Có một Bí thư Tỉnh ủy rất giàu

22/05/2012 14:03
H.C (tổng hợp)
(GDVN) – Xin nói ngay, ông không giàu về vật chất, dù ông đã sinh ra cơ chế để người dân làm giàu trên mảnh đất của họ; nhưng ông giàu tình thương nhân dân, giàu lòng hi sinh; và ông giàu vì ông có cả gia tài là sự kính yêu, cảm phục của nhân dân đối với tấm gương tận tụy, liêm khiết của mình. Ông là cựu bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, cha đẻ khoán hộ.
Trong một lần trò chuyện với báo PLVN, ông Kim Nam - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, con trai cố Bí thư Kim Ngọc đã hé lộ nhiều kỷ niệm quý về cha mình. Trong câu chuyện của ông Nam, vị Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú là một người có vẻ ngoài và tác phong làm việc rất nghiêm khắc, khiến nhiều người e dè nhưng thực ra lại sống rất tình cảm và quan tâm đến mọi người. Trong câu chuyện, ông Nam có nhắc đến chi tiết: “Cha tôi có một cái radio National loại dùng ba pin của Nhật, vào thời ấy, đây là tài sản quý”.

LTS: Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về độ hoành tráng của khu nhà vườn được những người dân ở địa phương cho biết là của gia đình ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến. Một "rừng" cây, gỗ quý được trồng ngay hàng, thẳng lối để "trang điểm" cho khu nhà vườn này. Đặc biệt là sự có mặt của gốc cây cổ thụ quý hiếm (mà các công nhân xây dựng cho là cây gỗ sưa - pv) rộng hơn 1 vòng tay người ôm và cây tùng la hán ước tính khoảng vài trăm năm tuổi. Chỉ riêng cây, gỗ quý trong khu nhà vườn rộng gần 5.000m2 này theo ước lượng của giới chuyên gia đã có giá trị rất "khủng".

Ngược dòng thời gian, nhớ lại một vị Bí thư tỉnh, người được coi là cha đẻ của khoán hộ nhưng theo trí nhớ của con trai ông, ông có một tài sản rất quý là... chiếc radio ba pin của Nhật. Ông được coi là người giàu, rất giàu, "giàu" sự nể trọng của nhân dân, "giàu" niềm tin yêu mà các vị lãnh đạo Đảng Nhà nước và nhân dân dành cho.

Ông Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 trong một gia đình nông dân nghèo. Ông chỉ học hết lớp 5, rồi tự học để lên được lớp 7, nhưng những tư duy đổi mới của ông vào thời đó có thể nói là ít người sánh kịp.

Năm 1947, ông lấy bà Lê Thị Liên và sau đó lần lượt sinh được 6 người con (cả 6 người con của ông bây giờ đều thành đạt). Ông Ngọc tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939, đến năm 1954, ông đã là Phó Chính uỷ Quân Khu Việt Bắc.

Con đường đẹp nhất thị xã Vĩnh Yên mang tên ông Kim Ngọc
Con đường đẹp nhất thị xã Vĩnh Yên mang tên ông Kim Ngọc

 Năm 1958, ông về làm Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, quê hương ông. Suốt 24 năm ông làm bí thư tỉnh uỷ đều gắn với hạt lúa của người nông dân, nhất là gắn với những thăng trầm của khoán hộ.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký nhiều năm liền của ông Kim Ngọc kể: “Ngay từ hồi những năm 60, khi mà sự giáo điều trong nhận thức lúc đó còn hết sức nặng nề về “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang” (đồng nghĩa với sự sùng bái vật chất tư bản chủ nghĩa) nhưng ông Kim Ngọc phát biểu trong Đảng bộ tỉnh đã khẳng định một chân lý có thể nói là cực kỳ táo bạo về sự phấn đấu của người đảng viên là làm sao để: “Dân luôn được: ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền”. Ông nói, đấy chính là mục tiêu của CNXH”.

Một con người chỉ học hành hết lớp 7, vậy mà tư duy đã thật đi rất xa so với thời gian. Chính những năm 65-67, khi Vĩnh Phúc làm khoán hộ, đời sống của người dân khấm khá hẳn lên. Ông Trường Chinh về thăm Vĩnh Phúc đã phải tặng bài thơ: “Phù Lập làm phân thật khác thường/Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương/Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi/Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung” (các địa danh ở Vĩnh Phúc) (ký bút danh Sóng Hồng).

Nhưng sau khi làm khoán hộ, ông Kim Ngọc bị buộc phải làm bản kiểm điểm và phải tự nhận là “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”. Sau đó trong Đại hội Đảng bộ, ông Kim Ngọc vẫn trúng chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú  (năm 68 sáp nhập Vĩnh Phúc với  Phú Thọ thành Vĩnh Phú) và đến năm 76, tại Đại hội đảng bộ khoá IV của tỉnh Vĩnh Phú, ông Kim Ngọc làm đơn xin nghỉ và đến năm 1977, ông mới nghỉ hẳn.
 
Tư tưởng vượt thời đại của ông khiến nhiều người tôn vinh ông là cha đẻ của khoán hộ, cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp.

Bên mé bàn thờ cố Bí thư Kim Ngọc có một tấm phướn đề câu thơ: “Ruộng đất công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian” của các cháu tổ bán báo “Xa Mẹ” ở Hà Nội dâng tặng. Rất nhiều thư đã gửi về gia đình ông bày tỏ niềm kính trọng và biết ơn đến với ông.

Mộ ông Kim Ngọc
Mộ ông Kim Ngọc

 Năm 2004, Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc tặng gia đình ông bức tượng tạc ông bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng ông.

Ngày 23-3-2009, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và gia đình cố bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc tổ chức lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Đảng và Nhà nước truy tặng.

Bà Lê Thị Liên, vợ cố Bí thư Kim Ngọc kể lại rằng, sau khi ông mất ít lâu, có đoàn tỉnh đảng bộ Bến Tre (là tỉnh kết nghĩa với Vĩnh Phúc) ra thăm, tất cả đều đứng trước mộ ông mà khóc. Có người còn đề nghị, phải lập đền thờ cho ông, bởi ông thật sự là người có công với đất nước.

Bà Liên kể, năm bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) 90 tuổi, tôi đến chúc thọ Đại tướng. Bác Giáp khi đó nói chuyện với rất nhiều người, biết tôi là vợ ông Kim Ngọc, bác nói: “Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”.
 
Năm 1988, ông Nguyễn Văn Linh, khi đó là Tổng Bí thư, một trong những vị lãnh đạo nổi tiếng dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới về thăm Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nhắc đến ông Kim Ngọc cũng nói: “Công lao của anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”.  
 

Điểm nóng

Xôn xao clip sex bị phát tán của học sinh lớp 11

Giải mã biệt danh của những trùm giang hồ khét tiếng (P2)

Bố 'bé gái gây cháy' không dám mặc đẹp vì sợ...cháy

GS Hùng Võ: "Nếu có tiền, tôi sẽ mua trụ sở Bộ GTVT để làm biệt thự"

"Nhà ngoại cảm cũng 'bó tay" với cô bé 11 tuổi làm đồ vật bốc cháy"

Cụ 80 lết đi xin nước nấu cơm cho chồng

Cận cảnh hiện trường vụ bé gái 11 tuổi làm đồ vật bốc cháy

H.C (tổng hợp)