Chuyện ngày 20/11, chuyện cái phong bì

21/11/2012 09:53
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nhiều em coi ngày 20/11 là công việc của bố mẹ, không phải của mình. Vì vậy đang tồn tại một thực tế đáng buồn là hình ảnh học trò tặng hoa cho thầy cô của mình ngày càng trở nên hiếm gặp, mà thay vào đó là bố mẹ tặng hoa kèm theo phong bì. Ý nghĩa của ngày này đối với nhiều em dường như không còn sâu đậm và thiêng liêng nữa.
Muốn con hay chữ phải “yêu” lấy thầy

Các cụ đã dạy: “Muốn sang phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Câu ca dao xưa được các bậc phụ huynh bây giờ áp dụng và phát huy đến mức trở thành vấn đề đau đầu mỗi dịp 20/11. Càng cận kề ngày nhà giáo Việt Nam thì trên diễn đàn mạng lại thêm sôi nổi chuyện phụ huynh bàn tán tặng quà thầy cô như thế nào cho hợp tình, hợp lý.

Nickname Mẹ Mèo Mi chia sẻ trên diễn đàn webtretho: “Mình mua một túi quả, trong đó bỏ một phong bì, một mình mình đến nhà cô chứ không cho con đi cùng (không cho con biết là mẹ đến nhà cô), tế nhị nói với cô rằng: Thực lòng muốn mua tặng cô một món quà gì đó nhưng khiếu thẩm mỹ của mình thật tệ nên nhờ cô mua giúp một món để cảm ơn tấm lòng tận tâm, dạy dỗ con...”.

"Định mua túi xách, nhưng hàng thường sợ cô chê, hàng hiệu thì đắt quá, mua vải may đồ lại sợ cô không thích. Đi chọn suốt một ngày không được món quà nào ưng ý nên tôi quyết định đi phong bì cho tiện", là ý kiến của một bà mẹ có con học lớp 5 tại Hà Nội.

Những bông hoa tươi thắm, những nụ cười ấm áp của họ trò dành tặng cô. Chỉ có vậy thôi, nhưng thật ý nghĩa, thật đáng quý, và cô sẽ nhớ mãi giây phút này. Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Những bông hoa tươi thắm, những nụ cười ấm áp của họ trò dành tặng cô. Chỉ có vậy thôi, nhưng thật ý nghĩa, thật đáng quý, và cô sẽ nhớ mãi giây phút này. Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC      

Món quà được hầu hết các phụ huynh ưa chuộng đó là "hoa và phong bì". Tặng phong bì cho cô vừa tăng thu nhập, lại sử dụng được theo ý muốn, vẹn cả đôi đường.

Giải thích về hiện tượng phong bì đi quà cho thầy cô ngày càng nhiều, nickname Mẹ Tôm chia sẻ: Mình nghĩ chỉ mua quà thôi thì cũng khó cho cô, vì thực tế cả lớp bốn mươi mấy cháu đều hoa, xà bông, dầu gội, vải áo dài… thì cô dùng bao giờ mới hết, mà có phải thứ gì cô dùng cũng hợp đâu, lại phải “thanh lý” hay cho, tặng lại người khác cũng dở, trong khi thu nhập của giáo viên đâu có được cao… thực tế là vậy đó.

Một phụ huynh khác đưa ra lý do khá hợp lý cho việc tặng phong bì thay vì hoa, quà: “Đúng là đi phong bì làm hư thầy cô, nhưng các mẹ cứ thử nghĩ xem, giờ mua bó hoa tặng cô cũng mấy trăm nghìn rồi, mà hoa thì chả đùng được bao nhiêu. Nếu số tiền đó cho vào phong bì thì các cô còn dùng được nhiều cái thiết thực hơn”.
Thường thì phụ huynh sẽ giấu con chuyện đi quà thầy cô từ khi các con còn nhỏ, vì thế nhiều em nhỏ phát hiện ra và đã hỏi thơ ngây: “Mẹ tặng cô hoa và gửi thư cho cô ạ?". Lớn lên một chút các em dễ dàng đồng tình với hành động của bố mẹ với các lý do: “Sắp thi kết thúc học kỳ 1, theo lời chỉ dẫn của các anh chị khóa trước nên mình mua quà đem đến tặng cô có gì nhờ cô du di trong thi cử”.

Các em coi ngày 20/11 là công việc của bố mẹ, không phải của mình. Vì vậy hiện đang tồn tại một thực tế đáng buồn là hình ảnh tự học trò tặng hoa cho thầy cô giáo của mình ngày càng trở nên hiếm gặp, mà thay vào đó là bố mẹ tặng hoa kèm theo phong bì. Ý nghĩa của ngày này đối với các em cũng không còn sâu đậm và thiêng liêng nữa.

