"Công an không dễ gì tin ngay vào lời khai vứt xác phi tang của Tường"

31/10/2013 11:15
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - “Diễn biến của tình hình lúc đó làm anh ta sốc, và khi bị sốc thì con người không thể làm được gì sáng suốt cả. Bác sĩ Tường rơi vào hoảng loạn, sợ hãi cao độ và dẫn tới hành động độc ác không ai ngờ tới đó là mang xác nạn nhân đi phi tang” - Thượng tá, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Tổ trưởng tổ Bộ môn Tâm lý - Học viện An ninh Nhân dân phân tích.

Hành động “khó hiểu” của BS Tường qua góc nhìn của chuyên gia tâm lý

Những ngày qua, dư luận cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc bác sĩ (BS) Nguyễn Mạnh Tường, chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường (45 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã ném xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền xuống sông sau khi thấy chị này tắt thở qua cuộc phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực tại trung tâm của mình.

Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra - Ảnh: Hà An (Thanh Niên)
Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra - Ảnh: Hà An (Thanh Niên)

Nguyên nhân nào khiến một BS có hơn chục năm kinh nghiệm, công tác tại một bệnh viện uy tín lại có hành động hồ đồ, dã man như vậy? Đó là băn khoăn, trăn trở của không ít người. Để phân tích diễn biến tâm lý của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường dẫn đến hành vi che giấu phạm tội của mình một cách nhẫn tâm man rợ. Qua góc nhìn của Thượng tá, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Tổ trưởng tổ Bộ môn Tâm lý -  Học viện An ninh Nhân dân sẽ phần nào giúp cho độc giả hiểu hơn về việc này.

Nói về việc từ trước đến nay, nhiều vụ án kẻ phạm tội cũng phi tang hết sức dã man nhưng dư luận chú ý theo dõi từng thông tin nhỏ từ vụ việc bác sĩ thẩm mỹ gây chết người. Vì sao có sự khác chú ý đặc biệt của dư luận như thế? Thượng tá Hưởng cho rằng, nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân chính khiến dư luận bất ngờ vì vị bác sĩ đã có hơn 10 năm kinh nghiệm lại hành động vừa nhẫn tâm, thất đức lại vừa quá dã man như vậy.

Theo ông Hưởng, trong suy nghĩ của phần đông mọi người, BS Tường, một người ở độ tuổi 40, có trình độ, có kinh nghiệm nghề nghiệp không thể nào lại có hành động vô ý giết người rồi vứt xác phi tang. Sự chú ý đặc biệt của dư luận về vụ việc còn bắt nguồn từ những lý do như: Sự việc xảy ra ở giữa trung tâm thủ đô, BS Tường lại là cán bộ của một trong những bệnh viện có uy tín nhất nước là bệnh viện Bạch mai, hành động phạm tội của Tường có đồng phạm, có nhiều người chứng kiến nhưng không tố giác tội phạm….

Dư luận xã hội còn sửng sốt khi biết tin Thẩm mỹ viện Cát Tường vi phạm các quy định về chuyên môn ngay trường mắt các cơ quan quản lý. 

Với hơn 20 năm giảng dạy về tâm lý tội phạm, theo nhận định của Thượng tá Hưởng, tâm lý của BS Tường trong trường hợp giải quyết hậu quả là trạng thái tâm lý chung của người phạm tội.

Ông Hưởng cho biết, quy luật chung ở người phạm tội trạng thái tâm lý căng thẳng cả trước, trong và sau khi phạm tội.

Căng thẳng tâm lý ở người phạm tội nhiều hay ít do các yếu tố như tính chất hành vi phạm tội, dư luận xã hội, hoạt động của cơ quan điều tra quy định. Người phạm tội có kinh nghiệm (chẳng hạn như đã có tiền án, tiền sự) thì tâm lý bớt căng thẳng hơn hẳn so với người phạm tội lần đầu. Thông thường phạm tội do lỗi cố ý bớt căng thẳng hơn so với vô ý phạm tội.

Về con người của BS Tường, Thượng tá Hưởng nhận định rằng, BS Tường là con người rất tự tin về chuyên môn. Thông thường những người tự tin thì chuyên môn, nghiệp vụ rất vững. Họ thường mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, thậm chí khi chuyển sang làm những lĩnh vực khác họ cũng tin rằng sẽ làm tốt.

Người tự tin thường được xếp vào nhóm những người kiểm soát hoàn cảnh, tình huống, còn người tự ti thì ngược lại, họ bị tình huống tác động.

“Tôi cho rằng thời gian từ tháng 3 đến nay, tại thẩm mỹ viện Cát Tường có thể có những ca tai biến đối với khách hàng nhưng chưa nặng lắm và  Bác sĩ Tường với sự tự tin, với kinh nghiệm nghề nghiệp và sự giúp đỡ của đồng nghiệp tại các bệnh viện công và tư đã xử lý ổn thoả, không để lại hậu quả nghiêm trọng. Điều đó có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, tự mãn ở bác sĩ Tường.

Anh ta nghĩ rằng mình có đủ năng lực xử lý những tai biến do phẫu thuật  thẩm mỹ gây ra. Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Điều không mong đợi nhất, điều nằm ngoài trí tưởng tưởng tượng đã xảy ra: chị H đã bị chết do chính bàn tay của Tường khi thực hiện thủ thuật hút mỡ bụng, nâng ngực cho khách hàng.

