Con trai Hồ Diệu Bang cảnh báo nguy cơ trượt lại thời Cách mạng Văn hóa

15/04/2015 09:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông đã kết thúc thảm họa Cách mạng Văn hóa, chấm dứt đấu tranh giai cấp, tập trung xây dựng đất nước, dân chủ và pháp luật.
Ông Hồ Đức Hoa, con trai cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang. Ảnh: SCMP.
Ông Hồ Đức Hoa, con trai cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang. Ảnh: SCMP.

South China Morning Post ngày 15/4 đưa tin, 26 năm sau cái chết của Hồ Diệu Bang, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Đức Hoa con trai út của ông nói rằng nhà lãnh đạo này sẽ được nhớ đến vì đã cố gắng đưa Trung Quốc vào con đường dân chủ, pháp quyền. Hồ Đức Hoa cảnh báo nguy cơ Trung Quốc có thể trượt lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Nói với South China Morning Post trước dịp kỷ niệm ngày giỗ của cha, Hồ Đức Hoa cho rằng di sản cha ông để lại bao gồm giải phóng con người khỏi những đau khổ của Cách mạng Văn hóa và đưa Trung Quốc vào một kỷ nguyên mới của cải cách. "Ông đã kết thúc thảm họa Cách mạng Văn hóa, chấm dứt đấu tranh giai cấp, tập trung xây dựng đất nước, dân chủ và pháp luật để mọi người không còn bị buộc tội vì những gì họ nói. Vì vậy hôm nay chúng ta không nên đi ngược lại điều này".

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã có nhiều khẩu hiệu giống với thời Mao Trạch Đông. Ông cũng đã lên án lý tưởng dân chủ phương Tây, Tập Cận Bình cũng đã nói rằng không nên lấy lịch sử sau cải cách để phủ nhận những năm trước cải cách. Nhiều người xem phát biểu này là một dấu hiệu về sự chứng thực của Tập Cận Bình đối với tư tưởng Mao Trạch Đông.

Hồ Diệu Bang được nhớ đến nhiều nhất với tư duy tự do của ông, giải phóng Trung Quốc khỏi chủ nghĩa giáo điều, nhưng lại dẫn đến kết cục bị buộc phải rời vị trí lãnh đạo tối cao nhường chỗ cho Đặng Tiểu Bình vào tháng Giêng năm 1987. Hồ Đức Hoa nói ông rất biết ơn nếu đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày sinh cha mình tháng 11 này. Nhưng điều đó không dẫn đến việc đảo ngược bản án chính thức năm 1987 kết luận rằng Hồ Diệu Bang đã "phạm sai lầm nghiêm trọng".

"Kỷ niệm ngày sinh của ông không có nghĩa là xem lại bản án của ông. Ông vẫn là một nhà lãnh đạo bị lật đổ vì có những sai lầm nghiêm trọng" theo quan điểm của Trung Nam Hải, Hồ Đức Hoa cho biết. Ông Bang đã bị "thanh trừng vì cổ súy tự do tư sản" và quá khoan dung với những cuộc biểu tình của sinh viên năm 1986 kêu gọi tự do và dân chủ.

Hồ Diệu Bang qua đời ngày 15/4/1989 sau một cơn đau tim. Hàng trăm người mang theo hoa xuống đường phố tưởng niệm ông. Cuộc tưởng niệm dần biến thành cuộc biểu tình và kết thúc vào ngày 4/6 với sự kiện Thiên An Môn mà truyền thông nhà nước Trung Quốc từ đó về sau không được phép nhắc đến.

Năm 2005 Trung Quốc kỷ niệm 90 năm ngày sinh Hồ Diệu Bang ở cấp độ thấp và khép kín tại Đại lễ đường Nhân Dân, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng tham dự. Ông Hồ Cẩm Đào vắng mặt trong sự kiện này. Hồ Đức Hoa không chắc nhà lãnh đạo đương nhiệm nào của Trung Quốc sẽ tham dự lễ kỷ niệm năm nay.

Nhà bình luận chính trị Ching Cheong cho rằng, Trung Quốc kỷ niệm ngày sinh của Hồ Diệu Bang mà không xem lại vụ việc, khôi phục danh dự cho ông là vì cố gắng tránh chủ đề sự kiện Thiên An Môn 4/6. Trong khi Hồ Diệu Bang chống lại chủ nghĩa giáo điều thì Tập Cận Bình đang muốn hồi sinh chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Vấn đề còn lại dư luận đang chờ xem là Tập Cận Bình có tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Diệu Bang hay không.

Hồng Thủy