Chuyên gia tại Mỹ bàn về phương pháp của "TS xin đi tù"

30/11/2011 07:10
Ngọc Quang
(GDVN) - “Điều trị cho trẻ bị TCM biến chứng, nếu dùng IVIG hết 3.000 USD một lần chích, TS.Hiền và các bác sĩ có nghĩ đến hoàn cảnh gia đình bệnh nhân không?"

Sau khi gửi tới Báo GDVN các thông tin trong bài “Viện phó Viện Pasteur nhầm lẫn tai hại về Anolyt”, ông Nguyễn Quốc Bình (người đã từng học tại ĐH Y dược TP.HCM niên khóa 73-79, sau đó lấy bằng cử nhân Toán học và Vi tính (Computer sciences) tại ĐH Oregon State University (tiểu bang Oregon), ra trường với hạng tối cao (Cum Laude), hiện đang sống ở tiểu bang Washington (Mỹ) tiếp tục nêu nhiều vấn đề khác nhằm “chất vấn” TS.BS Trần Tịnh Hiền – Nguyên Phó Giám đốc BV Các bệnh nhiệt đới và ông Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteaur Nha Trang, người phản đối việc TS.Khải dùng Anolyt để trị bệnh TCM.

"Bộ Y tế cần dẹp bỏ tư tưởng lệ thuộc"

Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết có một người bạn làm việc tại Viện Pasteur TP.HCM, vì thế bài viết của ông có được chuyển tới TS.Trần Tịnh Hiền và TS.Viên Quang Mai – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang. “Trong thư gửi tới bạn tôi thì TS.Hiền viết rằng: ‘Ông Bình nào đó lớp ông nói ozon khác Anolyte thì chỉ có ông và TS Mai nói nhầm. Tôi không có nhầm vì chính tôi nhắc TS Mai chú ý chuyện này’.

Viết như vậy là TS.Hiền đã công nhận TS Mai lầm lẫn giữa Anolyte và nước Ozone, nên nói Anolyte là nước sủi O3 có độc, còn TS.Hiền thì đã biết về Anolyt như không nói ra? Tôi được biết, tại Mỹ thì Anolyte được công nhận là non-toxic. Chữ non-toxic tuy đơn giản nhưng hàm chưa các ý nghĩa sau đây: Không độc cho người và loài vật, kể cả khi uống nhầm; Không ảnh hưởng đến môi trường.

Tại Mỹ một số hãng đã bán nước điện giải (Electrolyzed water) cho người uống”, ông Bình cho hay.

Số ca mắc bệnh TCM năm 2011 cao cấp 10 lần năm trước
Số ca mắc bệnh TCM năm 2011 cao cấp 10 lần năm trước

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Bình thì TS.Hiền đã lấy dẫn chứng sai về thử nghiệm lâm sàng (TNLS). “Trong bài viết bênh vực TS.Khải, tôi có nói về các quy định và các giai đoạn của TNLS để thử thuốc mới tại Mỹ. Tôi xin nhấn mạnh ở đây là TNLS cho thuốc mới, không phải thử nghiệm xem thuốc có tốt không hay tác dụng của nó trong những bệnh khác như thế nào.

Vì thế, ngay cả khảo cứu của TS.Hiền về Artemisinin do WHO bảo trợ cũng không được coi là TNLS của thuốc mới, vì thuốc này đã được TNLS và dùng phổ biến tại Trung Quốc để trị sốt rét. Khảo cứu của TS.Hiền về chất này chỉ muốn xem nó tốt hơn các thuốc khác đang được dùng để chữa trị và phòng ngừa sốt rét mà thôi”, ông Bình nói.

Về phát biểu trước đó của TS.Viên Quang Mai nói rằng, TS.Khải cần phải tự chứng minh trước Hội đồng khoa học về tác dụng của Anolyt, ông Bình chia sẻ về quy trình TNLS có ít nhất 5 điều kiện đi kèm: Một là phải có 1 giao thức nói rõ mục đích, ai bảo trợ, đối tượng được TNLS, thời gian TNLS là bao lâu?; Hai là phải được sự đồng ý của bệnh nhân; Ba là phải có nhóm kiểm soát; Bốn là cách điều trị (tiêm như thế nào, tại đâu…), xét nghiệm gì, biến chứng, phản ứng phụ… đều phải được ghi và hệ thống hoá lại; Năm là thử ít người trước (giai đoạn 1), sau đó tăng lên (giai đoạn 2 và 3). Kết quả TNLS phải được kiểm nhận bởi một cơ quan có chức năng kiểm soát (CQKS) như FDA. Tùy theo kết quả, CQKS sẽ cho phép ra thuốc, hay phải làm thêm TNLS, hoặc bị bỏ.