Diễn biến của tình hình lúc đó làm anh ta sốc, và khi bị sốc thì con người không thể làm được gì thông minh cả. Bác sĩ Tường rơi vào hoảng loạn,  sợ hãi cao độ và dẫn tới hành động mà mọi người đều đã biết”, Thượng tá Hưởng nói.

"Công an không dễ gì tin ngay vào lời khai ban đầu đó của Tường"

Thượng tá, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Tổ trưởng tổ Bộ môn Tâm lý - Học viện An ninh Nhân dân (Ảnh Viết Cường)
Thượng tá, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Tổ trưởng tổ Bộ môn Tâm lý -  Học viện An ninh Nhân dân
(Ảnh Viết Cường)

Chuyên gia tâm lí của Học viện An ninh nhân dân phân tích thêm: “Theo dõi vụ việc tôi thấy nhiều người đặt câu hỏi, tại sao bác sĩ Tường không đưa bệnh nhân vào BV Bạch Mai ngay gần đó để cấp cứu mà lại làm việc ngu ngốc và dã man như thế. Tôi nghĩ, anh ta không làm như vậy vì hai lý do: Sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình, sợ trách nhiệm. Cho phép tôi phỏng đoán tâm lý của bác sĩ Tường trong tình huống chị Huyền bị tai biến:

Khi chị Huyền mới có biến chứng nhẹ, nếu Tường ngay lập tức đưa vào bệnh viện cấp cứu thì dễ có nguy cơ bị đồng nghiệp coi thường trình độ, khách hàng mất niềm tin, điều này trái với tính cách của anh ta. Một thông tin chưa được kiểm chứng là Tường được vợ khuyên nên đưa chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu nhưng anh ta không nghe cứ làm theo ý mình.

Còn khi chị Huyền đã bị biến chứng nặng, có nguy cơ tử vong, nếu bác sĩ Tường đưa vào bệnh viện cấp cứu thì có khác gì việc tự tố cáo mình là người gây ra tai biến đó. Tâm lý sợ trách nhiệm cũng là một trong những lý do khiến Tường không đưa chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu”.

Về động cơ dẫn đến hành vi  phi tang, đẩy xác chị Huyền xuống sông Hồng của Tường, Thượng tá Hưởng cho rằng, hành vi của y chính là muốn trốn tránh trách nhiệm hình sự, che giấu hành vi phạm tội vô ý giết người của bản thân trước đó.

"Ở đây có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi phi tang của BS Tường. Nguyên nhân chủ quan là do bản thân người thầy thuốc không ý thức đầy đủ, trách nhiệm của mình, thiếu ý thức rèn luyện phẩm chất, kỹ năng, thái độ, phẩm chất nghề nghiệp. Nguyên nhân khách quan thì có nhiều: Công tác quản lý đội ngũ thầy thuốc lỏng lẻo, chế độ chính sách tiền lương chưa hợp lý với lao động ngành y, tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường….", Thượng tá Hưởng nói.

Nói thêm về diễn biến tìm thi thể chị Huyền. Sau nhiều ngày không có kết quả, dư luận đang hoài nghi lời khai của BS Tường, có khi nào BS Tường không đẩy xác nạn nhân xuống khu vực đó mà đem đi đâu, hoặc BS này lại chặt thi thể chị Huyền ra làm nhiều phần rồi ném rải rác ở nhiều nơi…?

Về những nghi vấn này, Thượng tá Hường quả quyết: “Các bạn cứ yên tâm. Công an không dễ gì tin ngay vào lời khai ban đầu đó của Tường. Họ vẫn sẽ tiếp tục điều tra, lấy lại lời khai nhiều lần từ Tường và từ những người khác có liên quan đến vụ việc”.

Qua sự việc đau lòng trên, vị chuyên gia tâm lý ngành công an cho biết, ông rất đồng tình với nhiều ý kiến nhận định rằng, việc giáo dục y đức cho nhân viên y tế ở nước ta vẫn mang nặng tính hàn lâm, chưa sát với thực tiễn. Chúng ta vẫn chủ yếu đề ra những yêu cầu, thậm chí rất cao đối với người thầy thuốc, đòi hỏi họ phải là những người  thánh thiện, trong khi xã hội chưa có nhiều người như vậy.

Chúng ta mới chủ yếu giáo dục y đức bằng cách tác động vào nhận thức, chứ chưa tác động vào thái độ, vào tình cảm và nhất là hành động. Y đức của người thầy thuốc không chỉ thể hiện ở việc nhận thức việc gì nên, việc gì không nên làm mà còn thể hiện ở thái độ, hành động khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, khi giao tiếp ứng xử với người bệnh.

Ông nói thêm, phương pháp tối ưu trong giáo dục đạo đức nói chung và y đức nói riêng là phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, giảng dạy theo tình huống. Nên soạn thảo, hệ thống hoá các tình huống liên quan đến y đức để sinh viên, các bác sĩ tương lai được thực hành. Thực hành nhiều thành kỹ năng, thành thói quen. Khi gặp những tình huống, hoàn cảnh phức tạp người thầy thuốc chắc chắn sẽ thể hiện được y đức, giữ gìn được danh dự, uy tín của  bản thân, của nghề nghiệp

Ngoài ra nêu gương( gương tốt, gương xấu) cũng là phương pháp có hiệu quả trong giáo dục y đức.

VIẾT CƯỜNG