Chuyện cử tri lo Đại biểu Quốc hội bị “ám sát”

09/02/2016 08:17
LÊ VĂN CUÔNG
(GDVN) - "Có cử tri sau khi kết thúc chất vấn liền gọi điện, hỏi tôi đi bằng phương tiện gì? Về nhà an toàn chưa? Họ sợ tôi bị “ám sát” sau những phát biểu đụng chạm".

LTS: 36 năm công tác, ông Lê Văn Cuông đã trải qua nhiều vị trí công tác (Chánh văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân tỉnh Thanh Hóa; Nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Ở cương vị từng là Đại biểu Quốc hội, ông Lê Văn Cuông được cử tri yêu mến và biết đến với những chất vấn gai góc, làm nóng nghị trường. Thậm chí không ít lần ông nhận được những lời “đe dọa” từ người lạ trước những góp ý thẳng, thật.

Dù đã nhiều năm rời xa nghị trường, nhưng với ông Lê Văn Cuông, tình yêu dành cho Quốc hội ngày càng sâu sắc và nhiệt huyết vì một lẽ giản đơn, mà theo ông “món nợ” đối với nhân dân còn lớn hơn “nợ công”.

Nợ công ta trả xong rồi/ Nợ dân còn trả cả đời chưa xong.

Những chia sẻ của ông thông qua bài viết “Chuyện cử tri lo Đại biểu Quốc hội bị “ám sát”, phần nào phản ánh cho độc giả thấy rõ những trông gai, thủ thách, nhưng cũng đầy tự hào khi đảm nhận vai trò, nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đại biểu Quốc hội cũng bị "đe dọa"

Là Đại biểu Quốc hội trước hết phải ý thức được vị trí, trách nhiệm của mình trước cử tri, nhân dân cả nước.

Nếu không có những tiếng nói thẳng thắn đầy tâm huyết của các Đại biểu Quốc hội, chắc chắn cử tri sẽ còn rất nhiều tâm tư.

Tất nhiên, ý kiến của người dân đã được các Đại biểu Quốc hội chuyển tải trên diễn đàn khá đầy đủ, nhưng các vấn đề đó có được giải quyết thấu đáo hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Khi cử tri theo dõi hoạt động của Quốc hội tức là họ đang xem Đại biểu mình bầu ra có nói được tiếng nói của dân hay không? Có dám tranh luận quyết liệt để đeo bám các kiến nghị đúng đến cùng hay không?

Tuy nhiên, không phải lúc nào những phản ánh của Đại biểu tới Quốc hội đều diễn ra “thuận buồm, xuôi gió”.

Trong thời gian tôi làm Đại biểu Quốc hội, cũng là những năm đất nước có nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nóng bỏng được cử tri cả nước hết sức quan tâm.

Đặc biệt trong số đó có liên quan tới vấn đề tham nhũng; Chạy chức, chạy quyền; Đạo đức cán bộ xuống cấp… có xu hướng đe dọa tới sự tồn vong của chê độ.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nhiều Đại biểu Quốc hội không dám nói ra hoặc có đề cập nhưng nêu chung chung.

Trước tình hình ấy, với vai trò và trách nhiệm của Đại

biểu Quốc hội, tôi đã tập trung nghiên cứu luật, tìm hiểu thực tế, tranh thủ dư luận và đăng ký phát biểu đầu tiên để tạo sự chú ý.

Mặt khác, phối hợp cả ba hình thức (thảo luận, chất vấn, trả lời phỏng vấn báo, đài) để nêu quan điểm, kiến nghị của mình một cách thẳng thắn, quyết liệt không khoan nhượng.

Tôi đeo bám và truy vấn đến cùng, quên cả sự nguy

Chuyện cử tri lo Đại biểu Quốc hội bị “ám sát” ảnh 1

"Có dấu hiệu tham nhũng vụ định mua tàu cũ Trung Quốc"

hiểm rình rập. Những ý kiến chất vấn, thảo luận đã được truyền thông đưa tin rộng rãi, nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri, nhân dân. 

Có người gọi điện, nhắn tin cho tôi sau những phiên họp. Họ chia sẻ với Đại biểu Quốc hội về những phát biểu đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với nhân dân.

Có lần tôi nhận được tin nhắn từ một số máy lạ, hỏi: “Anh Cuông ơi! hôm nay anh ốm nằm bệnh viện à? Tôi đáp: "Tôi vẫn khỏe bình thường".

phía đầu dây bên kia tiếp tục gặng hỏi: “Thế hôm nay sao không thấy anh phát biểu trên nghị trường? Tôi trả lời: Tôi đã đăng ký phát biểu nhưng chưa đến lượt”.

Sau khi nghe xong, họ nói sẽ chờ, theo dõi những phát biểu mà tôi sẽ chất vấn.

Đặc biệt, có trường hợp sau khi vừa kết thúc chất vấn liền gọi điện thoại hỏi tôi đi bằng phương tiện gì? Về nhà an toàn chưa?

Tôi lấy làm bất ngờ, cho rằng họ quan tâm thái quá. Sau này mới biết, cử tri sợ Đại biểu Quốc hội bị “ám sát” sau những phát biểu đụng chạm ấy.

Điều đó để thấy rằng, từng lời nói, cử chỉ của Đại biểu Quốc hội tại nghị trường đều được cử tri dõi theo, quan tâm sâu sắc.

Ông Lê Văn Cuông (ảnh: QUỐC TOẢN).
Ông Lê Văn Cuông (ảnh: QUỐC TOẢN).

Bên cạnh những chia sẻ, động viên của cư tri, nhân dân, tôi cũng từng chịu nhiều sức ép của một bộ phận cán bộ, trước những phát ngôn được nhiều người cho là thẳng thắn, quyết liệt.

Có lần tôi từng chất vấn Thủ tưởng Chính phủ 4 vấn đề nóng được cử tri quan tâm.

Vấn đề thứ nhất: Ban phòng chống tham nhũng Trung ương do Thủ tướng đứng đầu không hoạt động quyết liệt bằng thời gian đầu.

Vấn đề thứ hai: Tình trạng “trên bảo dưới không nghe", Thủ tướng chỉ đạo 5 lần nhưng Chủ tịch tỉnh không chấp hành, vẫn chưa bị xử lý.

Vấn đề thứ ba: Trách nhiệm của Thủ tướng về việc cho thành lập tràn lan các trường Đại học, nhưng không đảm bảo chất lượng.

Vấn đề thứ tư: Về trường hợp oan sai của nguyên Hiệu Trưởng trường dự bị Đại học dân tộc Sầm Sơn…

Một trong những nội dung chất vấn trên có liên quan tới lãnh đạo địa phương.

Sau khi chất vấn, tôi bị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang gọi điện thoại “đe dọa”.

Tiếp đó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này cũng gửi công văn tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… cùng 63 đoàn Đại biểu Quốc hội để chất vấn lại tôi rằng:

“Đại biểu lấy căn cứ đâu nói rằng, Chủ tịch tỉnh Hà Giang 5 lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng?

Nếu không có đủ căn cứ đề nghị Đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm với ý kiến đã phát biểu của mình”.

Hay đó là vụ tiêu cực tại trường dự bị Đại học dân tộc Sầm Sơn. Có lần tôi bị Hiệu trưởng trường này khiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỷ luật tôi với lý do không đến tiếp xúc cử tri với nhà trường để giải quyết đơn khiếu nại mà chuyển cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và chất vấn Thủ tướng?

Tuy nhiên, với những tư liệu trong tay, với trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, sau khi đưa ra những bằng chứng thuyết phục, sự việc không những được giải quyết mà cử tri còn tin tưởng vào sự thẳng thắn, quyết liệt của Đại biểu.

Bản lĩnh của người Đại biểu nhân dân

Trong lúc đông đảo cử tri hoan nghênh, đồng tình với ý kiến của Đại biểu Quốc hội, thì đâu đó có một bộ phận cán bộ rỉ tai nhau, tránh móc. Trong số này có cả cán bộ tỉnh.

Khi gặp tôi, họ thường nói úp úp, mở mở với thái độ không bình thường.

Có lần một vị làm Tỉnh ủy viên, phụ trách một đơn vị ở Tỉnh ủy tỏ vẻ trách móc: “Ở trên Quốc hội anh nói những gì mà để người ta bất bình, phải gửi công văn về Tỉnh ủy? Làm như thế ảnh hưởng quá!”.

Họ sợ những phát biểu ấy làm lãnh đạo Trung ương mất thiện cảm với Thanh Hóa, ảnh hưởng tới cơ chế “xin – cho” đã thành thông lệ.

Cho nên những ý kiến phát biểu ấy đôi khi người ta cũng không mấy hài lòng…

Khi đó tôi hơi bực mình và thẳng thắn: “Anh đừng lo, tôi làm tôi chịu”.

Cũng có lần, tai hội nghị rút kinh nghiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một Ủy viên Thường vụ nêu việc tôi chất vấn Thủ tướng như vậy là gay gắt…

Tuy nhiên, tuy nhiên cũng không ít người ủng hộ tôi, cho rằng đó là khẩu khí, chứ không có vấn đề gì ở đây. 

Tôi quan niệm rằng, đã là đại biểu Quốc hội, trước hết phải thực hiện trách nhiệm đối với nhân dân, đất nước, dám nhìn thẳng vào sự thật, vạch trần sai trái, cùng giúp nhau tiến bộ.

Đối với tôi, thời gian làm Đại biểu Quốc hội là khoảng thời gian để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Giờ vui nhất vấn là khi về hưu, vẫn có nhiều bạn bè, anh em đồng nghiệp vẫn thường xuyên gọi điện ôn lại kỷ niệm, thăm nom sức khỏe, có khi là cả công việc…

Giờ đây, hằng ngày, tôi vẫn theo sát những hoạt động của Quốc hội nói riêng, diễn biến các sự kiện chính trị, xã hội trong nước nói chung với tâm niệm giản đơn: “Nợ công ta trả xong rồi/ Nợ dân còn trả cả đời chưa xong”.

LÊ VĂN CUÔNG