Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: "Đại biểu Quốc hội cũng sợ dân ra phết đấy chứ"

10/03/2016 05:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng như vậy khi cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội.

Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe dự thảo báo cáo tổng kết về hoạt động của Quốc hội khóa XIII.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải làm rõ được vai trò hoạt động của Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Đại biểu Quốc hội mang trong mình chức năng nhiệm vụ mà nhân dân giao, mang ý chí nguyện vọng của nhân dân, để đưa ra diễn đàn Quốc hội và đã làm tròn trách nhiệm ấy đối với cử tri. 

Đồng thời, báo cáo cũng phải nêu được các bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đại biểu Quốc hội cũng là dân, ở trong dân, và phản ánh ý chí nguyện vọng của dân thế mới xứng đáng là Đại biểu Quốc hội, và làm theo tinh thần ấy thì sẽ được dân ủng hộ. 

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng: “Đại biểu Quốc hội cũng sợ dân ra phết đấy chứ, có ông nào không sợ dân đâu? Ta xây dựng pháp luật cũng là nói về nhân dân phải thể hiện tinh thần giám sát, lắng nghe dân. Dân như ắc quy nạp cho mình, mình là ắc quy, dân là điện.

Người ta nạp cho mình thì mới được, người ta không nạp cho mình thì không hoạt động được. Nhiều anh đi đọc hộ bài của người khác thì không được đâu, sẽ mất điện”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Đại biểu Quốc hội cũng sợ dân ra phết đấy chứ, có ông nào không sợ dân đâu?". ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Đại biểu Quốc hội cũng sợ dân ra phết đấy chứ, có ông nào không sợ dân đâu?". ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội – ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, trong khoá vừa qua có sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào là sự kiện chính trị lớn, Quốc hội cũng có hoạt động quyết liệt trong sự kiện này. Khi xảy ra sự kiện, Ủy ban đối ngoại cũng đã gửi thư đến nghị viện thế giới và nhận được sự ủng hộ và những điều này góp phần ổn định tình hình.

Quốc hội dành 12 ngày thảo luận về nhân sự

Tại phiên họp trước, lịch họp dự kiến kỳ họp thứ 14 Quốc hội khóa XIII diễn ra từ ngày 21/3 đến 9/4. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận sáng nay, lịch họp đã được dự kiến điều chỉnh kéo dài tới 16/4.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chương trình nội dung kỳ họp đã được gửi lấy ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội. Trong 22,5 ngày làm việc, Quốc hội dự kiến dành tới 12 ngày để bàn về công tác nhân sự nhà nước.  

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: "Đại biểu Quốc hội cũng sợ dân ra phết đấy chứ" ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội lo dân chịu trận vì các bộ đổ trách nhiệm cho nhau

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho biết, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật tại kỳ họp này, bao gồm:

Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; Xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, nội dung dự kiến của kỳ hộp thứ 14 sẽ bàn về công tác nhân sự từ ngày 4 đến 16/4.

Tuy nhiên, thời gian này đang triển khai công tác bầu cử. Cụ thể, hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17/4 ở cả Trung ương và địa phương. Do đó, nhiều đại biểu sẽ phải về địa phương để tham gia hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Vì vậy, cần có sự tính toán lại cho hợp lý để khi Quốc hội thảo luận về nhân sự, việc bỏ phiếu được tập trung.

Ngọc Quang