Chủ tịch Hồ Chí Minh vi hành và bài học về công tác chống tham nhũng

14/02/2013 07:33
Luật sư Lê Đức Tiết
(GDVN) - Quả bóng đi tìm chứng cứ đã đẩy sang người hỏi, tức là chuyển sang cho dân. Dư luận cho rằng không thiếu chứng cứ. Nếu các quan chức chịu khó vi hành theo cách như vua Lê Thánh Tông và chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thì họ dễ dàng phát hiện ra những sâu mọt đang ngày đêm đục ruỗng kèo cột nước nhà.
LTS: Sau đây toà soạn xin gửi tới độc giả phần cuối bài viết mang tựa để "Vi hành" của Luật sư Lê Đức Tiết - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Luật sư Lê Đức Tiết (Ảnh: báo Quảng Ninh)
Luật sư Lê Đức Tiết (Ảnh: báo Quảng Ninh)

Không phải đến tận cuối thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước Việt Nam mới có kết luận rằng tham nhũng là tội của quan chức thoái hóa, biến chất và xẩy ra nhiều nhất là ở lĩnh vực đất đai. Vào thế kỷ XV, Lê Thánh Tông cũng đã thấy được điều đó. Vì vậy với Bộ Luật Hồng Đức (BLHĐ), ông tập trung chống tham nhũng xẩy ra trong lĩnh vực đất đai và đối tượng chính là các quan, lại.  

Cùng với việc ban hành những điều luật phòng ngừa, những điều luật trừng trị nghiêm các hành vi tham nhũng, nhà vua còn có chính sách dưỡng liêm đối với quan lại. Đối với quan lại thanh liêm, mẫn cán, khi về hưu, họ được cấp ruộng dưỡng liêm để cày cấy thu hoa lợi lúc còn sống. Sau khi qua đời, con cháu được giữ lại để canh tác thu hoa lợi cúng giỗ cho người đã khuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vi hành như thế nào?

Vua Lê Thánh Tông xứng danh là vị vua anh minh nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Sử cũ ghi lại vua Lê Thánh Tông đã nhiều lần cải trang vi hành trong dân. Qua các chuyến vi hành, ông đã rút ra những điều cần làm để bài trừ có hiệu quả tệ nạn tham nhũng – một tệ nạn mà các thế hệ hậu sinh vẫn còn lúng túng trong đấu tranh phòng chống. Cũng thông qua các cuộc vi hành, ông còn có nhiều chủ trương cách tân, ngày nay gọi là đổi mới, để đưa Đại Việt đang mấp mé bên bờ vực sâu trở thành vương quốc hưng thịnh nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.   

Năm trăm năm sau Lê Thánh Tông, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương sáng cho hậu thế về việc vi hành trong dân. Đêm giao thừa tết 1945, cái tết Độc lập đầu tiên của đất nước, Bác vào thăm nhà một dân nghèo ở phố cỗ Hà Nội. Chủ nhà vừa đi gánh nước thuê lấy tiền sắm tết mới về. Khi nhận ra Bác, chủ nhà Nguyễn Thị Tình sững sờ thốt lên: “Sao Bác lại vào nhà chaú?” Bác trả lời: “Bác không vào thăm cháu thì thăm ai?”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần đi thực tế
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần đi thực tế

Cho đến nay, những ai may mắn có diễm phúc được Người đến thăm, vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm sâu sắc về những cuộc gặp gở bất ngờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thường đến thăm dân trong trang phục là một cụ già mộc mạc, không tiền hô hậu ủng, không đón rước linh đình. Có những lần, người chỉ huy, lãnh đạo cao nhất của đơn vị chuẩn bị đặc biệt trang trọng ở tiền sảnh để đón Chủ tịch nước. Nhưng Người lại xuất hiện từ phía sau.

