Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, cô giáo dạy học qua dự án

11/05/2019 06:12
Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Là cựu học sinh Trường Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, cô giáo Dương bước vào Đại học Sư phạm Hà Nội với giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia năm 2004.

Tốt nghiệp Sư phạm Văn loại Giỏi, cô Đỗ Thị Thúy Dương học tiếp thạc sĩ về khoa học giáo dục; đầu năm 2011, cô về dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ thực tế, cô giáo Dương nhận thấy, rất nhiều học sinh cho rằng: Học Văn là đọc, chép kiến thức, học thuộc các bài văn mẫu…; cần phải làm cho học sinh thấy được Ngữ văn là bộ môn Khoa học xã hội, học văn cũng cần có tư duy sáng tạo, cần nắm được phương pháp làm bài hiệu quả và nhất là phải có được những “công cụ” riêng để khám phá thế giới văn chương.

Để củng cố, mở rộng nâng cao kiến thức; Tăng cảm hứng với môn học; Khơi mở đam mê nghiên cứu; Rèn tư duy phản biện, đối thoại; Trau dồi kĩ năng: thuyết trình, làm việc nhóm, giao tiếp, điều phối … cho học sinh, cô giáo Dương đã thực hiện dự án: Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật.

Chương trình Ngữ văn lớp 12 có phần trọng tâm là Văn học Cách mạng 1945 – 1975, gắn với một thời kì nhọc nhằn, khốc liệt mà ngoan cường, vĩ đại của dân tộc.

Làm sao để chiến tranh không xa lạ với những đứa trẻ lớn lên trong hòa bình? Làm thế nào tạo tâm thế đi vào tác phẩm cách mạng tự nhiên, nhuần nhị, sâu sắc?

Dạy cái gì để văn là đời, đời là văn? Gạch nối giữa hiện thực đời sống hôm nay với hiện thực sinh động của 30 năm khói lửa ở đâu?”

Từ suy nghĩ đó, cô đã dạy chương trình này qua dự án: Câu lạc bộ Văn học – nghệ thuật: “Chiến tranh trong mắt Tôi”.

Cô đã liên hệ với các Cựu chiến binh các thời kì chiến tranh cùng sinh hoạt, nói chuyện với học trò.

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, bác Nguyễn Đức Định - Cựu chiến binh Điện Biên Phủ
Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, bác Nguyễn Đức Định - Cựu chiến binh Điện Biên Phủ

Em Thảo Nhi lớp Văn chia sẻ: “Chúng em thấm thía, có cái nhìn khác về chiến tranh; nhuần nhuyễn các thao tác sinh hoạt câu lạc bộ; quan tâm nhiều hơn tới tình hình thời sự; được khơi thức tình yêu với biển đảo quê hương; thích hoạt động nhóm; muốn tiếp tục duy trì, phát triển câu lạc bộ”.

Dạy văn, cô hiểu vai trò của công nghệ, không gì hơn là tự học, cho học sinh noi theo. Áp dụng công nghệ thông tin dạy văn là “bất ngờ” của học trò với cô Dương.

Giúp học sinh tiếp cận với công nghệ, có thể học bất cứ khi nào, nơi nào miễn là có …. mạng. Cô Dương đã thực hiện dự án: Trang web văn học và kênh Youtube về dạy học Văn.

Mục đích của cô, xây dựng cộng đồng dạy học Văn miễn phí. Youtube: hiện tại đã hoàn thiện Tài liệu nội bộ - Ôn tập kì thi Trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ văn, kết hợp với chương trình Đồng hành mùa thi trên Youtube và nguồn dữ liệu được lưu trên Tuduyvanhoc.com.

“Chi tiết về Dự án Web, kênh Youtube, chương trình Ôn thi Trung học phổ thông quốc gia https://www.youtube.com/channel/UClS4gjtxLL-Ai-WsIUZQxAA?view_as=subscriber ; http://tuduyvanhoc.com”

Từ thực tế dạy học, cô Dương rút ra “sợi chỉ đỏ” của môn Văn; cô thực hiện dự án: Sách Ôn tập môn Văn (Tổng hợp tư duy, phương pháp, kiến thức…) bổ trợ cho Web và kênh Youtube.

Ảnh kỉ niệm sau khi sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học
Ảnh kỉ niệm sau khi sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học

Không chỉ học trò lớp chuyên Văn “mê” cô giáo, học trò các môn chuyên khác cũng “yêu” môn Văn khi nào không biết.

Em Phạm Toàn tâm sự “Em học chuyên Hóa, khi học các dự án của cô Dương trên mạng, em thấy thích môn Văn; môn Văn dễ hiểu, dễ học, không như trước đây, nghĩ đến môn Văn là … ngán”.  

Những cống hiến, đam mê của cô được nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tin tưởng giao trọng trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia từ năm học 2013-2014 đến nay.

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, cô giáo dạy học qua dự án ảnh 3Thầy Trần Thái Sơn mê nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp

Nói về đồng nghiệp của mình, cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn nhận xét:

Với cô Dương, chuyên môn nghiệp vụ là tố chất sẵn có, đam mê Văn học chứ không phải là say mê. Khả năng truyền cảm hứng của cô Dương đến học trò thật tuyệt vời, cô là giáo viên giỏi, nhà giáo dục xuất sắc”.

Đóng góp của cô, được vinh danh trong những dòng lưu bút đầy yêu thương của những lớp học trò cô dạy, sự tin tưởng của đồng nghiệp. Cô được bầu là Tổ phó tổ Văn của trường; đã ba lần được công nhận là Chiến sĩ thi đua.

Tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, chính đam mê nghề nghiệp, nhiệt tâm với học trò là động lực giúp cô vượt qua khó khăn, vất vả để đánh thức, khơi dậy tiềm năng còn ẩn giấu của học trò.

Chia tay trường Lê Quý Đôn, ngôi trường có bề dày thành tích dạy và học của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; vẫn còn đó hình ảnh cô giáo nhỏ nhắn, mỗi ngày lên lớp là mỗi ngày truyền cảm hứng yêu thích môn Văn đến học trò.

Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến