Chủ tịch Hội Toán học: 'Cày đi cày lại tốt hơn cày 1 lần' là lầm to!

15/05/2013 14:08
Trường Giang
(GDVN) - GS.TSKH Lê Tuấn Hoa: "Việc lấy kiến thức từ lớp trên dạy xuống lớp dưới chỉ tổ lợi bất cập hại”.
LTS: GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học VN, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (GS Ngô Bảo Châu là Giám đốc khoa học của Viện này) đã dành cho Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện sâu sắc xung quanh 4 vấn đề chính: Về thực trạng chương trình và việc dạy - học hiện nay; Về thi học sinh giỏi Toán; học Toán để làm gì; và về GS Ngô Bảo Châu. 
Chúng tôi xin lần lượt đăng tải nội dung cuộc trò chuyện với GS Lê Tuấn Hoa theo những nội dung trên. Bài đầu tiên là về thực trạng chương trình và việc dạy - học hiện nay. 

GS Lê Tuấn Hoa và GS Ngô Bảo Châu, 2 nhân vật trọng yếu đang điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.
GS Lê Tuấn Hoa và GS Ngô Bảo Châu, 2 nhân vật trọng yếu đang điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.

Học sinh bây giờ sướng hay khổ?
- Thưa GS, trong một bài phỏng vấn cách đây không lâu, GS Phạm Minh Hạc có nói là học sinh bây giờ sung túc nhưng không sung sướng, vì phải học thêm nhiều, chương trình nặng… Còn theo ông thì học sinh bây giờ sướng hay khổ? 
Từ năm 2009, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam có tổ chức đánh giá chương trình sách giáo khoa phổ thông. Lúc đó là đánh giá chương trình sách giáo khoa cấp 1 và cấp 2 và một ít là sách cấp 3. Thời điểm đó, Hội toán học Việt Nam có tham gia nghiên cứu kỹ, tổ chức nhiều buổi thảo luận và kéo dài hơn nửa năm. 
Khi đi vào nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy rằng trong những điểm dư luận chỉ trích sách giáo khoa, có cái đáng chỉ trích thì không chỉ trích, có cái không đáng lại đi chỉ trích. 
Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, những kết luận phải mang tính chất khoa học, tức là theo quan điểm của nhóm chúng tôi là đúng, nhưng có thể nhóm khác lại không cho là như vậy. Trong khoa học cần trao đổi thẳng thắn, nếu cần thì đối chất trực diện, nhiều lần và phải tôn trọng nhau, với mục đích cuối cùng là tìm ra chân lí.

Trong khoa học chưa hẳn ý kiến số đông là đúng. Vì thế, khi đó chúng tôi đề nghị không đưa ý kiến của chúng tôi ra công luận. Đưa ra dư luận những thảo luận trung gian không hẳn là tốt, mà còn làm rối loạn ý kiến, gây mất lòng tin và thậm chí làm mất tính nghiêm túc nếu trong ý kiến trao đổi lại không thể hiện sự tôn trọng cần thiết.
Dư luận nói học sinh bây giờ học nặng là đúng. Học sinh phải học nặng tất cả các môn chứ không riêng gì môn Toán. Nhưng trong đó, đặc biệt là môn Toán. Thế nhưng, nguyên nhân dẫn tới học nặng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chương trình hay sách giáo khoa.
Có một điều chắc chắn là: Tổng số lượng kiến thức của chương trình toán hiện nay không nặng hơn so với ngày xưa. Đây không phải là cảm tính. Mới đầu chúng tôi cũng không nghĩ như thế. Nhưng sau khi nghiên cứu và so sánh với trước kia, so sánh với các nước khác thì thấy rằng tổng số lượng kiến thức môn Toán không có nhiều thay đổi.

GS Lê Tuấn Hoa (phải) chỉ ra lý do vì sao học sinh bây giờ học nặng hơn.
GS Lê Tuấn Hoa (phải) chỉ ra lý do vì sao học sinh bây giờ học nặng hơn.