Trước khi có TNLS, thuốc phải còn phải được thử trên súc vật. Sau khi ra thuốc rồi còn phải theo dõi sự an toàn, các phản ứng phụ, tương tác thuốc phải được các bác sĩ báo cáo (giai đoạn 4). CQKS sẽ cân nhắc cái lợi của thuốc để trị bệnh và cái hại của tác dụng phụ để đưa ra cảnh báo, thậm chí bỏ loại thuốc đó.

Ông Bình chia sẻ: “TNLS khác nhau tùy tổ chức, quốc gia, với WHO có 6 còn Mỹ là 3 để thuốc ra đời; Kết quả TNLS nước này chưa chắc được nước khác công nhận; TNLS rất tốn tiền nên nó phải được tài trợ từ 1 cơ quan, công ty nào mạnh về tài chính tài trợ và nếu nói TS.Khải tự lo liệu lấy tất cả để chứng minh Anolyt có tác dụng chữa bệnh TCM thì vô lý hết sức, vì theo báo chí đưa tin thì ông ấy cho hàng trăm người dân Anolyt để sử dụng chứ không bán, vậy thì ông ấy cần chứng minh để làm gì, mà không phải một cơ quan khác có trách nhiệm lo cho tính mạng, sức khỏe của hàng chục triệu người dân Việt Nam?”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Bình cũng đặt ra một giả thuyết tới TS.Hiền: Giả sử BYT ra quy định TNLS cho phép thử nghiệm Anolyt vì chất này không độc và có tác dụng sát khuẩn cao, và TS.Khải chỉ là người đứng ra chỉ định cách chữa trị, còn các BS và trợ tá đảm trách việc chữa trị (rửa, uống), thì xin hỏi TS.Hiền có đồng ý việc chữa trị này hay không, hay lại nói là không được thử nghiệm thuốc vì thuốc chưa được thử nghiệm?

Ông Bình nhận định: “Tôi nghĩ TS.Hiền sẽ đồng ý vì nếu không đồng ý thì chính ông ấy quá mâu thuẫn. Qua câu hỏi của tôi và cách làm của TS.Khải có những sự giống nhau và khác nhau. Giống ở đây là sự chữa trị bằng cách rửa và uống như TS.Khải đã làm; còn khác là quy trình thủ tục trên phương diện giấy tờ, điều này thì chỉ Bộ Y tế mới đủ sức làm.

Tôi không nói là chúng ta từ bỏ các kết quả khoa học của những nước khác. Chúng ta chấp nhận chúng, nhưng không nên chỉ biết lệ thuộc vào chúng. Chúng ta cần phải hủy bỏ tư tưởng chỉ biết chờ đợi, lệ thuộc này đi, phải cần đưa ra những giải pháp mới, cách làm mới của riêng ta.

Bộ Y tế phải làm cách mạng, giảm dần sự lệ thuộc, cần tự mình đưa ra những quy trình thử nghiệm riêng của Việt Nam. Người trí thức, nhất là lãnh đạo thì cần phải có tinh thần sáng tạo, chấp nhận rủi ro, xây dựng, đúng thì tiếp tục phát huy, còn nếu sau thì chấp nhận sửa đổi. Như vậy, mới trở thành tiến bộ đi trước mọi người được”.

Bàn về vấn đề Y Đức

Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có một loại thuốc nào được chứng minh là diệt virus gây ra bệnh TCM, một số trường hợp sẽ phải sử dụng tới máy thở, kháng thể immunoglobulin (IVIG), lọc máu...  

