Chữ tín và niềm tin chiến lược

09/11/2015 08:17
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Chữ "Tín” theo cách hiếu của Trung Quốc hoàn toàn xuất phát từ tư duy chính trị đơn thuần, cũng có thể nói đó chính là sản phẩm...

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về bình luận của ông xung quanh ẩn ý của ông Tập Cận Bình về chữ "Tín" ông nhắc đến khi phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc.

Ngày 6/11 khi phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc đã không trực tiếp nhắc một từ nào đến Biển Đông hay Hoàng Sa, Trường Sa như dư luận nước chủ nhà mong mỏi. Nhưng đọc kỹ bài phát biểu của ông, ta có thể thấy nhiều ẩn ý thâm sâu trong đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.

Trong bài viết lần trước chúng tôi đã trao đổi và phân tích về ẩn ý của ông Tập Cận Bình nói về cái gọi là "láng giềng với nhau khó tránh khỏi va chạm" và việc ông đề xuất "hai bên cần kiên trì xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, thông qua hiệp thương hòa bình hữu nghị để kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng...".

Tín giả, giao hữu chi bản

Lần này, chúng tôi xin phân tích thêm một khía cạnh, một ẩn ý khác mà có lẽ là ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn nói với người Việt Nam chúng ta, đó là chữ "Tín". Trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, ông Bình nói rằng: "Tín giả, giao hữu chi bản", tức chữ tín là nền tảng để kết giao bạn bè.

Trong bài phát biểu này của ông Tập Cận Bình, đoạn ông nói về chữ "tín" nằm trong phần nội dung thứ 3, quan hệ Việt - Trung: "Tín giả, giao hữu chi bản” (lòng tin là cái căn bản để xây dựng tình bạn). Hai nước Việt - Trung có rất nhiều lợi ích chung, hợp tác hữu nghị trước sau đều chiếm ưu thế chủ đạo. Hai bên cần phải lấy quan hệ hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam cũng như đại cục phát triển quan hệ hai nước làm trọng, giữ vững phương châm tôn trọng lẫn nhau, đàm phán hữu nghị, thu hẹp bất đồng, phát huy điểm chung, xử lí tốt mọi tranh chấp.

Sự hợp tác đôi bên cùng có lợi đem đến những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời giúp ích cho hòa bình ổn định và phồn vinh của khu vực, do đó cần được tăng cường về mọi mặt. Những kinh nghiệm và bài học quý giá này là nền tảng cơ bản trong phát triển quan hệ Trung - Việt, đồng thời cũng là điểm xuất phát và là điểm tựa trong công tác xử lí những bất đồng còn tồn tại giữa hai bên.

Ông Tập Cận Bình coi đây là "Những kinh nghiệm và bài học quý giá này là nền tảng cơ bản trong phát triển quan hệ Trung - Việt, đồng thời cũng là điểm xuất phát và là điểm tựa trong công tác xử lí những bất đồng còn tồn tại giữa hai bên", cho thấy nhiều tầng ẩn ý. 

Phải chăng ông Tập Cận Bình muốn đề cập đến những tài liệu mà Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc tháng 6 năm ngoái và cho rằng đó là "bằng chứng" Việt Nam thừa nhận Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc, bao gồm công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, sách giáo khoa Địa lý lớp 9, tập bản đồ thế giới...và ông muốn coi nó là "xuất phát, điểm tựa xử lý bất đồng tồn tại giữa hai bên"?

Nếu đó thực sự là thông điệp ông Tập Cận Bình muốn gửi gắm thì thực chất cách rào đón này chẳng qua cũng chỉ muốn tìm cách lèo lái láng giềng vào cái gọi là "quan hệ chính trị, lập trường chính trị" để giải quyết các tranh chấp do chính Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông, thay vì sử dụng luật pháp quốc tế, thông qua cơ quan tài phán quốc tế mà nhân loại văn minh tiến bộ đang hướng tới.

Thông điệp nào đằng sau chữ "Tín"?

Chúng tôi xin nhắc lại một chút về những tài liệu Trung Quốc đã gửi cho Liên Hợp Quốc tháng 6 năm ngoái trong lúc khủng hoảng giàn khoan 981 leo thang mà họ xem như "bằng chứng" Việt Nam thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Bằng việc công bố hồ sơ này, Trung Quốc đã chính thức khẳng định rằng Việt Nam đã quay ngoắt 180 độ, đã “bội tín”, bởi vì theo Trung Quốc thì Nhà nước Việt Nam đã từng chính thức thừa nhận “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa) là của Trung Quốc. 

Sự thật về cái gọi là sự “bội tín” mà Trung Quốc đã cố tình áp đặt cho Việt Nam là như thế nào? Chúng  tôi đã nhiều lần phân tích, công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không phải là văn bản có giá trị pháp lý để chứng minh  Nhà nước Việt Nam đã chính thức từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa, càng không phải lả căn cứ pháp lý chứng tỏ Nhà nước Việt Nam đã chính thức thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Trung Quốc theo đúng  thủ tục pháp lý quôc tế hiện hành.