Trước khi gặp mọi người, Người đến xem nơi ăn chốn ở trước. Có khi Người nếm thử thức ăn mà nhà bếp đang chuẩn bị cho tập thể. Khi gặp nói chuyện, lời đầu tiên Người nói với mọi người không phải là những lời khen ngợi chung chung về thành tích rất đổi quen tai như hiện nay, mà là những lời phê bình ấm áp về trật tự, ngăn nắp, sạch sẻ của nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà ăn, nơi ở, nơi học tập, sinh hoạt. Sau đó mới nói đến công việc.

Đồng bào cả nước rất cảm động, bạn bè thế giới rất khâm phục và ngạc nhiên khi được xem hình ảnh của vị Chủ tịch nước, trong bộ áo quần nâu sòng lội bộ cùng nông dân trên các thửa ruộng đang gặt hoặc ngồi xe guồng nước cùng nông dân trong các buổi chống hạn.

Chuyện kể rằng khi được tin Bác về thăm, đoàn xe cán bộ tỉnh nọ ra đến địa đầu biên giới của tỉnh để đón. Mọi người ăn mặc trang trọng, chân đi giày da bóng lộn. Sau khi dừng xe chốc lát để chào hỏi, Bác mời cán bộ đứng đầu tỉnh lên ngồi xe cùng Bác. Mọi người đinh ninh là đoàn xe sẽ chạy thẳng về trụ sở tỉnh.

Đã gần trưa. Trời nắng gắt. Đi được một đoạn, thấy đồng bào đang tát nước làm đồng. Bác bảo dừng xe xuống thăm hỏi đồng bào. Bác xắn quần lội bộ, băng qua những thửa ruộng nước, hỏi han cặn kẽ công việc đồng áng với từng người. Tất cả mọi cán bộ đi theo, không ai bảo ai đều tụt giày lội bộ theo Bác.

Trở lại xe, áo quần, giày dép của mọi người đều lấm bùn nhưng tất cả đều vui cười hể hả. Bác nói với mọi người rằng đã đi thì phải đến nơi. Đến nơi thì phải thấy. Phải thẩy rõ nguồn cơn để biết mình phải làm gì tiếp. Đi mà không đến tận nơi. Đến tận nơi mà không thấy thì tốn sức, tốn thì giờ vô ích. Mọi người thấm thía bài học bổ ích về công tác dân vận.

Nếu các vị quan chức chịu khó đi vi hành...

Gần đây, trong các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu quốc hội có chất vấn rằng Chính phủ có biết là có những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong ngành như nạn hối lộ, nhũng nhiễu trong ngành tư pháp, công an, giáo dục, y tế, ngân hàng… hay không và cách phòng chống như thế nào ? Đây cũng là những câu hỏi của toàn dân.

Các câu hỏi thường được các thành viên chính phủ trả lời là họ có nghe nhưng thiếu chứng cứ cụ thể. Nếu đại biểu nào cung cấp cho Bộ những chứng cứ rõ ràng thì Bộ sẽ kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm bất kể họ đang giữ chức vụ nào. Vụ chạy chức, chạy quyền hàng trăm triệu đồng theo phát hiện của Ông Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội gần đây đã làm xôn xao dư luận, rốt cuộc đã được kết luận là không tìm ra chứng cứ (!).

Quả bóng đi tìm chứng cứ đã đẩy sang người hỏi, tức là chuyển sang cho dân. Dư luận cho rằng không thiếu chứng cứ. Nếu các quan chức chịu khó vi hành theo cách như vua Lê Thánh Tông và chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thì họ dễ dàng phát hiện ra những sâu mọt đang ngày đêm đục ruỗng kèo cột nước nhà. 

Vi hành đúng cách không còn là chuyện vui kể lúc rảnh rỗi. Nó trở thành một phương thức hữu hiệu của công tác dân vận, một biện pháp mang tính thực thi cao trong đấu tranh làm trong sạch bộ máy nhà nước và giữ vững bản chất nhà nước là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Luật sư Lê Đức Tiết