Cơm từ thịt ôi, cá ươn: Lẽ nào sinh viên bị đối xử như thế?

12/10/2011 07:49
Nguyễn Luyến (tổng hợp)
(GDVN) - Chỉ cần một lần chứng kiến quy trình chế biến thực phẩm tại các quán cơm quanh trường ĐH, thực khách sẽ hiểu vì sao cơm sinh viên có giá rẻ đến thế...

Cơm sinh viên nấu cạnh chuồng lợn

Các quán cơm trong khu làng Đại học của ĐH Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức, TP.HCM) - nơi tập trung rất nhiều trường đại học - ngày càng mọc lên như nấm nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của hàng chục ngàn sinh viên đang theo học ở đây.

Thúy An, SV năm 4 - khoa lịch sử, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tâm sự với phóng viên Khoa học Đời sống online: Hồi đầu lên đây học, mình cũng hãi cơm bụi lắm, luôn phải tìm quán nào sạch sẽ mới ăn.

"Thế nhưng, có lần đi vệ sinh nhờ ở một quán cơm được coi là... khá sạch sẽ, mình thấy họ nấu ăn ngay cạnh chuồng lợn. Thế mới biết, mọi thứ chỉ là... khuất mắt dễ ăn thôi!".
Ngổn ngang "hậu trường" một quán cơm sinh viên.
Ngổn ngang "hậu trường" một quán cơm sinh viên.
Tại một quán cơm bình dân “vô danh” ở ngõ 377, Cầu Giấy (Hà Nội), đối lập với sự sạch sẽ bên ngoài, bên trong quán là nền xi măng cáu bẩn, tường đen xì nhày nhụa mỡ. Báo Sinh Viên Việt Nam ghi nhận: Khu bếp nhỏ hẹp chỉ độ khoảng 1.2m2 nhưng lại là nơi tập kết bát đĩa (cả sạch và bẩn) và cũng là địa điểm trung gian để khách có thể đến nhà vệ sinh.

Chỗ rửa bát vỏn vẹn hai chậu rửa và một vòi nước duy nhất đặt ngay cạnh bồn cầu. Bát đĩa rửa xong được để luôn xuống nền xi măng nhòe nhoẹt đất cát. Thi thoảng có khách đi vệ sinh, nhân viên rửa bát phải cuống quýt bỏ bát đĩa đó mà tránh ra ngoài vì mùi hôi xông lên nồng nặc. Khách đi xong, người nhân viên tiiếp tục vô tư đặt bát đĩa tràn lên bệ đặt chân của bồn cầu.

Trên blog cá nhân của một bạn trẻ có tên Tiến Dũng mô tả lại quá trình đột nhập vào một quán cơm trong một con hẻm quận Bình Thạnh (TP.HCM). Bạn Dũng viết: Quán cơm rộng chừng hơn 30m2 nhưng rất đông khách, đa số các bàn đã chật kín. Len lỏi trong đám đông, Tiến Dũng và người bạn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM mới gọi được cho mình mỗi người một suất cơm với giá 15.000 đồng. Phía bên ngoài chiếc tủ kính đựng thức ăn trông có vẻ sạch sẽ, đám sinh viên nhao nhao tranh nhau gọi cơm, vẻ mặt người nào cũng nóng lòng vì đói, mệt.
"Mình thấy họ nấu ăn ngay cạnh chuồng lợn. Thế mới biết, mọi thứ chỉ là... khuất mắt dễ ăn thôi!"
"Mình thấy họ nấu ăn ngay cạnh chuồng lợn. Thế mới biết, mọi thứ chỉ là... khuất mắt dễ ăn thôi!"
Nhìn cảnh này ai còn muốn ăn cơm?!
Nhìn cảnh này ai còn muốn ăn cơm?!

Nhưng khi đi vào “hậu trường” bên  trong, Dũng mới ngỡ ngàng, sửng sốt. Trong khu vực bếp kiêm luôn nhiều chức năng: vừa chế biến, vừa rửa bát, cách đó chừng 4m là cửa nhà vệ sinh còn bỏ ngỏ, dưới nền đất nhầy nhụa nước bẩn, có 3 nhân viên nam đang làm việc.

“Nhìn cái cách mà họ rửa bát đĩa thì tôi đã hết hồn rồi, chỉ trong thời gian ngắn mà cậu thanh niên làm trong quán rửa một lúc một chồng bát đĩa khổng lồ, với một cái xô chứa đầy xà bông, cậu thanh niên đó chỉ cần nhúng đĩa dơ vào rồi lấy ra, cho vào một thau nước ngà ngà đục, vớt lên lấy khăn lau bàn có màu cháo lòng lau sơ qua rồi đem ra đựng cơm cho mọi người chén" - Tiến Dũng than thở.

Nguyên liệu là thịt lợn chết?


