Con trai Nguyên soái Trung Quốc Trần Nghị "lộ thiên cơ"

11/02/2015 13:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Hiện tượng "con ông cháu cha" lũng đoạn chính trường cũng như nền kinh tế Trung Quốc chính là di chứng, hậu quả của hiện tượng đặc quyền đặc lợi, tham nhũng.
Trần Tiểu Lỗ, con trai Trần Nghị - Nguyên soái, ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc.
Trần Tiểu Lỗ, con trai Trần Nghị - Nguyên soái, ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc.

Đa Chiều ngày 9/2 bình luận, vụ việc Cao Ngọc con trai đương kim Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành được tập đoàn tài chính quốc tế Hoa Kỳ JPMorgan Chase tuyển dụng, Ôn Như Xuân con gái cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài...đang dấy lên sự chú ý của dư luận Trung Quốc về thế hệ "hạt giống đỏ thứ 2" của Trung Nam Hải.

Trên thực tế, hiện tượng "con ông cháu cha" lũng đoạn chính trường cũng như nền kinh tế Trung Quốc chính là di chứng, hậu quả của hiện tượng đặc quyền đặc lợi, tham nhũng hủ hóa tự nảy sinh trong lòng xã hội Trung Quốc. Nhóm đối tượng này đang trở thành tâm điểm của chiến dịch đả hổ đập ruồi giai đoạn tiếp theo, chưa chắc đã phải là một cuộc đấu tranh chính trị như một số quan điểm bình luận.

Hậu Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch - 4 con hổ lớn bị xử lý, Tập Cận Bình đã hoàn thành giai đoạn đầu của cuộc chiến đả hổ đập ruồi, trong đó "bè lũ 4 tên" thời đại mới này được lôi ra "làm điểm" đột phá chống tham nhũng trong đảng, bộ máy nhà nước, quân đội, xã hội, nền kinh tế.

Bây giờ đã bắt đầu bước vào giai đoạn hai, "đập hổ nhỏ, diệt cáo, diệt ruồi". Câu chuyện con trai Trần Nghị - một trong 10 nguyên soái Trung Quốc và là Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng, Trần Tiểu Lỗ làm "tư vấn" cho tập đoàn bảo hiểm An Bang đã "tiết lộ thiên cơ" về chuyện lũng đoạn của giới "con ông cháu cha" Trung Nam Hải đối với hoạt động chính trị - kinh tế Trung Quốc.

Trần Tiểu Lỗ tiết lộ "thiên cơ"

Vụ Cao Ngọc được tập đoàn tài chính Mỹ JPMorgan Chase tuyển dụng đã cho dư luận thấy một phương thức giới doanh nghiệp và chính trị cấu kết làm ăn như thế nào. Theo truyền thông người Hoa hải ngoại, mặc dù lúc phỏng vấn Cao Ngọc ấp a ấp úng, nhưng vẫn được JPMorgan Chase nhận vào làm. Không bao lâu sau tập đoàn này dọa đuổi Cao Ngọc, thì Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành buộc phải ra mặt hứa sẽ giúp JPMorgan Chase "một số việc".

Ôn Như Xuân, con gái cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Ôn Như Xuân, con gái cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Cũng tập đoàn này từ năm 2006 đến 2008 đã chi tổng cộng 1,8 triệu USD cho Ôn Như Xuân, con gái Ôn Gia Bảo để mời bà Xuân làm "cố vấn" và kiếm được nhiều lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc dựa vào mối quan hệ với con gái Thủ tướng.

Trần Tiểu Lỗ khi làm "cố vấn" cho tập đoàn An Bang vấp phải chỉ trích gay gắt từ dư luận đã tuyên bố, Lỗ cùng với Ngô Tiểu Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Bang có gần 15 năm hợp tác, nhưng Lỗ chỉ là cố vấn, tư vấn, hoàn toàn không có cổ phần tại An Bang, không ăn lương An Bang và không tham gia vào bất kỳ công việc kinh doanh cụ thể nào của tập đoàn này.

Tuy nhiên mọi biện hộ của Lỗ không được dư luận chấp nhận. Cái gọi là "tư vấn" cho doanh nghiệp mà Trần Tiểu Lỗ đưa ra đã phản ánh rõ nét thủ đoạn cũng như "bản lĩnh" của tầng lớp "con ông cháu cha" hạt giống đỏ Trung Nam Hải. Họ chuyên khai thác lợi thế sẵn có của thân phận và mối quan hệ, dùng nguồn tin có được để "tư vấn" cho giới doanh nghiệp và mưu lợi. Bản thân những "hạt giống đỏ" này cũng chính là đối tượng cấp dưới cha anh họ muốn lôi kéo, tạo quan hệ.

