Cờ Trung Quốc dán trên hàng Việt Nam và nỗi sợ về một căn "bệnh lạ"

24/03/2013 13:29
Bùi Hải
(GDVN) - Không phân biệt nổi cờ Trung Quốc và cờ Việt Nam; không biết cái gọi là Tây Sa và Nam Sa thực chất là Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam...thì chính là sự "mù văn hoá" một cách tai hại nhất và khó tha thứ nhất.
Một hộp nho bên ngoài có dán nhãn made in Vietnam, nhưng bên trong lại có dán cờ Trung Quốc bị phát hiện tại siêu thị BigC the Garden (Mỹ Đình, Hà Nội)
Một hộp nho bên ngoài có dán nhãn made in Vietnam, nhưng bên trong lại có dán cờ Trung Quốc bị phát hiện tại siêu thị BigC the Garden (Mỹ Đình, Hà Nội)
Ảnh của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi vừa được in trang trọng trên bìa cuốn sách viết về...nhà bác học Lê Quý Đôn. Sự nhầm lẫn chết người này được ông Nguyễn Minh Nhật, giám đốc NXB trẻ xin lỗi: "Chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban giám đốc NXB Trẻ cùng toàn bộ nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc". Lời xin lỗi của ông Nhật chân thành và cầu thị, tuy nhiên, có một điều mà ông cần phải kiểm tra ngay là họa sĩ trình bày và người  trực tiếp biên tập cuốn sách đó, có mắc một căn "bệnh lạ" hay không? "Bệnh lạ" này cũng lại vừa "bùng phát dữ dội" tại đại siêu thị Big C. Những chùm nho xuất xứ Việt Nam dán cờ Trung Quốc đã được phát hiện nằm đàng hoàng trên giá của siêu thị này. Giống như đang ăn một bát canh ngon, bỗng lợm giọng khi thấy dưới đáy bát một con đỉa nằm co quắp - đó chính là cảm giác của cả triệu người Việt, khi nhìn thấy cái quốc kì láng giềng ngự trên hàng hoá nước mình. Trước đó, căn "bệnh  lạ" cũng lần lượt tấn công những người biên soạn SGK trong đó bản đồ in thiếu Hoàng Sa, Trường sa và SGK in quốc kì Trung Quốc; tấn công những người có liên quan của Viettinbank Ninh Bình trong vụ tặng quả địa cầu toàn chữ Trung Quốc, ngang nhiên gọi Hoàng Sa, Trường Sa là Nam Sa và Tây Sa; tấn công người duyệt mua những chiếc đèn lồng Trung Quốc xuyên tạc chủ quyền; "bệnh lạ" cũng tấn công người đưa nhầm hình ảnh du lịch Trung Quốc vào trong gian hàng của Việt Nam trong triển lãm du lịch quốc tế... "Bệnh lạ" gì mà nguy hiểm như vậy? Đó chắc chắn không phải căn bệnh lạ về da đang gây chết người ở huyện Ba Tơ Quảng Ngãi, mà y học đang bó tay. Đó cũng không phải là căn bệnh "phỉ nhổ" chính cái nguồn gốc máu đỏ da vàng của mình, của hai ông chủ ở Mũi Né và phố cổ Hà Nội, khi quyết liệt từ chối bán hàng cho người Việt. Căn "bệnh lạ" ấy chính là bệnh "mù văn hoá". Việc nhầm ảnh Nguyễn Trãi và Lê Quý Đôn, mức độ nào đó có thể tha thứ được, nếu đó là sự nhầm lẫn về mặt kỹ thuật. Nhưng sẽ là không thể tha thứ nếu người làm sách về Lê Quý Đôn mà lại không hề biết mặt Lê Quý Đôn. "Mù văn hoá" là thế. Sự "mù văn hoá" ấy sẽ càng đau đớn hơn, nếu cũng chính những - người - không - biết - mặt - danh - nhân - Việt ấy, lại có thể dễ dàng nhớ từng chi tiết gương mặt của Tào Tháo, Khổng Minh, Lưu Bị của nước khác. Không phân biệt nổi cờ Trung Quốc và cờ Việt Nam; không biết cái gọi là Tây Sa và Nam Sa thực chất là Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam...thì chính là sự "mù văn hoá" một cách tai hại nhất và khó tha thứ nhất. Nhưng căn "bệnh lạ mù văn hoá" ấy, muốn chữa thì cũng không mất quá nhiều thời gian. Chỉ cần tìm hiểu, cải thiện cái phông văn hoá và nâng cao lòng tự hào dân tộc, là chữa được. Sẽ không còn gì để chữa nếu bệnh "mù văn hoá" một ngày nào đó biến thành bệnh "nô dịch về văn hoá". Từ chương trình phim truyện trên tivi đến nhiều vật dụng trong nhà; từ tấm áo manh quần mặc trên người đến chiếc giày chiếc dép; từ thực phẩm trong bữa ăn đến cái tăm xỉa răng...của người Việt hôm nay, buồn thay, tất cả đều thấp thoáng bóng dáng của Trung Quốc. Thôi thì đành bắt chước người xưa, ngửa mặt lên trời mà than rằng: Chẳng đáng lo lắm ư?
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Bùi Hải