6 giờ sáng, phóng viên báo Sinh viên Việt Nam có mặt tại khu bán thịt lợn trong chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội). Giá thịt lợn tươi tại đây thấp hơn so với giá thị trường từ 25.000 đồng/kg tới 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi được ngỏ ý muốn đặt mối cho quán cơm sinh viên, một bà chủ hàng thịt vừa đưa ra một tảng ba chỉ mềm oặt, trắng nhợt vừa nhiệt tình tư vấn: “Bán cho sinh viên chỉ nên mua hàng lợn chết chưa lâu này, mã vẫn còn đẹp, không có mùi hôi, giá từ 60.000 đồng/kg  đến 70.000 đồng/kg. Còn muốn loại 40.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg cũng có nhưng thịt đã chảy nước và bốc mùi hôi gây”.
Mấy ai biết được thịt trong bữa cơm sinh viên lại là thịt lợn chết?!
Mấy ai biết được thịt trong bữa cơm sinh viên lại là thịt lợn chết?!

Một chủ hộ khác tên Đạt – quê Hà Đông, kinh doanh thịt lợn tại chợ Đền Lừ đã nhiều năm xác nhận: “Các quán cơm sinh viên thường xuyên lấy lợn chết của anh để làm món rang, kho với giá dao động từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg. Thịt xay giá thấp hơn, từ  40.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg do có độn thêm mỡ vụn hoặc hàng “kém chất lượng”. Hầu như không hàng bình dân nào chế biến món luộc vì bắt buộc phải mua thịt mới với giá thành đắt hơn”.

Được biết, lợn bán ở đây thường chết do bị ngạt trong quá trình vận chuyển hoặc chết bệnh, người chăn nuôi bán tháo cho các đầu nậu với giá 10.000 đồng/kg trong khi giá lợn sống thu mua tại chuồng đã dao động từ 65.000 - 75.000 đồng/kg.
Theo các hộ kinh doanh, các chợ đầu mối: Gà nấu ăn cho quán cơm sinh viên chủ yếu nhập từ 2 loại: Gà công nghiệp và gà đông lạnh với mức giá cực rẻ.
Theo các hộ kinh doanh, các chợ đầu mối: Gà nấu ăn cho quán cơm sinh viên chủ yếu nhập từ 2 loại: Gà công nghiệp và gà đông lạnh với mức giá cực rẻ.

Chưa hết sốc vì thịt lợn, phóng viên không khỏi giật mình khi tiếp tục tìm hiểu về giá cả và nguồn gốc các loại gà vẫn nhập cho quán cơm sinh viên. Theo các hộ kinh doanh, chợ đầu mối Đền Lừ chủ yếu nhập hai loại gà là gà công nghiệp và gà đông lạnh. Gà công nghiệp được nuôi bằng cám tăng trưởng có giá bình quân từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Gà đông lạnh Trung Quốc nhập lậu qua biên giới giá rẻ hơn một nửa, từ 40.000 tới 45.000 đồng/kg nên hầu hết các hàng ăn sinh viên sử dụng loại này.

Anh Hoàng – người chuyên giao gà cho các quán cơm ở khu vực Cầu Giấy tiết lộ: “Hàng đông lạnh nhập từ cửa khẩu rồi đổ về tới quán cơm thì thời gian đã lên tới hàng tuần, đã bốc mùi. Còn loại gà như trong lô hàng 90 tấn mới bị lực lượng chức năng bắt ở Quảng Ninh muốn lấy bao nhiêu cũng có, giá từ 30.000 đồng/kg – 40.000 đồng/kg”.
Ngoài thịt heo, các loại thịt bò, cá cũng được chủ quán sử dụng chất bột màu trắng trên để ướp, khử mùi ươn trước khi cho vào chảo chế biến.
Ngoài thịt heo, các loại thịt bò, cá cũng được chủ quán sử dụng chất bột màu trắng trên để ướp, khử mùi ươn trước khi cho vào chảo chế biến.
Cảnh nhớp nháp phía dưới bàn đựng đồ ăn, ruồi bu đen kịt không còn là chuyện hiếm thấy ở các quán cơm bình dân.
Cảnh nhớp nháp phía dưới bàn đựng đồ ăn, ruồi bu đen kịt không còn là chuyện hiếm thấy ở các quán cơm bình dân.

Không chỉ sử dụng nguyên liệu kém chất lượng trong quá trình chế biến thức ăn, tại các quán ăn bình dân cho sinh viên hay người lao động nghèo, công đoạn rửa bát cũng phải nhờ chất tẩy rửa phụ trợ.

Lân la hỏi về nguồn gốc dầu rửa bát, chị chủ quán của một cửa hàng cơm sinh viên nằm sát cạnh trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội trên đường Dương Quảng Hàm, bình thản nói với phóng viên Sinh Viên Việt Nam: “Cái này mua can 5 lít về, pha với thuốc tẩy javel theo tỉ lệ 2:1 rồi rửa thôi, không phải kì cọ nhiều mà sạch lắm”.