- Vậy việc dư luận cho rằng chương trình hiện nay nặng hơn trước là do đâu thưa ông?
Theo nghiên cứu của chúng tôi, số lượng học cụ thể nặng hơn trước rất nhiều vì 2 lý do chính. 
Một là cấu tạo của sách giáo khoa của chúng ta hiện nay có những điều chưa hợp lý. Nói điều này chắc ít ai phản đối. Còn những điều bất hợp lí cụ thể là gì thì tôi không muốn nêu rõ vì lí do đã nói ở trên.
Nhưng lí do nghiêm trọng hơn, theo chúng tôi, chính là do việc dạy nhảy cóc. Học nhảy cóc lại không hoàn toàn do lỗi của sách giáo khoa. 
Hiện tượng khá phổ biến là đem kiến thức từ lớp trên dạy xuống lớp dưới. Nó có thể xảy ra cả ở giờ học chính thức hoặc giờ dạy thêm. Điều đó lí giải tại sao dù học mất rất nhiều thời gian, nhưng khi hết chương trình thì kiến thức về Toán vẫn không hơn đáng kể so với trước đây (dĩ nhiên là nếu quy đổi cùng số năm học).
Chẳng hạn, bây giờ khá phổ biến là khi hết lớp 11 hoặc nửa lớp 12, các em đã được dạy hết chương trình Toán phổ thông. Có trường còn kết thúc sớm hơn. Sách viết cho 12 năm đem học trong 11  năm hoặc thậm chí ít hơn dĩ nhiên là nặng rồi. 
Lại để dành hẳn 1 năm hoặc hơn để luyện các bài tập, rõ ràng làm cho việc học trở thành gánh nặng.
Chính việc dạy nhanh, không hệ thống khiến học sinh nắm kiến thức không vững. Trong học Toán, ý nghĩ “cày đi cày lại sẽ tốt hơn cày 1 lần” quả là sai to. 
Đó cũng là lý do giải thích tạo sao nhiều học sinh thành phố học nhiều hơn nông thôn mà kết quả thi đại hoc lại kém hơn so với các em nông thôn. Nhiều khi số em thủ khoa ở nông thôn lại nhiều hơn thành phố. 
Như vậy, có thể khẳng định các em học sinh đang học nhiều nhưng kiến thức lại không chắc và việc lấy kiến thức từ lớp trên dạy xuống lớp dưới chỉ tổ “lợi bất cập hại”.
- Theo quan điểm của ông, học sinh bây giờ sướng hay khổ so với học sinh ngày xưa? 
Nói về sướng hay khổ là nói về triết lý. Sướng hay khổ là tổng cộng nhiều thứ. Ngoài chuyện học còn các chuyện khác.
Ví dụ như trong gia đình các em có được vui chơi hay không, có được tạo điều kiện thuận lợi cho học tập hay không? 
Học sinh ngày xưa chẳng mấy khi biết phim ảnh, bụng lúc nào cũng đói, mà nói một cách tuyệt đối là sướng hơn bây giờ, chắc là khó tin nổi. Cho nên, cần nói cụ thể hơn sướng hay khổ ở những chỗ nào, lúc nào… Vì vậy, tôi không bàn sâu đến việc này.
- Ở gia đình của mình, các con ông có đi học thêm ngoài?
Tôi rất chú trọng cho các cháu nắm vững kiến thức chứ không khuyến khích các cháu học kiến thức lớp trên. Cũng là một kiến thức nhưng trình bày theo kiểu này, kiểu khác khiến các cháu thích thú hơn. 
Còn chuyện các cháu có tiếp thu được hay không là phụ thuộc vào nhiều thứ, chứ không phải con của giáo sư sẽ trở thành giáo sư. Mỗi cháu có một có một sở thích, khả năng riêng và tùy theo đó mà phát triển. 
Cả hai đứa con tôi khi học tiểu học không đi học thêm tý nào. Đến cấp trung học cơ sở có học thêm đôi chút không nhiều như các em khác, mà chủ yếu học thêm để vào đội tuyển Toán của trường.
Mặc dù tôi không khuyến khích, nhưng khi học THPT cậu con đầu đi học thêm khá nhiều (dù vẫn ít hơn  so với các bạn cùng lớp), song kết quả thi đại học thua xa bố mẹ cháu trước đây.
- Rõ ràng, dù đã hướng không cho con đi học thêm nhưng cuối cùng chính giáo sư cũng phải đồng ý để cháu đi học thêm do ý thích của cháu? 
Điều này khó thay đổi được. Sống trong một xã hội, chúng ta không thể không bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.
Việc học thêm, dạy thêm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: cách dạy của thầy cô, yêu cầu của phụ huynh, phong trào của bạn bè, tâm lí của chính bản thân học sinh… Đó là chưa kể những  tiêu cực khác.
Chẳng hạn, nếu thầy nào đó có ý thức dành thời gian dạy kiến thức cơ bản, thì một số phụ huynh sẽ cho rằng thầy này kém, không giảng được dạng toán nào hay ho cả. Khi đó họ  đi tìm thầy khác ở bên ngoài. Đương nhiên sau một số năm “mất uy tín” (cho dù là oan) như vậy, thầy đó sẽ không còn bản lĩnh đi theo chính kiến của mình.

* Còn tiếp...
Trường Giang