Công nghiệp đóng tàu quân sự, một hướng mới

23/10/2011 17:16
Theo Quân Đội Nhân Dân
Với hơn 3.200km bờ biển, vùng lãnh hải và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2, bảo vệ vùng biển là một nhiệm vụ chiến lược cực kỳ quan trọng.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp đóng tàu của nhà nước ta đã vươn lên mạnh mẽ, có bước phát triển nhanh, đóng mới được hàng chục tàu hàng vạn tấn để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Thuận lợi này có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp đóng tàu quân sự. Tuy nhiên, đóng tàu quân sự là ngành đặc thù, lợi thế khách quan có ảnh hưởng nhất định, nhưng điều quyết định là ta phải định hướng đúng, chọn cách làm thích hợp, đầu tư đúng mức, phải tạo mối quan hệ hữu cơ giữa người sản xuất và người sử dụng

Hải quân Việt Nam (ảnh minh hoạ)
Hải quân Việt Nam (ảnh minh hoạ)
Sửa chữa và đóng mới tàu thuyền thông thường thì ta có từ trong chống Mỹ. Nhưng đóng mới với một dây chuyền khép kín, sử dụng công nghệ cao, hình thành từng cụm hoàn chỉnh, cho ra đời những con tàu phục vụ những nhiệm vụ quân sự theo ý muốn thì 4-5 năm nay ta mới có. Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, chúng tôi đến gặp Thiếu tướng Nguyễn Đức Lâm, Anh hùng Lao động, Phó chủ nhiệm Tổng cục, một trong những người có đóng góp to lớn cho sự hình thành ngành đóng tàu quân sự Việt Nam và nghe đồng chí kể về sự hình thành của ngành:

Với hơn 3.200km bờ biển, vùng lãnh hải và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2, bảo vệ vùng biển là một nhiệm vụ chiến lược cực kỳ quan trọng. Mấy chục năm qua, phương tiện phục vụ bảo vệ biển của quân đội ta chủ yếu do các nước anh em viện trợ hoặc mua của nước ngoài, phần đóng mới của công nghiệp nước ta cho sự nghiệp bảo vệ vùng biển của Tổ quốc còn rất khiêm tốn. Đây là điều mà những người công nhân quân giới có nhiều suy nghĩ, băn khoăn.

Nguyện vọng của mọi người, từ cán bộ lãnh đạo đến người công nhân là muốn được nhà nước quan tâm, ngành quân giới vươn lên để đóng mới được nhiều phương tiện để trang bị cho bộ đội hải quân, bộ đội biên phòng và các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển. Chính từ nguyện vọng này mà những năm gần đây, nhà nước và quân đội ta đã có sự sắp xếp lại sản xuất quốc phòng, xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu quân sự.

Hiện nay trong quân đội ta có khoảng 20 nhà máy vừa đóng mới vừa bảo dưỡng kỹ thuật tàu thuyền các loại nằm ở các quân chủng, quân khu, tổng cục. Sau khi được Nhà nước qui hoạch, những nhà máy đóng mới tàu được giao cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quản lý. Cho đến bây giờ, đó là 4 đơn vị: Ba Son, Hồng Hà, 189 và Sông Thu.

Các đơn vị này đều có những truyền thống tốt đẹp. Xí nghiệp liên hiệp Ba Son thành lập từ 80 năm trước, đến nay được trang bị mới, với đội ngũ kỹ thuật viên mạnh, có khả năng sửa chữa được tàu hàng vạn tấn, đóng mới các loại tàu từ 500 tấn đến hàng nghìn tấn. Công ty Hồng Hà là đơn vị có sự đột phá mạnh mẽ trong công nghiệp đóng tàu, trang bị hiện đại, công nhân lành nghề, đóng được các loại tàu tới 500 tấn, tốc độ cao, trang bị mạnh, cơ động nhanh.

