Coi thường phản ánh của báo chí, ai che chắn cho Quản lý thị trường Hà Nội?

10/06/2016 09:24
Chí Nhân
(GDVN) - Thời gian qua, nhiều vấn đề có liên quan đến vai trò, trách nhiệm của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội khiến dư luận bức xúc.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã “lấn sân” làm thay vai trò, chức năng của ngành y tế khi xác định chất gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng có trong thực phẩm.

Trong khi đó, một số thực phẩm, thuốc chưa nhãn mác trôi nổi trên thị trường thì cơ quan này lại bỏ mặc hoặc chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình.

Cụ thể, một trong những điểm “nóng” được dư luận quan tâm gần đây nhất, khi Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, bắt giữ, lập biên bản lô hàng 2,2 tấn xúc xích của Cơ sở chế biến Thực phẩm Việt – Vietfoods (Bình Dương) vào ngày 20/4 vừa qua.

Đồng thời, đơn vị này cũng đã vội vã tuyên bố với giới truyền thông, Vietfoods sử dụng chất sodium nitrade gây ung thư để sản xuất xúc xích.

Chưa rõ động cơ của việc thông tin "vội vàng" này của Quản lý thị trường Hà Nội là gì, có lợi cho đơn vị nào cạnh tranh với Vietfoods hay không nhưng rõ ràng là nó có vấn đề, cần được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể.

Trước đó, khi vụ việc này đang nóng lên trên các mặt báo vì "chất gây ung thư có trong xúc xích", trả lời báo chí ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, trong vụ việc này Quản lý thị trường Hà Nội đã hiểu sai vấn đề.

Cụ thể, ông Giang phân tích, Quản lý thị trường Hà Nội đã không đọc kỹ các văn bản, quy định của pháp luật và làm việc máy móc, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp. Vị Cục phó này cũng cho biết, đây không phải lần đầu như vậy.

Như vậy, ngay khi sự việc đang nóng, cơ quan quản lý cũng đã nhận việc sai sót của Quản lý thị trường trong vụ việc này. Thế nhưng, đến nay Quản lý thị trường Hà Nội vẫn không có động thái xin lỗi mà khẳng định là "đúng quy trình".

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, bắt giữ, lập biên bản lô hàng 2,2 tấn xúc xích của Cơ sở chế biến Thực phẩm Việt – Vietfoods (Bình Dương) vào ngày 20/4. (Ảnh nguồn VOV)
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, bắt giữ, lập biên bản lô hàng 2,2 tấn xúc xích của Cơ sở chế biến Thực phẩm Việt – Vietfoods (Bình Dương) vào ngày 20/4. (Ảnh nguồn VOV)

Trước sự việc trên, vào chiều ngày 29/5, một buổi họp báo công bố “sản phẩm Vietfoods an toàn với người tiêu dùng” đã được tổ chức tại TP.HCM, đại diện phía doanh nghiệp cho biết, đơn vị này đã chuẩn bị tất cả bằng chứng, giấy tờ pháp lý để thực hiện việc khởi kiện đến Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội nếu trong 10 ngày nữa Quản lý thị trường Hà Nội không hủy biên bản vi phạm hành chính với Vietfoods, không thừa nhận sai và xin lỗi thì doanh nghiệp này sẽ khởi kiện ra tòa.

Ở một diễn biến khác thuộc thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì đơn vị này lại thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hàng thực phẩm, thuốc lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho khách hàng.

Cụ thể, một số vấn đề đã được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh như, trong thời gian dài, trên trang web và facebook của Thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi (beautymedi.vn) địa chỉ tại 169 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng (Hà Nội) liên tục xuất hiện thông tin quảng cáo, khuyến mãi sản phẩm “thuốc” REDUXAN được giới thiệu là “chống tăng cân”, nhập khẩu từ Đức.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xác nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có sản phẩm nào có tên “Reduxan” được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành thuốc hoặc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc thành phẩm. Hiện tại, không có số đăng ký loại thuốc này tại Cục Dược.

Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng chưa cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho sản phẩm thuốc nào có tên “Reduxan”.

Đáng lẽ ra, khi báo chí phản ánh về nghi án buôn lậu thuốc của thẩm mỹ viện Thanh Hằng thì Chi cục Quản lý thị trường phải vào cuộc kiểm tra, xử lý nhưng đơn vị này lại im lặng, né tránh báo chí.

Tiếp đên là sản phẩm CHOCO ROCK 2 (một loại kẹo đồ chơi) đang được bày bán tại hệ thống siêu thị Hàn Quốc K – Market. Đây là sản phẩm được nhiều trẻ em ưa chuộng. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị Hàn Quốc K-Market chuyên kinh doanh, bán lẻ các sản phẩm có xuất xứ 100% từ Hàn Quốc lại có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi dán mác Hàn Quốc nhưng bên trong sản phẩm lại có “xuất xứ từ Trung Quốc”.

