Chuyên gia: Pháp sẽ phải giảm giá rất nhiều mới hy vọng bán được Mistral

08/08/2015 08:30
Nguyễn Hường
(GDVN) - Pháp có thể sẽ phải giảm giá nhiều và mất vài năm mới có thể bán được hai chiếc tàu Mistral đóng cho Nga.

RIA Novosti ngày 7/8 dẫn lời nhà phân tích Ben Moores của IHS Jane cho biết, Pháp có thể sẽ phải giảm giá nhiều và mất vài năm mới có thể bán được hai chiếc tàu Mistral đóng cho Nga.

Theo chuyên gia này, hiện Pháp đang "cực kỳ khó khăn" trong việc tìm kiếm người mua hai chiếc tàu đóng riêng cho Nga nhưng lại không bán. Nếu không giảm giá mạnh, Pháp khó có thể khiến nó trở nên hấp dẫn đối với một khách hàng khác.

Tàu Mistral. Ảnh Rian.
Tàu Mistral. Ảnh Rian. 

​Hơn nữa, cũng có thể mất vài năm Paris mới có thể tìm được đối tác mua chiếc tàu này. Trong những thập kỷ tới, có 13 quốc gia có thể cần sắm những chiếc tàu chiến mới. Nhưng hầu hết các nước có tiền và mong muốn mua những chiếc tàu lớn như Mistral lại có ngành công nghiệp đóng tàu rất phát triển.

Trong khi đó, Pháp cũng không thể đưa hai chiếc tàu trên bổ sung vào lực lượng của mình. Hiện Pháp đã có 3 chiếc loại này và ngân sách quốc phòng không có kinh phí để bổ sung thêm hai chiếc nữa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande hôm thứ Tư tuần này đã nhất trí thông qua quyết định chấm dứt hợp đồng đóng và bàn giao hai chiếc tàu Mistral.  
Truyền thông Nga đưa tin cho biết Pháp đã bí mật chuyển hơn 1,1 tỉ USD cho Nga tiền bồi thường, gồm tiền đặt cọc và các chi phí khác, nhưng Tổng thống Hollande sau đó đã bác bỏ thông tin này. 
Truyền thông Nga cũng cho biết, Nga đã cử một đội chuyên gia tới Pháp để tháo gỡ các thiết bị của mình lắp đặt trên tàu. Sau khi quá trình này hoàn tất, Paris sẽ có toàn quyền sử dụng chúng. 
Giới chức Pháp trước đó cũng đã đưa ra những ý kiến trái chiều liên quan tới thương vụ bất thành tốn nhiều giấy mực trên.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drianthừa nhận rằng Paris sẽ vô cùng khó khăn trong việc bán Mistral cho một đối tác mua khác bởi hai chiếc Mistral được thiết kế theo yêu cầu của Nga, phù hợp với lực lượng Nga. Việc bán chúng cho một đối tác khác sẽ đồng việc với việc phải thay đổi đáng kể thiết kế với một chi phí không hề nhỏ.
Tổng thống Francois Hollande về phần mình lại thấy không có khó khăn trong việc tìm kiếm người mua. Nhưng lập luận này của ông không thuyết phục được giới phân tích. Mistral vẫn là một bài toán khó chưa tìm ra lời giải đối với Paris. 
Ngày nào chưa tìm được người mua mới sẽ vẫn là một ngày đầy lo lắng đối với Pháp. Quá trình bảo trì, bến bãi cũng tiêu tốn hàng triệu USD mỗi tháng./.
Nguyễn Hường