Chúng tôi quên dần câu hỏi “Tết này trường bạn thưởng bao nhiêu?”

01/02/2019 06:53
Thủy Trúc
(GDVN) - Quên đi quyền lợi của mình, nhiều nhà giáo chúng tôi lao vào việc chăm lo cho học sinh nghèo của trường để các em có được cái Tết đủ đầy nhất.

Mặc cho thiên hạ khoe với nhau, Tết này công ty A thưởng vài chục triệu, công ty B thưởng vài tháng lương tiền Tết…những giáo viên chúng tôi cũng đã quên dần câu hỏi mà nhiều thầy cô gặp nhau vào những ngày gần Tết thường hỏi“Tết này, trường bạn thưởng bao nhiêu?”.

Chẳng phải giáo viên không quan tâm đến tiền thưởng Tết.

Bởi với họ, được thưởng mấy trăm ngàn cũng đã là quý. Nhưng trường có tiền thưởng thì ít mà trường không thưởng lại quá nhiều.

Cuộc sống của thầy và trò nhiều trường còn khó khăn ( Ảnh minh họa: TTXVN)
Cuộc sống của thầy và trò nhiều trường còn khó khăn ( Ảnh minh họa: TTXVN)

Quên chuyện thưởng Tết cho lòng bình yên

Có giáo viên nói rằng “Mình quên chuyện tiền thưởng Tết đi, bởi ngành giáo dục có tiền đâu mà thưởng? Quên đi là cách tốt nhất để lòng thanh thản bình yên. Nếu quan tâm quá sẽ không tránh khỏi sự tị hiềm, so sánh và buồn rầu”.

Thế là chúng tôi vui với những gì mình có. Năm thì chỉ cân đường hộp sữa, năm lại vài lít nước mắm với nửa kí cá khô, năm vài ba hộp bánh mứt, có năm tặng cả thùng bia…

Nhưng nói là công đoàn tặng cho sang chứ đó là “Mình tự tặng mình” bằng tiền góp hàng tháng cho công đoàn hoạt động.

Để thưởng cho giáo viên những món quà trị giá vài trăm hay khoản tiền từ dăm trăm ngàn đến một triệu đồng cũng là sự nỗ lực khá lớn của hiệu trưởng nhà trường khi phải thắt chặt nhiều khoản chi tiêu.

Trường Tiểu học Đông Hải 2 tổ chức cho học sinh gói bánh chưng dịp Tết

Ngân sách rót về hàng năm cho nhà trường đã chẳng dư giả gì.

Nếu hiệu trưởng “biết gói thì no, biết nằm co thì ấm”, bằng không, thầy cô cũng luôn cười và chúc nhau niềm hạnh phúc.

Có thầy cô nói, muốn có cuộc sống yên bình đừng nhìn lên so sánh, hãy cứ nhìn xuống mà an vui.

Nhiều thầy cô giáo đang sống nơi miền xa biên ải, nơi thâm sơn cùng cốc với cuộc sống tinh thần thiếu thốn trăm bề, cuộc sống vật chất cũng vô cùng khốn khó.

Thế nhưng các thầy cô giáo nơi đây, vẫn luôn lạc quan yêu đời.

Hình ảnh thầy cô băng rừng vượt suối cõng trên vai bộ bàn ghế cho học sinh có cái ngồi ai nhìn thấy cũng xúc động.

Hình ảnh những thầy cô gạt nước mắt gửi con ở lại quê nhà lên non truyền chữ cả năm mới được về vào dịp Tết chỉ nghe thôi cũng thấy thắt lòng.

Hình ảnh giáo viên băng rừng thuyết phục phụ huynh cho trẻ đến trường mỗi ngày, hay những người thầy dùng mạng xã hội kết nối với bạn bè khắp nơi xin cho học sinh từng miếng cơm, từng manh áo luôn làm mọi người khâm phục.

Giáo viên thị xã La Gi chung tay lo Tết cho học trò nghèo

Rồi nhiều nhà giáo miền non cao phải bớt đi khẩu phần ăn của mình để thêm vào bữa ăn cho trẻ thêm tươi, những thầy cô oằn mình sau những trận bão lụt để dọn trường, dọn lớp cho học sinh đến trường …

Tất cả những thầy cô giáo ấy, họ mới xứng đáng nhận được sự tri ân, sự đáp đền của cả xã hội.

Thế mà Tết đến xuân về, nhiều thầy cô giáo nơi miền khó khăn ấy cũng chẳng có gì ngoài những lời chúc mừng năm mới, những lời tự động viên, an ủi lẫn nhau.

Đã có những năm Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc ấy là ông Nguyễn Thiện Nhân phải ra lời kêu gọi xã hội chung tay cho những giáo viên nơi ấy có được một cái Tết tươm tất.

Những giáo viên miền xuôi dạy gần nhà “mưa chưa đến mặt, nắng chưa đến đầu” đã là niềm vui sướng nhất. Chia sẻ khó khăn với ngành trong thời kỳ gian khó luôn là trách nhiệm của các nhà giáo chúng tôi.

Quên đi quyền lợi của mình, nhiều nhà giáo chúng tôi lao vào việc chăm lo cho học sinh nghèo của trường.

Mỗi trường học có một cách làm khác để những cô cậu bé học trò có cái Tết được đủ đầy hơn.

Trường tổ chức văn nghệ đón xuân với chủ đề “Giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn” số tiền thu được sẽ hỗ trợ hết cho học trò đang cần giúp đỡ.

Trường đi vận động Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm hay một số doanh nghiệp để hỗ trợ học bổng cho các em.

Rồi tổ chức hội trại với đủ các hoạt động vừa cho học sinh vui chơi, vừa rèn kĩ năng sống.

Sau mỗi hoạt động ấy, đã có hàng trăm phần học bỗng tiếp sức đến trường, hàng trăm phần quà Tết được trao cho những học sinh khốn khó.

Những tiếng cười mừng vui của các em vang lên, thầy cô như được tiếp thêm động lực. Và chuyện thưởng Tết cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Thủy Trúc