Chúng ta muốn hạn chế phương tiện cá nhân kiểu chữa bệnh theo triệu chứng

14/01/2016 07:16
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, vận tải cho rằng, việc thực hiện quy hoạch không đồng bộ, thống nhất là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc giao thông.

"Chữa bệnh theo triệu chứng"

Trong cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng 12/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với TP. Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc. 

Ông Chung nhận định, chỉ cần với tốc độ như hiện nay nếu không có ngay giải pháp thì khoảng 4 - 5 năm nữa, vấn đề giao thông sẽ rất phức tạp.

Hôm 13/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục

Chúng ta muốn hạn chế phương tiện cá nhân kiểu chữa bệnh theo triệu chứng ảnh 1

"Có thể thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân"

Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây, dựng hôm 13/1 nhận định, việc hạn chế phương tiện cá nhân chỉ là giải pháp tình thế, cấp bách nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị. 

Việc giải quyết ùn tắc giao thông đô thị không chỉ có vấn đề hạn chế phương tiện giao thông. 

“Đây là vấn đề mang tính tổng thể, liên quan tới quản lý, quy hoạch xây dựng đô thị, giao thông. Nhưng hiện nay, tôi có cảm giác, chúng ta đang giải quyết vấn nạn này theo kiểu "chữa bệnh theo triệu chứng".

Tức là cứ thấy triệu chứng nào thì chữa theo triệu chứng đó, chưa chưa phải chữa gốc bệnh.

Trong khi đó, về vấn đề chống ùn tắc, Việt Nam đang có xu hướng đi ngược lại với thế giới trong việc đề ra giải pháp.

Cách hạn chế ùn tắc trên thế giới là phát triển giao thông công cộng chứ không phải cấm, hoặc hạn chế phương tiện cá nhân...”.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (ảnh: Infonet).
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (ảnh: Infonet).

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu thực trạng, việc phát triển đô thị quá nóng, trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch đô thị, khiến giao thông trở nên rất phức tạp.

“Chung cư, khu đô thị thì phát triển vô tội vạ, trong khi đó, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các đô thị lớn chứ không riêng gì Hà Nội.

Tôi ví dụ, nhiều người sống tại Royal City nhưng khu này chỉ có mỗi con đường Nguyễn Trãi là độc đạo để di chuyển, thì làm sao mà không tắc cho được?

Mặt khác, việc xây dựng các đô thi, chung cư chưa tính toán đẩy đủ các yếu tố phụ trợ đi kèm như hệ thống dịch vụ công cộng…”.

Ông Phạm Sỹ Liêm nhận định, trong lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân cần tính toán tới việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng phục vụ người dân gắn với quy hoạch và quản lý quy hoạch.

"Phải nhìn xem chúng ta đã hoàn thiện hệ thống phương tiện công cộng như thế nào? Phương tiện ấy đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ra sao? Vấn đề này chưa thấy người có trách nhiệm đề cập.

Còn nếu trong lộ trình xây dựng phương án giảm ùn tắc, trước tiên phải chú trọng việc này.

Mặt khác, nên cân nhắc tới việc ồ ạt xây dựng khu đô thị, nhà cao tầng trong đô thị.

Trong quy hoạch xây dựng, nên tính đến chuyện xây dựng bệnh viện, buôn bán, hệ thống dịch vụ gần khu vực dân sinh, giảm tải nhu cầu nhà ở tại những khu vực tập trung đông dân cư.

Hiện tại việc xây dựng các đô thị của chúng ta đang còn rất "thuần túy". Đó chỉ nơi sinh sống, chưa đáp ứng được các nhu cầu liên quan khác của con người", ông Phạm Sỹ Liêm cho biết.

Về việc phát triển các hình thức dịch vụ công cộng, trong lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nên tạo ra nhiều phương tiện, đa dạng về loại hình đề người dân lựa chọn, chứ không nên áp đặt.

“Tôi ví dụ, người ta làm ở cơ quan nhà nước, có xe ô tô phục vụ di chuyển, nhưng để tìm được nơi đậu xe ở Hà Nội hiện nay thì khó lắm! lại mất thêm tiền gửi xe.

Thế thì người ta có thể dùng taxi hoặc xe buýt làm phương tiện di chuyển, trong khi chi phí thì như nhau.

Cho nên vấn đề nằm ở chỗ, nâng cao chất lương phục vụ, tạo thêm loại hình vận tải công cộng để người dân có quyền lựa chọn phương tiện lựa chọn di chuyển.

Còn việc hạn chế hoặc cấm phương tiện cá nhân, là cách “đường cùng” mới phải làm thôi.

Cũng theo ông Liêm, trong lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, việc xây dựng hệ thống giao thông đô thị cũng cần tính toán tới lộ trình của các phương tiện công cộng các vị trí điểm đón, trả khách phù hợp.

“Từ điểm đỗ phương tiện công cộng tới địa điểm người ta cần đến, tối đa chỉ được phép đi bộ khoảng 10 đến 15 phút. Nếu vượt quá thời gian này thì chẳng ai dại gì mà sử dụng phương tiện công cộng đặc biệt là xe buýt”…

Phải làm ngay từ bây giờ

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị nói chung, cần thực hiện ngay từ bây giờ, bởi tình trạng quá tải về phương tiện tại các đô thị lớn này đã, đang trở thành vấn nạn thực sự, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ông Bùi Danh liên nêu bất cập: “Giảm phương tiện cá nhân chống ùn tắc liên quan tới quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng.

Trong khi đó, thực tế, chúng ta đang gặp khó khăn rất lớn trong việc xây dựng hạ tầng vì thiếu kinh phí, đầu tư chưa tập trung, mặc dù đã có quy hoạch.

Mặt khác, quy hoạch đề ra, nhưng vì lý do nào đó họ thực hiện không đúng, gây ảnh hưởng tới vấn đề giao thông đô thị. Đây là vấn đề có thể liên quan tới lợi ích nhóm…”, ông Bùi Danh Liên nhận định.

Ông Bùi Danh Liên (ảnh: Hoàng Lực/Giaoduc.net.vn).
Ông Bùi Danh Liên (ảnh: Hoàng Lực/Giaoduc.net.vn).

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học, người dân trong việc phản biện dự án tại thời hoàn thiện dự thảo: “Chống ùn tắc là chủ trương của chính quyền.

Tuy nhiên, để khách quan, đa chiều, cần lấy ý kiến của các nhà khoa học, người dân, thông qua điều tra, khảo sát xã hội học, xây dựng một phương án khoa học trong lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. 

Song song việc phát triển các loại hình vận tải công cộng, cần đẩy mạnh việc huy động, sử dụng vốn, tiếp tục hoàn thiện, đưa vào sử dụng các tuyến giao thông quan trọng (đường sắt Cát Linh - Hà Đông...), chống ùn tắc. 

Chắc chắn khi đưa ra giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân với việc thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể nêu trên, sẽ gặp sự phản đối của không ít người, bởi vấn đề này có đụng chạm tới lợi ích nhóm", ông Liên cho biết. 

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, việc hạn chế phương tiện cá nhân cần thực hiện theo lộ trình, nhưng càng sớm càng có lợi: “Chúng ta cần làm ngay từ bây giờ, chứ không để 5 hoặc 10 năm nữa mới làm. Cái gì có, thuận lợi thì làm trước..”.

QUỐC TOẢN