CQ địa phương: 'Cưỡng chế đầm tôm ông Vươn để đảm bảo công bằng'

21/01/2012 07:32
Nguyễn Hưng/VNE
Đại diện UBND xã Vinh Quang lẫn Mặt trận tổ quốc huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho rằng, cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Vươn nhằm đảm bảo công bằng?
Sáng 20/1, đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã làm việc với Mặt trận tổ quốc Hải Phòng và huyện Tiên Lãng xung quanh việc cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Trả lời chất vấn của đoàn giám sát về việc thu hồi và cưỡng chế, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc huyện Tiên Lãng Vũ Thế Tuyền cho biết, đất của gia đình ông Vươn là đất giao khoán nuôi trồng thủy sản, thuộc bãi bồi ven biển. Diện tích đất được quy hoạch nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, tăng nguồn lợi và thu nhập cho người dân. Bãi bồi này cũng từng bước nằm trong một số dự án như đưa dân ra khai thác sử dụng bãi bồi, quai đê lấn biển.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Tiên Lãng Vũ Thế Tuyền: "Trong hơn chục năm được giao đất, đóng góp vào ngân sách của gia đình ông Vươn không nhiều". Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Tiên Lãng Vũ Thế Tuyền: "Trong hơn chục năm được giao đất, đóng góp vào ngân sách của gia đình ông Vươn không nhiều". Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo ông Tuyền, lực lượng cưỡng chế ngày 5/1 hoàn toàn của địa phương, có một số công an huyện và cán bộ ban chỉ huy quân sự, biên phòng, nhưng chỉ để đảm bảo an ninh, không mang theo vũ khí. Chỉ sau khi gia đình ông Vươn kích nổ mìn, nổ súng, lực lượng vũ trang của thành phố mới mang vũ khí, phương tiện về để ứng phó.

"Chúng tôi có dự tính đến việc chống đối nhưng không ngờ nhà ông Vươn manh động, quyết liệt như vậy", ông Tuyền nói.

Theo người đứng đầu mặt trận huyện Tiên Lãng, gia đình ông Vươn không chấp hành tốt chủ trương của huyện trong khi nhiều chủ đầm khác chấp hành tốt, được hưởng quyền lợi tham gia thầu khoán mới. Không những thế, trong hơn chục năm được giao đất, đóng góp vào ngân sách của gia đình ông Vươn không nhiều.

"Chúng tôi đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc xã, các đoàn thể vận động để anh Vươn sớm nhận thức và chấp hành quy định song anh cố tình không chấp hành. Vì thế, chính quyền phải cưỡng chế để đảm bảo công bằng cũng như tăng cường quản lý nhà nước chặt chẽ hơn diện tích bãi bồi ven sông ven biển", ông Tuyền nói và giải thích, nếu không cưỡng chế thu hồi, những hộ nuôi trồng thủy sản khác sẽ tị nạnh vì mất công bằng.

Theo vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện, trung bình mỗi người dân Tiên Lãng chỉ được hơn một sào đất nông nghiệp, trong khi nhà anh Vươn có hơn 40 ha mà không thực hiện nghĩa vụ. Hơn nữa, thời hạn giao đất đã hết. "Mặt trận Tổ quốc phải ủng hộ cao việc cưỡng chế thu hồi đất vì nó đúng đắn", ông Tuyền nói và cho biết thêm, dư luận nhân dân "đa số ủng hộ".

Bí thư xã Vinh Quang Phạm Đăng Hoan. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Bí thư xã Vinh Quang Phạm Đăng Hoan. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Quan điểm của ông Tuyền cũng trùng với Bí thư xã Vinh Quang Phạm Đăng Hoan. Ông Hoan cho rằng, việc thu hồi đất của ông Vươn là để đảm bảo công bằng xã hội. Trong khi những người như ông Đoàn Văn Vươn, Vũ Văn Luân có hộ khẩu ngoài xã, được giao tới hơn 40 ha đất thì 8.000 người dân Vinh Quang chỉ có diện tích đất sản xuất trung bình 1 sào 11 thước.
Theo Chánh văn phòng Mặt trận tổ quốc Hải Phòng Đỗ Quang Gia, chắc chắn phải có mục đích huyện, xã mới tổ chức thu hồi đất, chứ "không thể có chuyện lãnh đạo tự dưng làm thế". Tuy nhiên, ông Gia cho rằng, đúng sai của việc cưỡng chế phải xem xét sau.