Có quan hệ với những "con ông cháu cha" cỡ như Trần Tiểu Lỗ, Ôn Như Xuân, Cao Ngọc có thể giúp giới làm ăn gặt hái được 2 hiệu quả tực thì. Đầu tiên là tiếp xúc được với nguồn tin cơ mật một cách kịp thời nhất, trực tiếp nhất, chân thực nhất và ở tầm chiến lược nhất. Điều này sẽ giúp họ thu lời rát lớn, đặc biệt là với những nguồn tin về vận hành của hệ thống tài chính ngân hàng Trung Quốc.

Thứ hai, thông qua kết giao với cánh "hạt giống đỏ" của Trung Nam Hải, giới làm ăn còn mở rộng được quan hệ với các "VIP" là các doanh nhân, "ông lớn" khác tạo ra các nhóm lợi ích lũng đoạn. Con cái các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đương nhiệm cũng như nghỉ hưu được săn đón như vậy chính là bởi xuất thân đặc biệt của họ.

Tầng lớp "hạt giống đỏ" Trung Nam Hải thế hệ thứ 2 nhờ đặc quyền đặc lợi đã tạo thành mạng lới tập đoàn lợi ích, gốc rễ ăn sâu, sức mạnh chính trị tiềm ẩn cũng như khả năng uy hiếp của họ không phải con cháu quan chức nào cũng có được. Các doanh nghiệp, nhóm lợi ích nào có họ đứng sau chống lưng sẽ có sức "công phá thương trường" cực lớn.

Sở dĩ tập đoàn An Bang chỉ trong vài năm đã trở thành "cá sấu khổng lồ" trong làng tài chính Trung Quốc không thể tách rời vai trò "tư vấn" của Trần Tiểu Lỗ. Lưu Hán, một đại gia vừa bị Trung Quốc tuyên án tử hình đã từng được Chu Vĩnh Khang gọi điện cho Bạch Ân Bồi, Bí thư Vân Nam ngày trước dặn dò "nhớ quan tâm, giúp đỡ" cũng là một ví dụ.

"Hạt giống đỏ" Trung Nam Hải có máu mặt gồn những ai?

Đa Chiều cho rằng, thực tế tầng lớp "hạt giống đỏ" ở Trung Quốc có thể chia thành 3 nhóm. Thứ nhất là những người trực tiếp tham gia thương trường và trở thành lãnh đạo chủ chốt các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Nhóm này có "chị cả điện lực" Trung Quốc Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng, Chu Vân Lai - con trai cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, Ôn Vân Tùng - con trai cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Lý Tiểu Lâm con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng, được mệnh danh là "chị cả điện lực" Trung Quốc.
Lý Tiểu Lâm con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng, được mệnh danh là "chị cả điện lực" Trung Quốc.

Đây cũng là nhóm "hạt giống đỏ" bị dư luận "soi" nhiều nhất và gây tranh cãi nhất. Nhóm thứ hai được gọi là "đầu cơ chính trị", lợi dụng quan hệ "kiếm ăn" trong cả chính giới lẫn giới làm ăn. Lý Tiểu Bằng, con trai cựu Thủ tướng Lý Bằng từ kinh doanh nhảy sang làm chính trị trở thành gương mặt tiêu biểu cho nhóm này.

Nhóm thứ ba điển hình là Trần Tiểu Lỗ, giấu mặt sau rèm, ngầm liên kết với cánh doanh nghiệp, bán tin kiếm ăn và tạo ra một mạng lưới lợi ích nhóm cực kỳ phức tạp và ít khi bộc lộ dấu vết. Nhóm này ngoài Trần Tiểu Lỗ còn có Đặng Trác Nhuế - cháu ngoại Đặng Tiểu Bình, Chu Vân Lai con trai Chu Dung Cơ. Trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch đả hổ đập ruồi, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng lực lượng "hạt giống đỏ" thế hệ 2 sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của chiến dịch.

Đối tượng tiếp theo của chiến dịch chống tham nhũng cũng có thể sẽ bao gồm Trần Tiểu Hân - con dâu cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương, Nhiệm Khắc Anh - con gái cựu Bí thư Quảng Đông Nhiệm Trọng Di, Phùng Thiệu Đông - con rể ông cựu Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, Hồ Tri Chí - cháu gái lớn của cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Lý Chấn Trí - con trai cựu Phó Thủ tướng Lý Thụy Hoàn, Đường Hiểu Ninh - con trai cựu Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính ngân hàng Trung Quốc Đường Song Ninh...

Theo Đa Chiều, nếu để tình trạng con ông cháu cha lũng đoạn kéo dài không chỉ làm gia tăng trình trạng tham nhũng hủ bại trong bộ máy cầm quyền, mà còn rất dễ đe dọa đến an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia.

Hồng Thủy