Chuyên gia Campuchia: Biển Đông chỉ có ra Tòa án Quốc tế mới giải quyết nổi

07/01/2015 06:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Kuala Lumpur rất thích quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong khi Campuchia thì vẫn tìm cách làm cho các cuộc đàm phán về Biển Đông "trở nên khó khăn".
Tiến sĩ Chheang Vannarith.
Tiến sĩ Chheang Vannarith.

Đài VOA Khemer ngày 7/1 dẫn lời Tiến sĩ Chheang Vannarith, giảng viên và chuyên gia nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc đại học Leeds tại Anh bình luận, ASEAN luôn luôn thay đổi tạo ra những thách thức và cơ hội mới.

Thách thức lớn nhất theo ông là tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc (nhảy vào tranh chấp) với các nước láng giềng Đông Nam Á, sau đó là vấn đề dân chủ ở Thái Lan, những thay đổi tích cực bao gồm tiến bộ ở Myanmar và Indonesia.

Malaysia, một quốc gia có yêu sách một phần ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, nhưng theo Chheang Vannarith cho biết ông không mong đợi có nhiều sự tiến bộ trong vấn đề Biển Đông.

Kuala Lumpur rất thích quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong khi Campuchia thì vẫn tìm cách làm cho các cuộc đàm phán về Biển Đông "trở nên khó khăn", còn Việt Nam và Philippines lên tiếng nhiều hơn về yêu sách của mình, học giả Campuchia lưu ý.

Tranh chấp Biển Đông đã trở nên nan giải cho các giải pháp song phương, thậm chí là đa phương. Vần đề có thể chỉ được giải quyết bằng cách đưa ra Tòa án Quốc tế, Tiến sĩ Chheang Vannarith bình luận.

Một ASEAN tích hợp vẫn có vai trò địa chính trị để tranh giành, bao gồm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và những mối quan tâm mới từ Hoa Kỳ.

"Vai trò của Mỹ vẫn tồn tại để duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng những gì đang diễn ra trong nền chính trị Mỹ, đảng Cộng hòa đã đánh bại đảng Dân chủ, do đó Tổng thống Obama sẽ không thực hiện được chính sách đối ngoại của mình một cách hiệu quả như trước đây.

Hồng Thủy