Việc xác định hay từ bỏ chủ quyền của một Nhà nước đối với một vùng lãnh thổ nhất thiết phải căn cứ vào nguyên tắc "thụ đắc lãnh thổ" có hiệu lực đương thời và phải tuân thủ các thủ tục pháp lý hết sức chặt chẽ, không phải chỉ dựa vào một vài tuyên bố, phát biểu, thậm chí cả những tuyên bố, phát biểu cá nhân của một số quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước.

Hơn nữa, thời điểm Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công thư thừa nhận tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của phía Trung Quốc, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang nằm dưới sự quản lý và kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa, một chủ thể hợp pháp trong quan hệ quốc tế được chính thức công nhận theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc là một thành viên. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là chủ thể có thẩm quyền quản lý phần lãnh thổ phía Nam vỹ tuyến 17, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: AP.

Sau năm 1976, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất, kế tục thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ven biển theo UNCLOS từ ba chủ thể cũ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Xét về hình thức, Trung Quốc cũng là trường hợp tương tự, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa "kế thừa" vai trò Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ Trung Hoa Dân Quốc.

Liên quan đến Biển Đông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng "kế thừa" luôn tham vọng bành trướng lãnh thổ khi ôm luôn yêu sách đường lưỡi bò, còn gọi là đường đứt đoạn do chính quyền Trung Hoa Dân quốc tự vẽ ra một cách vô căn cứ năm 1947 làm yêu sách chính thức của mình và gửi lên Liên Hợp Quốc năm 2009. Tuy nhiên việc "kế thừa" những tham vọng và yêu sách bành trướng lãnh thổ, bất chấp pháp lý và đạo lý là điều nhân loại văn minh không ai chấp nhận.

Còn các tài liệu khác như sách giáo khoa Địa lý lớp 9, tập bản đồ Thế giới chỉ là những tài liệu trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, hoàn toàn không phải căn cứ để tranh luận về vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong xử lý tranh chấp quốc tế. Thậm chí ngay cả những phát ngôn của các cá nhân nào đó cũng không có giá trị, bởi đó không phải là cơ quan quyền lực nhà nước có thẩm quyền đối với chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Rõ ràng chữ "Tín” theo cách hiếu của Trung Quốc hoàn toàn xuất phát từ tư duy chính trị đơn thuần, cũng có thể nói đó chính là sản phẩm của Trung Quốc đã cố tình giăng ra. 

Với những gì sau đó ông Tập Cận Bình nói về Biển Đông khi vừa rời chân khỏi Việt Nam sang thăm Singapore, dư luận có thể thấy rõ chiến lược khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông để thực hiện giấc mộng Trung Hoa không thay đổi và mọi nỗ lực của họ trong quan hệ với khu vực và quốc tế đều nhằm thực hiện chiến lược đó.

Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra, bởi thời đại ngày nay là thời đại của luật pháp công lý, dù đâu đó vẫn còn những tư tưởng cường quyền chỉ muốn áp đặt luật chơi của riêng mình cho thiên hạ, cá lớn nuốt cá bé.

Bởi vậy, khi ông Tập Cận Bình đã có thâm ý nhắc đến chữ "tín" với Việt Nam, thì như ông nói, chữ tín là cái gốc trong quan hệ bạn bè, không có bạn bè nào lại thừa cơ nhà bên kia có chuyện sang "chôm đồ, hôi của". Bản chất sự kiện đánh chiếm nửa phía Tây Hoàng Sa năm 1974, 6 thực thể ở Trường Sa năm 1988 thể hiện rõ điều này.

2 điểm Trung Quốc muốn "tranh thủ" Việt Nam

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam cũng như những cuộc hội đàm, hội kiến tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo Việt Nam trước đó, ông Tập Cận Bình liên tục nhắc đến khái niệm "đại cục quan hệ hai nước", rồi chung vận mệnh, chung lý tưởng...để cố gắng kéo Việt Nam đi theo con đường Trung Quốc vạch sẵn, trong đó có những cái bẫy pháp lý đã giăng ra. Có thể nói Trung Quốc rất sợ pháp lý, rất sợ Việt Nam khởi kiện và tìm mọi cách để ngăn chặn điều này.

Hội đồng Trọng tài Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại The Hague thụ lý vụ kiện đường lưỡi bò.
Hội đồng Trọng tài Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại The Hague thụ lý vụ kiện đường lưỡi bò.

Bà tiến sĩ luật Nhiếp Văn Quyên từ Học viện Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/11 bình luận trên tờ Quang Minh nhật báo cho rằng, Việt Nam có mấy điểm Trung Quốc có thể "tranh thủ" trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông: Quan hệ chính trị Việt - Trung gần gũi hơn, chặt chẽ hơn quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc nên "tranh thủ" Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông qua con đường chính trị thay vì ra cơ quan tài phán quốc tế như Philippines;

Thứ hai, bà Quyên cho rằng Việt Nam chủ trương thông qua ASEAN để giải quyết vấn đề Biển Đông chứ không phải dựa hoàn toàn vào Mỹ như Philippines, đó là điểm Trung Quốc có thể "tranh thủ", bà Quyên bình luận.

Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam, Trung Quốc đã thống nhất xử lý mâu thuẫn bất đồng giữa hai nước về các vấn đề trên biển một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Là người học luật, tiến sĩ Quyên thừa hiểu quan hệ chính trị giữa hai bên chỉ có vai trò tạo ra môi trường thuận lợi và thiện chí cho hai bên đàm phán và tìm cách giải quyết chứ không phải là căn cứ.

Mọi mâu thuẫn bất đồng giữa hai bên, đặc biệt là vấn đề trên Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà cả hai đều là thành viên Công ước. Nếu đàm phán không đi đến đâu, thì việc nhờ đến cơ quan tài phán quốc tế xử lý là việc làm hết sức bình thường, văn minh và thuyết phục đối với cả hai bên và không hề mâu thuẫn với những thỏa thuận nguyên tắc mà lãnh đạo hai nước đã thống nhất.

Trung Quốc nỗ lực tìm mọi cách né tránh, ngăn cản chỉ làm cho tình hình xấu thêm mà thôi.

Niềm tin chiến lược

Trước bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông trong vụ Trung Quốc bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái, Việt Nam đã rất thiện chí tìm cách hạ nhiệt căng thẳng và tháo ngòi xung đột, mặc dù Trung Quốc mới là phía gây sự. Tại Đối thoại Shangri-la năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp kêu gọi xây dựng Niềm tin chiến lược giữa các bên liên quan ở Biển Đông để bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế trong khu vực.

Đó là thông điệp mới mang tính chất hiệu triệu không chỉ bằng lời nói, mà bằng thái độ chân thành cầu thị, dựa trên nguyện vọng tha thiết, chính đáng có thật của dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thủ tướng nói rằng, người Việt Nam rất coi trọng niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả. Niềm tin phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chính đáng của cả cộng đồng khu vực. Niềm tin chiến lược chính là nền tảng và gốc rễ của chữ "Tín" với đúng nghĩa nhân văn của nó trong một xã hội văn minh, hiện đại.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Muốn có niềm tin từ các nước trong khu vực, thay vì dùng tiền dụ dỗ hay dùng sức mạnh quân sự - chính trị - ngoại giao để ép buộc các nước nhỏ hơn, Trung Quốc hãy thể hiện mình xứng tầm với vai trò thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hành xử một cách có trách nhiệm.

Đầu tiên Trung Quốc hãy tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc - không giải quyết tranh chấp bằng vũ lực, không dùng vũ lực xâm lược, xâm chiếm, tranh chấp; Tôn trọng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCLOS, không nên giải thích và áp dụng UNCLOS một cách tùy tiện, chọn cái nào có lợi cho mình thì chấp hành, cái nào không có lợi cho mình thì tìm cách chối bỏ hoặc biến cải.

Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần thiện chí, cầu thị, thượng tôn pháp luật, xây dựng niềm tin chiến lược để bảo vệ hòa bình, ổn định và công lý quốc tế ở Biển Đông, nhưng một bàn tay vỗ không nên tiếng. Cần có sự tham gia, ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận khu vực và quốc tế, đặc biệt là ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước quan tâm, có lợi ích ở Biển Đông. Hãy chung tay bảo vệ vùng biển này, tuyến đường hàng hải chiến lược, và quan trọng hơn là luật pháp quốc tế, UNCLOS mà nhân loại mất bao nhiêu công sức, thời gian mới xây dựng được.

Trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, những bài học từ lịch sử, những bài học phải trả giá bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam và cả người dân Trung Quốc vô tội, chắc chắn sẽ  hết sức bổ ích cho cả 2 dân tộc. Hãy cảnh giác với những “cạm bẫy” luôn luôn được phía Trung Quốc giăng ra vào bất kỳ thời điểm nào.

Không phải ngẫu nhiên dân gian Việt Nam vẫn cho rằng người phương Bắc rất "thâm", vì vậy Việt Nam chúng ta phải tỉnh táo để nhận biết mà phá bẫy hay chí ít là để tránh mắc vào. Dân gian vẫn thường nói, "khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống", cái biết ấy cho ta nhiều điều có thể học hỏi để tìm cách chung sống hòa bình với các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng ngày càng quyết liệt.

Chúng ta cần tự tin khẳng định với Trung Quốc điều này: Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Việt Nam. Trước năm 1975 hai quần đảo do Việt Nam Cộng hòa quản lý theo Hiệp định Geneva chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Chính thể có thể khác nhau, nhưng Nhà nước Việt Nam, Dân tộc thì mãi mãi mãi trường tồn và phát triển trong phạm vi lãnh thổ Đất, Biển,Trời, Hải đảo thân yêu của mình!

Ts Trần Công Trục