Ông Bình tỏ ra băn khoăn: “Khi được điều trị bằng máy thở, IVIG, lọc máu, TS.Hiền và các bác sĩ có khi nào nghĩ đến hoàn cảnh kinh tế gia đình bệnh nhân không? Tôi không biết sự tốn kém khi phải nằm viện để điều trị là bao nhiêu, nhưng tôi biết là dùng IVIG thì khoảng 3.000 USD một lần chích và không phải chỉ chích một lần (tôi xin nói rõ là tôi không biết giá tại Việt Nam). Còn lọc máu cần chạy 24/24, chi phí cho bệnh nhân chắc là sẽ tốn kém lắm, có biết bao nhiêu gia đình nghèo khó, họ đào đâu ra tiền đây?

Bao nhiêu gia đình đủ tiền điều trị cho con em mình bị biến chứng bởi bệnh TCM?
Bao nhiêu gia đình đủ tiền điều trị cho con em mình bị biến chứng bởi bệnh TCM?

Rồi một khi bệnh trở nặng gây ra viêm não, trẻ bị câm điếc mù loà, bại liệt hoặc khờ dại thì ngoài em ra, gia đình các em sẽ như thế nào? Người nhà của tôi đã có con bị tàn tật vì viêm não nên tôi hiểu vấn đề này, không biết anh Hiền có hiểu không? Khi con cháu anh bị, anh muốn chúng hết bệnh ngay hay ngồi điều trị nâng đỡ, chờ chúng lọt vào con số nào?

Đọc lời phát biểu của anh (hay BS Hồ Hải, Thạc sỹ Hà…), tôi không thấy được chữ Tâm trong đó. Còn TS Khải thì sao? Ông đã viết rằng: 'Ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam, hễ dân cần, dân gọi là Khải sẽ đến'. Từ Bắc đến Nam, dân kêu là ông đi và trong quá khứ đã cứu được hàng chục ngàn con trâu bò bị bệnh.

Còn các TS, BS Viện Dịch tễ đã làm được gì ngoài việc chỉ ngồi trong văn phòng, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, ra chỉ thị diệt sạch đàn bò, gia cầm?”.

“Trong chữ Đức có chữ Tâm ở dưới, nghĩa là Đức phải lấy Tâm làm căn bản. Khi Bác Hồ nói “Lương Y như Từ Mẫu”, Người đã khuyên các bác sĩ hãy lấy tấm lòng của một người mẹ để lo cho các bệnh nhân như con của mình. Một người mẹ sẽ không biết và không cần biết quy định quốc tế nào hết, mà họ chấp nhận cực khổ, chạy đôn chạy đáo, đôi khi phải bán hết cả tài sản để lo cho con”, ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị độc giả đang sống ở Mỹ cũng lật lại câu nói của TS.Hiền và các bác sĩ khác khi cho rằng con số 95% số người mắc bệnh sẽ khỏi chỉ có 5% biến chứng và 0,2% chết không giải quyết triệt để vấn đề: Xin hỏi TS.Hiền và các bác sĩ khác, các anh có thể biết trước đứa trẻ bị bệnh sẽ thuộc nhóm nào không, 95% hay 5% hay sẽ chết?

Chốt lại phần thư trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Bình nói: “Chúng ta đều biết là: Virus chủ yếu nằm trong tế bào. Sau khi sinh sản trong tế bào, các virus sẽ phá vỡ nó, và ra ngoài theo huyết tương tấn công các tế bào khác. Các kháng thể và gamma globulin hiện diện trong huyết tương sẽ gắn vào virus, tạo thành một khối, và sau đó được các bạch huyết cầu “ăn” đi.

Vấn đề tại đây là làm sao xử lý được virus trong huyết tương và trong tế bào. Trong huyết tương thì dễ vì kháng thể và gamma globulin làm được, nhưng còn trong tế bào, hai chất này vào được không? Cơ chế diệt bệnh nội tế bào như thế nào?

Trong bệnh TCM, virus nằm trong nước mũi, nước miếng, phân và các mụn nước trên cơ thể và trong miệng... Như vậy khi TS Khải dùng Anolyt để tắm rửa, súc miệng và dùng nó bôi lên các vết thương trên da và trong miệng là một điều hợp lý. Nếu chỉ rửa tay như quy định phòng dịch BYT không là hơi thiếu sót”.

Ngọc Quang