Có nên duy trì nội dung “tập làm thơ” trong chương trình trung học cơ sở mới? ​

07/10/2019 06:41
Đỗ Thành Dương
(GDVN) - Chúng tôi cũng hoàn toàn tin chắc rằng, không phải tất cả các học sinh đã học và thực hành qua hệ thống các bài “tập làm thơ” ấy, đều có thể làm được thơ.

Nhân đọc bài “Làm thơ khó lắm” của tác giả Lê Đức Đồng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam góp ý về một nội dung được giảng dạy nối tiếp trong suốt 4 năm học của chương trình ngữ văn trung học cơ sở hiện hành, tôi bất giác giật mình, ngán ngẩm trước những kết quả hết sức hồn nhiên, vô tư mà học sinh thực hành được qua các bài học này và băn khoăn ngẫm nghĩ lại về các tiêu chí của thơ ca.

Sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 (Ảnh: CTV).
Sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 (Ảnh: CTV).

Một số “bài thơ” được các em sáng tác qua các giờ thực hành “tập làm thơ” như sau:

Thơ 4 chữ: 

Cô em tên Hà

Tính tình thật thà

Rất thích ăn cà

Nhà cô nuôi gà

Mẹ cô rất già.

Hay:

Cô giáo lớp em

Xinh đẹp hoành tráng

Làn da trắng sáng

Đôi giày bóng loáng

Ai nhìn cũng choáng

Em nhìn choáng hơn.

Thơ 5 chữ:

Làm thơ khó lắm!
Làm thơ khó lắm!

Lân là đứa đầu gấu

Mặt nó rất là ngầu

Nhưng không đến nỗi xấu

Nó có tính rất xấu

Hay bắt nạt bạn bè.

Thơ 8 chữ:

Tôi nhớ cả tiếng khóc vài bạn nữ

Bị bạn trêu nên “mít ướt” ấy mà

Và tôi nhớ lúc các bạn giận dữ

Toàn đứng lên, chửi bới và kêu la

Tôi nhớ cả thầy Ý dạy môn Toán

Đầu ít tóc nhưng trí óc tuyệt vời

Chuyên làm thơ trêu chọc mọi người

Làm chúng tôi sảng khoái trong tiết học…

Tất cả những “bài” thực hành nêu trên của học sinh có phải là thơ?

Bởi: “Thơ là một hình thức nghệ thuật dùng từ, dùng chữ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới một hình thức logic nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mĩ cho người đọc, người nghe”.

Nhớ lại thời phổ thông của mình trước đây khoảng nửa thế kỉ, hình như lúc bấy giờ trong chương trình ngữ văn, bao gồm cả “cổ văn” lẫn “kim văn” không hề có các bài tập làm thơ như thế này mà chúng tôi chỉ được thầy cô hướng dẫn nhận diện về các thể thơ, tứ thơ, các loại vần thơ, nhịp thơ, hình tượng thơ… làm cơ sở để cảm thụ và thẩm bình thơ, cảm nhận được cái hay cái đẹp của thơ ca.

Như định nghĩa về thơ ở trên, rõ ràng muốn sáng tác được thơ, yêu cầu tiên quyết là người làm thơ phải biết sử dụng phương tiện ngôn từ, tạo nên một sáng tác có chất thơ, nghĩa là phải “tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mĩ cho người đọc, người nghe”.

Còn việc “chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới một hình thức logic nhất định” chỉ thiên về mặt kĩ thuật, hình thức.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan niệm: sáng tác thơ - một bộ môn nghệ thuật ngôn từ, cũng như các bộ môn, loại hình nghệ thuật khác - thuộc về năng khiếu bẩm sinh của từng người.

Bởi vậy, chúng tôi không nghĩ rằng tất cả những nhà thơ từ trước đến nay, thời niên thiếu họ đều được nhà trường dạy dỗ tỉ mỉ, chi tiết về cách làm thơ như các bài học trong chương trình phổ thông hiện nay.

Có nên dạy và học theo Văn mẫu hay không?
Có nên dạy và học theo Văn mẫu hay không?

Và chúng tôi cũng hoàn toàn tin chắc rằng, không phải tất cả các học sinh đã học và thực hành qua hệ thống các bài “tập làm thơ” ấy, đều có thể làm được thơ.

Ngay cả phần lớn các giáo viên dạy môn ngữ văn nói riêng và giáo viên nói chung, hầu hết ai cũng đều đã học và thực hành qua các bài “tập làm thơ” này, nhưng thử hỏi: hiện nay có mấy giáo viên có thể làm được thơ?

Trong xu hướng hưởng ứng lộ trình cải cách giáo dục đang tiến hành, chương trình mới và sách giáo khoa phổ thông dự kiến sẽ được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm chủ đạo khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới là đổi mới căn bản, toàn diện nhưng phải kế thừa những nội dung tích cực của chương trình hiện hành, của truyền thống để tránh gây sốc.

Chúng tôi thiết nghĩ, nội dung các bài học về thơ ở chương trình phổ thông chỉ nên dừng lại ở mục đích, yêu cầu phù hợp là cung cấp cho các em kiến thức cơ bản về thơ, để học sinh hiểu và nắm được đặc điểm riêng biệt của các thể thơ, trên cơ sở đó hướng dẫn các em nhận diện và cảm thụ được thơ ca trong quá trình học ngữ văn ở chương trình phổ thông.

Việc cắt giảm nội dung “tập làm thơ” trong chương trình cũng sẽ góp phần giảm áp lực học tập cho học sinh.

Việc duy trì nội dung các bài học “tập làm thơ” trong chương trình ngữ văn phổ thông như hiện nay đang thể hiện tính ôm đồm, khiên cưỡng, vô bổ, quá sức đối với học sinh; chỉ ép buộc các em gắng sức lắp ghép câu chữ thành những dòng văn vần gượng gạo, ngô nghê, buồn cười như những cái gọi là “thơ” ở trên.

Nguy hại hơn, nó sẽ làm cho học sinh ngộ nhận về giá trị đích thực của thơ ca và ảo tưởng về năng lực “sáng tác” thơ của bản thân mình.

Cuối cùng, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả bài viết ở trên: Thay vì dạy học sinh cách làm thơ, thì nên hướng dẫn các em học cách cảm thụ, cách hiểu một bài thơ, một đoạn thơ (tùy theo độ tuổi) thì sẽ có tác dụng hơn, bổ ích hơn đối với các em.

Đỗ Thành Dương