Sản phẩm CHOCO ROCK 2 (một loại kẹo đồ chơi) đang được bày bán tại hệ thống siêu thị Hàn Quốc K – Market
Sản phẩm CHOCO ROCK 2 (một loại kẹo đồ chơi) đang được bày bán tại hệ thống siêu thị Hàn Quốc K – Market 

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng đã cung cấp đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam một đoạn video clip dài 8 phút ghi lại cảnh 2 cán bộ (1 nam, 1 nữ) mặc sắc phục của Quản lý thị trường, được cho là thuộc Đội Quản lý thị trường Hà Nội đang nhận “phong bì” của doanh nghiệp.

Video clip cho thấy, hai cán bộ Quản lý thị trường trên vào cửa hàng uống nước, cán bộ nam thì chân vắt vẻo chữ ngũ, 2 tay xoa xoa vào lòng bàn chân. Sau khi chủ cửa hàng đưa “phong bì” thì nhanh chóng cầm và đưa cho cán bộ nữ bỏ vào cặp  mà không có động thái kiểm tra cửa hàng.

Hai cán bộ (1 nam, 1 nữ) mặc sắc phục của Quản lý thị trường, được cho là thuộc Đội Quản lý thị trường Hà Nội đang nhận “vật” giống tiền của doanh nghiệp?
Hai cán bộ (1 nam, 1 nữ) mặc sắc phục của Quản lý thị trường, được cho là thuộc Đội Quản lý thị trường Hà Nội đang nhận “vật” giống tiền của doanh nghiệp?

Sau khi clip được đăng tải, rất nhiều bạn đọc, dư luận quan tâm, cho rằng một số mặt hàng trên thị trường chưa đảm bảo chất lượng là có sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ Quản lý thị trường sau khi nhận “vật” giống tiền của doanh nghiệp.

Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần đặt lịch, liên hệ làm việc nhưng Quản lý thị trường Hà Nội chưa phối hợp cung cấp thông tin, có thái độ né tránh báo chí, coi thường dư luận.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nghị định 27/2008/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/CP về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường.

Thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường

Đối với Chi cục quản lý thị trường

Chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Thương mại, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả lưu thông trên thị trường; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể là:

-    Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả lưu thông trên thị trường và các hành vi kinh doanh trái phép khác.

-    Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm quy định về thương nhân và hoạt động thương mại theo Luật Thương mại, như: Kinh doanh không có giấy CNĐKKD hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy CNĐKKD; Hoạtđộng thương mại khi đã bị đình chỉ hoặc bị tước quyền; Không có trụ sở hoặc cửa hàng, cửa hiệu thương mại; không có biển hiệu hoặc biển hiệu trái với nội dung, được ghi trong giấy CNĐKKD; Đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh không có giấy phép hoặc Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoạt động trái với nội dung được ghi trong giấy phép; Kinh doanh hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại mà pháp luật cấm kinh doanh; Vi phạm về điều kiện kinh doanh đối với những hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.  Vi phạm các qui định của Nhà nước về thực hiện khung giá, mức giá; niêm yết giá hàng hoá, giá dịch vụ thương mại; Không thông tin đầy đủ về tính năng và công dụng của hàng hoá, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng; Vi phạm các qui định về ghi nhẫn hàng hoá; Vi phạm các qui định của Nhà nước về khuyến mại, quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hoá, hội chợ, triển lãm thương mại; V iphạm các quy định về thực hiện chế độ hoá đơn, chứng từ trong mua - bán và lưu thông hàng hoá; Các hành vi gian lận, lừa dối khách hàng trong mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại; Vi phạm các qui định của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá; Các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp; Các hành vi khác vi phạm pháp luật về thương mại; Các hành vi chống Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ.

-    Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường từng thời kỳ báo cáo Sở quyết định; tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật thương mại đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chi cục, các vụ việc do các Đội quản lý thị trường chuyển lên, chịu trách nhiệm về các quyết định đó. Đối với các vụ việc ngoài thẩm quyền thì Chi cục trưởng báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Cục trưởng Cục Quản lý thị trường xử lý.

-    Trực tiếp điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động, kiểm tra việc chấp hành quy chế công tác quản lý thị trường của các Đội Quản lý thị trường và Kiểm soát viên thị trường.

-    Tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật thương mại; kiến nghị với UBND tỉnh các biện pháp đảm bảo việc thi hành pháp luật thương mại và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thị trường.

-    Làm chức năng thường trực giúp Giám đốc Sở chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp ở địa phương chống buôn lậu, chống sản xuất – buôn bán hàng giả, hàng cấm và các hoạt động kinh doanh trái phép khác diễn ra ở địa phương.

-    Tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các đơn thư khiếu nại, tố cáo về hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các Đội Quản lý thị trường và các hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm soát viên thị trường.

-    Tổng hợp tình hình thực thi pháp luật trên thị trường và hoạt động kiểm tra,kiểm soát thị trường tại địa phương và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

-    Quản lý và thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức của Chi cục theo phân cấp quản lý cán bộ; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm soátviên; quản lý tài chính, tài sản, ấn chỉ được giao theo quy định; xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết cho hoạt động của toànChi cục và quản lý quĩ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật của lực lượng Quản lý thị trường địa phương.

Chí Nhân