Công khai chuẩn đầu ra, tránh đánh lừa xã hội

14/01/2017 07:04
An Nguyên
(GDVN) - Hiện nay, chuẩn đầu ra của các trường đại học rất chung chung, chưa minh bạch và dễ đánh lừa xã hội.

Chuẩn đầu ra là một vấn đề được rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo các trường Đại học quan tâm và góp ý tại hội nghị “nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” do Bộ GĐ&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng mới đây.

Các trường đang đánh lừa xã hội

Phát biểu trước gần 300 lãnh đạo các trường đại học trên toàn quốc, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay đang có thực trạng hầu như các trường có chuẩn đầu ra giống hệt nhau.

GS.TS Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM (người đứng) cho rằng không thể cào bằng chuẩn đầu ra của tất cả các nghành nghề. Ảnh: An Nguyên
GS.TS Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM (người đứng) cho rằng không thể cào bằng chuẩn đầu ra của tất cả các nghành nghề. Ảnh: An Nguyên

“Cái chuẩn đầu ra là cái tuyên ngôn của trường với xã hội mà trường nào cũng giống trường nào”.

Cũng theo thầy Minh, điều này là không thể chấp nhận được và phải có cơ chế quản lý thật chặt chẽ để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

Đại học tự chủ: Giải trình và chịu trách nhiệm với xã hội như thế nào?

Đại học tự chủ: Giải trình và chịu trách nhiệm với xã hội như thế nào?

Đồng quan điểm, GS.TS. Đặng Kim Vui - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng cho rằng, các trường phải minh bạch thông tin đối với xã hội trong vấn đề “3 công khai”.

Còn các cơ quan quản lý thì phải kiểm tra thật gắt gao vấn đề “3 công khai” này nhằm đảm bảo sự minh bạch và tránh gian dối.

“Tôi cho rằng, cái 3 công khai trên website của các trường là rất đẹp nhưng đi vào thực tế thì không phải như vậy”.

GS. Vui cho rằng, đây là một sự gian dối và các trường đang “đánh lừa xã hội”.

Trường nào không công khai Bộ sẽ công khai

Trong vấn đề này, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phê phán, “gần 300 trường đại học, Bộ không thể đi hết được. Ba công khai đưa lên rất lóng lánh, làm sao Bộ quản hết được”.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, việc minh bạch ba công khai sẽ là cơ sở để các trường phát triển chất lượng bền vững lâu dài, chứ không phải là để giấu giếm.

Từ đó, ông yêu cầu các trường phải nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội và cái tâm để công khai minh bạch và chính xác.

“Tôi muốn các đồng chí phải chủ động để chuẩn về quy mô. Bộ tăng cường quản lý sự minh bạch, đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể.

Chuẩn đầu ra của các trường đại học chỉ để đối phó?

Chuẩn đầu ra của các trường đại học chỉ để đối phó?

Ba công khai tới đây chúng ta không quá cầu toàn nhưng Bộ sẽ tập trung một số yếu tố chẳng hạn như: đội ngũ là công khai rất chính xác, cơ sở vật chất cũng công khai” ông Nhạ nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý them: “Tôi yêu cầu các trường dù đúng hay chưa đúng (vì còn phải kiểm định chất lượng mới biết) nhưng khi Bộ yêu cầu công khai thì phải thực hiện.

Còn trường nào không công khai thì tôi sẽ chỉ đạo bộ phận quản lý chất lượng công khai cho xã hội biết trường đấy. Như vậy, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Trường đó.

Tôi chỉ cần công khai là trường này tỷ lệ giáo viên rất ít và tiến sĩ rất dỏm. Trong khi đấy thì tuyển sinh rất nhiều.

Lúc đó, học sinh vào rồi nhưng rút ra đấy. Không thể vơ đến tận cùng. Chúng ta phải công khai” Bộ trưởng nói.

Không thể cào bằng chuẩn đầu ra

Liên quan đến chuẩn đầu ra, GS.TS Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM phân tích, chúng ta không thể cào bằng chuẩn đầu ra của tất cả các ngành nghề.

Gs Nguyễn Minh Thuyết đề xuất 7 giải pháp đổi mới Giáo dục

Gs Nguyễn Minh Thuyết đề xuất 7 giải pháp đổi mới Giáo dục

Bởi mỗi ngành nghề có một đặc thù riêng. Và mỗi đặc thù đó được thể hiện ở hiệp hội các nghành nghề ấy.

Từ đó, GS.Quỳ kiến nghị: “Trong kiểm định, tôi cho rằng rất cần thiết có sự tham gia bắt buộc của các hiệp hội. Chúng ta phải đặt hàng họ để họ cho chúng ta cái chuẩn đầu ra.

Hiện nay các trường đại học tự mình làm chuẩn đầu ra. Nhưng thật ra hiệp hội nghành nghề là những người họ biết về cái nghề này rõ nhất.

Ví dụ như ở Mỹ: riêng vấn đề hành nghề Luật thì Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ nó đóng vai trò quyết định và nó làm tất cả vấn đề này.

Cứ 7 năm 1 lần là nó làm kiểm định. Tính chất của cuộc kiểm định là công khai, minh bạch đối với cơ sở đào tạo Luật”.

Có chung quan điểm, GS.Vui nhận xét, hiện nay các trường Đại học có làm chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra nhưng chưa có sự sâu sát, đúng bài bản.

“Phải xem tiêu chuẩn đánh giá của nước ngoài người ta yêu cầu chương trình đánh giá như thế nào?

Giáo viên tham gia, sinh viên tham gia, doanh nghiệp tham gia. Làm chương trình này rất phức tạp.

Nhưng có một số trường hiện nay chưa quan tâm tới. Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chỉ mang tính hình thức nên nó không phù hợp với chương trình ở ngoài.

Cái chuẩn đầu ra nhiều khi nhà trường làm cao quá so với thực tế hoặc làm thấp quá” GS.Vui nói.

An Nguyên