Sự việc âm ỉ từ nhiều năm nay song Mặt trận tổ quốc không hề có thông tin, theo ông Gia là do gia đình ông Vươn không có đơn thư gửi tới các cấp mặt trận. "Nếu công dân Đoàn Văn Vươn gửi đơn thì sự việc sẽ khác, mặt trận chắc chắn vào cuộc, tôi khẳng định như vậy", ông Gia nói

"Đất này được giao 20 năm mà phải đóng rất nhiều nghĩa vụ. Còn đối với đầm bãi, diện tích mà địa phương quản lý giao khoán theo chu trình 5 năm, các chủ vùng nộp rất nghiêm túc. Trong khi đó những người như anh Vươn, anh Luân không chấp hành", ông Hoan so sánh.

Trao đổi với đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Công Nguyên (Trưởng ban Kinh tế đối ngoại - Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc) cho biết, dân xã Vinh Quang đang phẫn nộ về việc có ý kiến nói người dân phá nhà ông Vươn. Ngoài ra, dư luận địa phương đánh giá cao công lao của gia đình ông Vươn với người dân xã Vinh Quang.

"Có thông tin, nếu gia đình ông Vươn rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho thuê đất, thực hư ra sao trong khi chủ trương của ta nếu cho thuê lại thì phải ưu tiên cho chủ đã thuê, đầu tư. Chúng tôi băn khoăn về cái tâm của người lãnh đạo vì theo người dân, tính cặn kẽ cũng không hết công của nhà anh Vươn", ông Nguyên nói.

Cùng chung quan điểm, giáo sư Nguyễn Lang băn khoăn, những người như ông Vươn thuộc diện được giao đất, sao không tính đến việc đền bù khi thu hồi. "Gia đình họ bỏ nhiều công sức, đầu tư bao nhiêu tiền để làm đê, ta tính như thế nào? Có chiếu cố quyền lợi chính đáng của ông ấy không?", giáo sư đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, những băn khoăn của đoàn giám sát chưa được đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp thành phố và huyện Tiên Lãng giải thích.

Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc Hải Phòng Lê Văn Nhã, chủ trương của Hải Phòng là vươn ra biển, phát triển kinh tế biển. Nhiều năm qua thành phố có diện tích đất vươn ra biển lớn, mang lại nhiều nguồn lợi. Ông Nhã cho rằng, sự việc ở Tiên Lãng là một bài học đắt giá.

"Mặt trận tổ quốc, với chức năng giám sát của mình, có những việc không thể làm mà chỉ nắm tình hình rồi báo cáo. Riêng việc đúng sai trong giao đất, thu hồi đất phải chờ kết luận của cơ quan chức năng", ông Nhã nói.

Lãnh đạo Mặt trận tổ quốc thành phố cũng khẳng định, trong dịp Tết, sẽ giao cho Mặt trận tổ quốc huyện quan tâm tới gia đình, vợ con ông Vươn và ông Quý - những phụ nữ thuộc diện khó khăn đột xuất sau vụ cưỡng chế.
Thay mặt đoàn giám sát, luật sư Lê Đức Tiết đã gửi tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hải Phòng 6 kiến nghị: 
- Dẹp bỏ sự nghi kỵ cho dân vì có một số người trả lời báo chí đã bị chính quyền dọa nạt.
- Cởi bỏ việc cấm dân ra đầm làm việc và tuyên bố rõ ràng cho dân biết.
- Vợ ông Quý, ông Vươn tâm sự, chồng sai đến đâu thì có pháp luật nhưng muốn bảo vệ chồng ở nơi tạm giam.
- Mặt trận tổ quốc huyện nên thăm hỏi động viên gia đình ông Vươn, ông Quý để hàn gắn rạn nứt giữa chính quyền và người dân.
- Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang nói dân ngụ cư nên không được quan tâm khi thu hồi đất là không đúng. Luật pháp không phân biệt việc này, một Bí thư xã mà nói thế thì cần phải chấn chỉnh.
- Sau Tết, cần có cuộc đối thoại giữa dân và chính quyền. Chính quyền cần làm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, tự phê về những cái chưa đúng, cái sai và dân cũng nhận cái gì mà mình sai. Hai bên cùng bàn thảo về chủ trương lấn biển. Thời hạn giao đất cây nông nghiệp ngắn ngày là 20 năm, cây ăn quả, rừng là 50 năm.
Nguyễn Hưng/VNE