Món quà của lòng tôn trọng
Nói về chuyện quà cáp nhân dịp 20/11, PGS.TS Ngô Văn Giá có chia sẻ một câu chuyện ý nghĩa trên diễn đàn Facebook của mình:

“Tôi có một tay bạn là Châu Hồng Thủy cùng có một thời dạy trên CĐ Sư phạm - Tây Bắc đóng tại Sơn La. Ngày đó hai đứa con của nhà Châu Hồng Thủy còn nhỏ, độ khoảng lên tám lên mười. Ngày đó ở Tây Bắc đói khổ lắm. Nhưng sống rất ân tình.

Nhớ có một năm 20.11, đám học trò lên chúc mừng nhà cô giáo Thủy rất đông, hết tốp này đến tốp khác. Thấy khách đông, cô giáo Thủy bảo hai con: "Các con xuống nhà bếp chơi để ba mẹ tiếp khách nhé!". Hai đứa trẻ ngoan ngoan xuống bếp chơi.

Các tốp học trò đến, có tốp mang hoa, những bông hoa chúng hái trên rừng; có tốp mang những tờ lịch năm mới đến tặng thầy cô, nó vừa không đến nỗi quá đắt, mà lại phải phép. Hai đứa bé vừa tò mò, vừa háo hức hy vọng có món quà nào ăn được chăng? Con chị bàn với thằng em thỉnh thoảng chạy lên nhà trên xem học sinh của ba quà những gì.

Sau tốp thứ nhất, thằng em chạy hộc tốc xuống thông báo: "Lịch chị ạ". Sau tốp thứ hai, thằng em lại chạy hộc tốc xuống, thông báo: "Vẫn lịch chị ạ". Đến tốp thứ ba, thằng em chạy đến giữa sân gào lên với một giọng điệu gần như tuyệt vọng: "Lại lịch!...". 

Bây giờ gặp nhau, kể lại chuyện này, tự nhiên thấy sống mũi cay cay. Ngày ấy, cả nước đói. Tây Bắc lại càng đói hơn. Cả hai đứa nhà cô giáo Thủy bây giờ đã trưởng thành, có gia đình cả rồi".

Câu chuyện cảm động về một thời đói khổ mà thanh sạch của thầy Ngô Văn Giá đã được đông đảo học sinh, bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ. "Ngày còn chiến tranh thì thầy chả có gì ngoài một lời chúc, ngược lại thầy còn thường xuyên chia gạo, thuốc men... cho các trò, và bắt các trò học kém phải học thêm miễn phí!", Facebook Hoang Hung bày tỏ.

Không chỉ là những người thầy giáo dạy lâu năm trong nước, đã có nhiều kỷ niệm vui buồn, cả những người làm việc trong nhiều môi trường giáo dục hiện đại hơn cũng chia sẻ về câu chuyện quà 20/11: “Tôi cũng đi du học ớ các nước phát triển như Nhật, và một số nước châu Âu, tôi thấy họ có những ngày này đâu mà nền giáo dục của họ vẫn phát triển".

Thiết nghĩ quà mang giá trị vật chất hay phong bì không phải là xấu. Xấu hay không là ở chính suy nghĩ, cách ứng xử của phụ huynh và thầy cô. Nếu phụ huynh muốn "mua chuộc" thầy cô, nếu thầy cô sau khi nhận quà mà tạo nên sự không công bằng trong lớp học thì đó mới là điều xấu. Chung quy, điều này sẽ gây hại cho học trò và làm xấu đi nét đẹp truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc đang ngày càng mai một, biến tấu bởi “văn hóa phong bì”.

Thời đại mỗi ngày một khác, con người cũng suy nghĩ khác dần đi, các mối quan hệ bị đời sống kinh tế thị trường bào mòn tế hơn, làm biến dạng. Thế nhưng, vẫn còn đó hàng nghìn, hàng vạn giáo viên thực sự tâm huyết với nghề, món quà quý giá nhất với họ là sự tôn trọng của các thế hệ học sinh, bạn bè đồng nghiệp chứ không phải là giá trị vật chất của mấy món quà mà phụ huynh hay học sinh mang tặng.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Những hình ảnh xúc động về "lớp học tật nguyền" của bà lão 80 tuổi

7 nguyên nhân khiến giáo dục Việt Nam tiếp tục... tụt hậu

Chỉ học 2 giờ mỗi ngày, vẫn trở thành thủ khoa đại học

Tôi cảm thấy có lỗi vì đã đi gia sư

Nam sinh đạp xe hơn 300km đi thi có thể đã mắc bệnh tâm thần từ trước

Tâm sự xúc động của sinh viên cả đời học cho bố mẹ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Đỗ Quyên