Công ty 189 chuyên đóng các loại tàu nhỏ phục vụ các đơn vị tuần tra bảo vệ bờ biển, đang xây dựng khu đóng tàu mới ở Đình Vũ (Hải Phòng), khi hoàn thành có thể đóng mới tàu vận tải hàng vạn tấn phục vụ dân sinh và tàu vận tải quân sự hàng nghìn tấn. Công ty Sông Thu đóng được các tàu nhỏ, tàu kéo cứu hộ cứu nạn.

Trong công nghiệp đóng tàu, các nước phát triển đang có xu hướng chuyển các công nghệ thông thường cho các nước đang phát triển, nơi có nguồn lao động dồi dào và rẻ, có mặt bằng sản xuất rộng lớn rồi đặt mua lại các tàu vận tải có trọng tải lớn.

Tận dụng xu hướng này, những năm gần đây, ngành công nghiệp đóng tàu của nhà nước ta đã vươn lên mạnh mẽ, có bước phát triển nhanh, đóng mới được hàng chục tàu hàng vạn tấn để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Thuận lợi này có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp đóng tàu quân sự. Tuy nhiên, đóng tàu quân sự là ngành đặc thù, lợi thế khách quan có ảnh hưởng nhất định, nhưng điều quyết định là ta phải định hướng đúng, chọn cách làm thích hợp, đầu tư đúng mức, phải tạo mối quan hệ hữu cơ giữa người sản xuất và người sử dụng.

Để xây dựng thành một ngành sản xuất thực sự, cần phải hình thành không phải từng nhà máy mà là từng cụm công nghiệp đóng tàu, chuyên môn hóa cao cho từng đơn vị, mỗi đơn vị chỉ sản xuất những chi tiết được giao, tập trung vốn cho từng sản phẩm trọng tâm, tạo sự hỗ trợ cho nhau về kỹ thuật và công nghệ. Từng cụm công nghiệp lại phải xác định cho được các loại sản phẩm phù hợp với đặc điểm kỹ thuật và công nghệ, phù hợp với truyền thống tay nghề của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân, thích hợp với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các đơn vị.

Đến nay, tuy thực hiện chức năng quản lý nhà nước việc đóng tàu thuyền quân sự, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng mới xây dựng bước đầu, mọi việc còn mới mẻ, nhưng trên vĩ mô đã hình thành những ý tưởng về quan hệ giữa thiết kế với sản xuất, hình thành các cụm công nghiệp đóng tàu quân sự, xác định sản phẩm chủ yếu cho từng đơn vị, xây dựng sản phẩm mũi nhọn cho công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam...

Ở phía bắc, với Công ty Hồng Hà làm nòng cốt, có Công ty 189 với các mặt hàng truyền thống đã được thị trường chấp nhận, xây dựng thêm khu đóng tàu Đình Vũ và tập hợp thêm các doanh nghiệp quốc phòng khác sẽ hình thành nên cụm đóng tàu quân sự có độ giãn nước từ 500 tấn trở xuống nhưng tốc độ cao, chất lượng tốt, trang bị phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị, đóng mới các tàu vận tải phục vụ dân sinh và quốc phòng hàng nghìn, hàng vạn tấn.

Ở phía nam, với Xí nghiệp liên hiệp Ba Son làm trung tâm, xây dựng hoàn chỉnh khu sản xuất mới, tập hợp thêm các nhà máy quốc phòng sẵn có trong khu vực, trong tương lai không xa sẽ là cụm công nghiệp đóng tàu quân sự có khả năng đóng được các loại tàu chiến hàng nghìn tấn, tàu vận tải hàng vạn tấn.

Sự hình thành ngành công nghiệp đóng tàu quân sự sẽ là một sự bổ sung, tiếp tục làm hoàn chỉnh, phong phú cho đội ngũ cán bộ, công nhân Công nghiệp quốc phòng nước ta sau 60 năm ra đời, đã có những đóng góp to lớn cho các cuộc kháng chiến, nhưng trên nhiều lĩnh vực như bảo vệ biển, bảo vệ vùng trời, chiến tranh công nghệ cao... do đất nước còn nghèo mà nay vẫn còn đang thiếu.
Theo Quân Đội Nhân Dân