Với loại thuốc tẩy này, quy trình rửa bát của quán đơn giản chỉ là 3 bước: nhúng xuống - nhấc lên và lau khô. Có lẽ đã quá quen với cách làm này nên khi thấy nhân viên của mình tráng bát kĩ càng, chị chủ luôn miệng nhắc nhanh tay rồi nói lớn:  “Nhúng qua rồi lau là được rồi, kì cọ làm gì cho vất vả ra”?!

Kinh hoàng... lẩu

Tận mắt chứng kiến cách pha chế nước lèo, phóng viên báo Người Lao động mô tả: Công nghệ nấu lẩu tại các quán nhậu ở Làng Đại học Thủ Đức (TP. HCM) mới thấy thật rùng rợn! Nước lèo đều được chủ quán chế biến vào đêm trước, khi có khách, nhân viên chỉ việc lấy đổ vào nồi lẩu, sau đó tùy thuộc vào từng loại lẩu mà cho thêm thực phẩm, gia vị.
Chân gà được hầm trong một chảo nước dơ để làm lẩu chân gà.
Chân gà được hầm trong một chảo nước dơ để làm lẩu chân gà.

Tại quán lẩu 7…, nguyên liệu để nấu nước lẩu là một ít xương heo được mua trước đó vài ngày. Một nồi nước lèo màu vàng đục từ hôm qua để lại được bà chủ dùng vợt vớt phần bọt ra rồi bỏ thêm vào vài cục xương. Sau khi nước lẩu sôi, nếm thấy mùi vị chưa như ý, bà chủ cho thêm vào 2 viên màu trắng (giống như viên long não) và một ít bột màu làm cho nước lèo trở nên bắt mắt, tỏa mùi thơm ngon.

Nửa đêm về sáng, khi nồi nước lèo đã cạn dần nhưng khách vào quán vẫn đông, chủ quán liền bỏ thêm một ít bột màu, một ít bột trắng, một ít gia vị như đường, bột ngọt cùng một xô nước múc từ trong bể, cho thêm vài cục xương đang để sẵn bên ngoài vào, thế là có thêm một nồi nước lèo mới. Mỗi khi khách vào, chủ quán chỉ múc vài gáo cho vào nồi lẩu mang ra, khách ăn nhưng không hề hay biết nó được chế biến rất dơ dáy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những viên bột màu trắng mà chủ các quán lẩu hay sử dụng để pha chế nước lèo có giá khá rẻ, chỉ 10.000 đồng là mua được một bịch 70 viên. Mỗi nồi nước lèo từ 10 đến 15 lít nước chỉ cần 3-5 viên là ngọt như nước hầm xương.

Giấy chứng nhận VSATTP chỉ với 2 - 3 triệu đồng

Thông tin trên trang Khoa học Đời Sống online tiết lộ: Các chủ quán cơm có thể có trong tay giấy chứng nhận VSATTP chỉ với giá rất hời: từ 2 - 3 triệu đồng.

Tại quán N.H (quận 12, TP. HCM) được duyệt vào dạng "sang trọng, lịch sự", ngay trên tường của quán là giấy chứng nhận quán đủ tiêu chuẩn VSATTP cùng 5 giấy chứng nhận của 5 người đã tham gia lớp tập huấn về VSATTP. Nhân viên của quán, có đeo khẩu trang nhưng kéo xuống đến tận cổ để dễ trao đổi với khách hàng, mũ trùm đầu thì người đội người không, bao tay thì không thấy tăm hơi cái nào.

“Có cái giấy chứng nhận VSATTP, khách người ta yên tâm mà ăn hơn”, chủ quán bật mí.
Không quá khó khăn để các chủ quán cơm 'kiếm' được giấy thông hành - chứng nhận VSATTP.
Không quá khó khăn để các chủ quán cơm 'kiếm' được giấy thông hành - chứng nhận VSATTP.
Chủ quán tiếp tục mách nước: Để có cái giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thì chỉ cần đi học 1 tháng là có. Nếu không muốn mất thời gian thì đóng 2-3 triệu gì đó là có thể mua được. Còn giấy phép kinh doanh, chỉ 50 ngàn đồng có ngay.

Để "yên thân" mà kinh doanh thì cũng nên biết quan hệ tốt với bên quản lí thị trường và bên kiểm tra VSATTP. Mỗi lần “nó” tới thì đóng cho "nó" khoảng 200 ngàn nếu quy mô của quán dưới 200 bàn ăn, 100 ngàn nếu quy mô của quán dưới 100 bàn ăn.

“Em nghĩ thế là rẻ, thực tế không rẻ đâu, 1 tháng mà họ kiểm tra mình vài lần là lỗ chứ chẳng chơi” - vị chủ quán phân bua!

Nguyễn Luyến (tổng hợp)