Có nên nhân văn với thí sinh tô sai số báo danh, mã đề thi, tô mờ đáp án?

01/08/2019 06:23
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nếu Ban chấm thi trắc nghiệm cứ “sửa lỗi” cho thí sinh, liệu đây có phải là “lỗ hổng” để kẻ xấu lợi dụng, trong kỳ thi năm sau?

Trên tờ làm bài thi trắc nghiệm kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, có hướng dẫn làm bài, rất rõ ràng, cụ thể; ngoài ra giám thị hai cũng đã nhắc nhở thí sinh tô đúng số báo danh, mã đề thi, đáp án mình chọn.

Vậy nhưng vẫn có không ít bài thi sai sót, nổi bật nhất là tỉnh Thanh Hóa. Trung bình 0,63% trong tổng số 102.000 bài thi của thí sinh Thanh Hóa mắc lỗi về tô số báo danh, mã đề, tương đương 650 bài thi phải sửa lỗi.

Việc tô đúng số báo danh, mã đề thi có khó không? Phải nói thật, hết sức đơn giản; người viết hướng dẫn cho 10 em học sinh lớp 5, làm thử, không có em nào làm sai.

Việc tô đậm số báo danh, mã đề thi, đáp án mình chọn có khó không? Điều này càng đơn giản, rất dễ dàng thực hiện.

Thí sinh có phải tự chịu trách nhiệm khi tô sai số báo danh, mã đề thi, tô mờ đáp án? (Ảnh minh hoạ: Htt.edu.vn)
Thí sinh có phải tự chịu trách nhiệm khi tô sai số báo danh, mã đề thi, tô mờ đáp án? (Ảnh minh hoạ: Htt.edu.vn)

Việc ban chấm thi trắc nghiệm tô lại, sửa trên bài thi, điều đó vô hình trung đã can thiệp thô bạo đến bài thi, tính khách quan của bài thi đã không còn.

Dư luận có quyền nghi ngờ tính “trong sáng” của những người can thiệp đến bài thi.

Chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm, từ 0 điểm lên gần 8 điểm; nguyên nhân do thí sinh tô nhầm mã đề thi, tô mờ đáp án!

Vậy đặt ngược vấn đề, thí sinh A được 8 điểm, tô đúng mã đề. Thí sinh B, chấm phúc khảo được 8 điểm, tô sai mã đề. A và B ai giỏi hơn, xứng đáng với điểm 8 hơn?

Vậy đã công bằng giữa A và B chưa? Nhân văn với B, có nhân văn với A chưa?

Nếu Ban chấm thi trắc nghiệm cứ “sửa lỗi” cho thí sinh, liệu đây có phải là “lỗ hổng” để kẻ xấu lợi dụng, trong kỳ thi năm sau?

Lãnh đạo Hải Phòng yêu cầu trả lại điểm thật của các thí sinh bị ghép nhầm phách
Lãnh đạo Hải Phòng yêu cầu trả lại điểm thật của các thí sinh bị ghép nhầm phách

Nếu cứ công nhận kết quả phúc khảo do thí sinh tô sai mã đề, số báo danh, khi quy trình chấm phúc khảo không nghiêm ngặt như chấm lần đầu; có thể là “cơ hội” cho ai đó bày binh bố trận nhờ “coi điểm” không?

Trao đổi với đồng nghiệp, nhiều giáo viên cho rằng, với bài thi trắc nghiệm, ban chấm thi tuyệt đối không được “thò bút” vào bài làm của thí sinh. Chỉ để “máy” làm việc với bài thi, đó mới là khách quan.

Nếu tô sai số báo danh, mã đề thi, tô mờ đáp án. Lỗi thuộc về thí sinh, thí sinh phải chịu trách nhiệm hành động của mình.

Làm như thế, có thể bị đánh giá “không nhân văn”, nhưng muốn thí sinh chịu trách nhiệm việc làm của mình, nhận thức của mình; khách quan, công bằng, cần phải dũng cảm như thế;

Có vậy mới mong rằng sai sót này sẽ giảm, góp phần giáo dục học sinnh chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình xã hội.

Làm sao tránh những lỗi “ngớ ngẩn” như tô sai số báo danh, mã đề thi, tô mờ đáp án trong thi trắc nghiệm?

Sau phúc khảo, thí sinh của Tây Ninh được tăng từ 0 lên 8,75 điểm
Sau phúc khảo, thí sinh của Tây Ninh được tăng từ 0 lên 8,75 điểm

- Thí sinh phải chuẩn bị dụng cụ học tập đầy đủ, không thể thiếu gôm tẩy, bút chì 2B, 3B,…6B.

- Nhà trường cần tập dượt, in mẫu giấy làm bài…, giúp học sinh trải nghiệm, nhớ thao tác, kĩ năng khi thi trắc nghiệm.

- Hội đồng thi phải phổ biến lại quy trình làm bài, nội quy, dù “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vẫn phải làm.

- Giám thị 2, hướng dẫn lại học sinh tô đúng số báo danh, thời gian chờ phát đề có thể kiểm tra giúp thí sinh, khi thu bài, kiểm tra lại lần nữa.

- Trước khi phát đề, giám thị một lần nữa, hướng dẫn các thí sinh tô mã đề.

Kết quả bài thi là do năng lực của thí sinh; một bài thi không mắc lỗi tô nhầm số báo danh… là có công đóng góp của giám thị. Thành công của kì thi, là tổng hợp sự quan tâm của gia đình, nhà trường và hội đồng thi.

Sơn Quang Huyến