bảo vệ cao nhất của Chính phủ Thái Lan. Người dân nơi đây cũng đã sơ tán nhiều vì lo nước lũ vào tới nơi. Nhưng những người ở lại không chịu đứng ngoài cuộc.

Chị Minh Yến là một Việt kiều đã sống ở Bangkok hơn 20 năm, hiện sinh sống tại khu chung cư First Tower ngõ 1 đường Sukhumvit nằm trong nội đô cho biết: Trong những ngày qua, toà nhà nơi chị ở nhận rất nhiều gia đình từ ngoại thành vào lánh nạn. Chủ toà nhà tự động giảm giá nhà từ 11.000 Baht/phòng/tháng xuống từ 7.000- 9.000 Baht để hỗ trợ những gia đình nghèo.

Không chỉ có vậy, những người mới đến còn được các cư dân cũ giúp đỡ mua thực phẩm tích trữ, nhường chỗ đỗ xe.

Nơi chị Yến làm việc, bệnh viện Bumrungrad, tuy nhân viên di tản gần hết nhưng vẫn nhận bệnh nhân cấp cứu, đặc biệt là những người bị nạn do lũ lụt, dù họ đến từ đâu.
 
Câu chuyện của chị Yến tuy không to tát nhưng là một trong vô số các ví dụ về tinh thần tương thân tương ái của người Bangkok trong hoạn nạn.

Có lẽ cũng khó để có cảm nhận sâu sắc sau chỉ một vòng dạo quanh thành phố. Nhưng bấy nhiêu đây thôi cũng đủ để cho chúng ta thấy được tinh thần của người dân Bangkok trong lũ lụt. Đó là tinh thần kiên cường, tương thân tương ái và thái độ lạc quan. Những điều không phải nơi nào cũng có.
Theo VOV