Cụ già kể về cuộc sống khổ cực giữa đất Thủ đô

29/01/2015 10:51
Song Linh (Theo NB&CL)
(GDVN) - Hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Dăm mang đơn đi khắp nơi kêu oan, nhưng chưa tìm được công lý.

Bà Nguyễn Thị Dăm (số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) vừa khóc vừa kể: Hơn 10 năm qua, cuộc sống của bà như chốn địa ngục bởi sự đảo lộn hoàn toàn từ khi xuất hiện việc thi hành án (THA) từ “trên trời rơi xuống”.

Gán nợ cả tài sản thuê của Nhà nước?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Ngày 10/4/2000 gia đình bà nhận chuyển nhượng quyền thuê nhà của Nhà nước tại số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình và sử dụng từ đó đến nay. Căn nhà này có người thuê ban đầu là ông Nguyễn Bá Chí.

Năm 1992, ông Chí “hỏa hồng” lại cho gia đình ông Trung – bà Thanh. Đến năm 1998, ông Trung, bà Thanh ly hôn, chia đôi căn nhà. Gia đình bà Dăm đã nhận một phần nhà bà Thanh thuê. Bà Thanh chỉ có thể bàn giao một phần trong khối tài sản nhà 8B Lê Trực cho gia đình bà Dăm vì bản chất đây không phải nhà thuộc sở hữu của bà, mà là nhà thuộc quyền sở hữu nhà ở của Nhà nước. Bà Thanh chỉ có thể “hỏa hồng” – chuyển quyền đi thuê Nhà nước – cho gia đình bà Dăm.
 
Tháng 8 năm 1999, khi đang thụ án trong trại giam vì vi phạm pháp luật, bà Thanh trở thành bị đơn vắng mặt trong một vụ kiện dân sự khác. Nguyên nhân bà Thanh bị kiện vì nợ ông Trần Xuân Đồng 108 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/8/1998, bà Thanh thừa nhận có nợ tiền ông Đồng, và cam kết sẽ trả “khi được Nhà nước bồi thường tiền đền bù giải phóng mặt bằng”cho nhà của bà tại số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên. Theo bản án số 30 DSST ngày 19/8/1999 của TAND quận Ba Đình, ông Đồng chỉ yêu cầu bà Thanh trả tiền và “không có thêm bất kỳ một yêu cầu gì khác”.

Bà Nguyễn Thị Dăm 10 năm gõ cửa các cơ quan công quyền nhưng chưa được giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Dăm 10 năm gõ cửa các cơ quan công quyền nhưng chưa được giải quyết.

Câu hỏi đặt ra là tại sao bà Thanh cam kết nhà số 8B phố Lê Trực là nhà của bà? Tuy nhiên, tại phiên xét xửngày 19/8/1999, ông Đồng lại không thỏa thuận với bà Thanh, hoặc yêu cầu tòa án đưa căn nhà này vào diện tài sản đảm bảo cho việc THA? Lý do ở đây được hiểu, thứ nhất, đây là nhà Nhà nước cho thuê, không phải tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bà Thanh. Thứ hai, tại thời điểm trước năm 2000, tòa án không đưa ra kết luận các thỏa thuận dân sự liên quan tới nhà ở, đất đai mà không có “sổ đỏ” – giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, bản án số 30 DSST ngày 19/8/1999 của TAND quận Ba Đình cũng không tuyên buộc bà Thanh phải giao nhà cho ông Đồng như là một giải pháp để trừ nợ.
 
Theo những tài liệu thể hiện trong hồ sơ mà chúng tôi thu thập được. Khi tòa không đưa ra kết luận về kê biên nhà ở, với tư cách là tài sản thuộc sở hữu của bà Thanh, thì THA không thể thực hiện việc này. Nhưng không hiểu vì sao, xuất phát từ động cơ nào, đến ngày 28/5/2001, trước đại diện cơ quan THA quận Ba Đình, theo yêu cầu của ông Đồng, bà Thanh ký vào biên bản với nội dung: tự nguyện giao nhà 8B Lê Trực cho ông Đồng để THA.
 
Sự “tự nguyện” này của bà Thanh và ông Đồng là điều khó xử với cơ quan THA. Vì đến thời điểm này bà Thanh chưa đứng tên trên hợp đồng thuê nhà 8B Lê Trực, mà người thuê ban đầu (ông Nguyễn Bá Chí). Tức là căn nhà chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa vào diện có thể THA bản án đã tuyên giữa ông Đồng và bà Thanh. Tuy nhiên trong biên bản làm việc, cơ quan THA quận Ba Đình đã yêu cầu rất tỉnh táo: “thỏa thuận này chỉ có hiệu lực khi hai bên làm thủ tục sang tên thuê nhà tại Xí nghiệp kinh doanh nhà Ba Đình”. Tuy nhiên, ông Đông vàbà Thanh đều không thực hiện được yêu cầu này. 

Thi hành án cả nhà của Nhà nước?

Trong các văn bản liên quan tới việc cho thuê nhà tại thời điểm năm 2001 không có văn bản hay điều luật nào quy định cụ thể công nhận sang tên nhà Nhà nước cho thuê với lý do để thi hành án, mà chỉ cho phép công nhận việc chuyển nhượng, cho, tặng... quyền thuê nhà. Có nghĩa là không có quy định để ông Đồng làm thủ tục sang tên thuê nhà Nhà nước từ bà Thanh theo diện nhận tài sản thi hành án. Điều đó giải thích vì sao suốt nhiều năm qua, dù biết nguyện vọng của ông Đồng, nhưng Xí nghiệp kinh doanh nhà cũng không thể làm gì để “giúp” ông.
 
Căn cứ vào tài liệu thì có được, cho thấy nhà 8B Lê Trực là nhà của Nhà nước, chưa bao giờ thuộc quyền sở hữu của bà Thanh. Vì vậy, điều kiện cần để đưa nhà này vào diện THA là không đúng với quy định của pháp luật, chứchưa bàn tới điều kiện đủ để thi hành án. Điều đó cho thấy cơ quan THA đã nhầm lẫn khi áp dụng quy định này để xử lý tài sản của bà Thanh. Nói cách khác, cơ quan THA không thể áp dụng điều khoản này để xử lý vụ việc. Thay vì hướng dẫn ông Đồng và bà Thanh thực hiện thủ tục khác để giải quyết món nợ trước đó mà bản án đã tuyên, ngược lại cơ quan THA lại cố tình thực hiện việc kê biên nhà của Nhà nước để THA một bản án dân sự giữa hai cá nhân.

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Dăm nằm trong diện giải tỏa nhưng vẫn chưa được nhận tiền đền bù theo đúng với quy định của pháp luật.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Dăm nằm trong diện giải tỏa nhưng vẫn chưa được nhận tiền đền bù theo đúng với quy định của pháp luật. 

Từ sai lầm trong việc THA dẫn đến hệ lụy của hàng loạt sai lầm khác. Đến năm 2014, khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất để mở tuyến đường nối đường Trần Phú với đường Kim Mã, cơ quan THA quận Ba Đình tiếp tục có công văn đề nghị giữ lại phần lớn số tiền đền bù đã được tính cho gia đình bà Dăm. Đáng ngạc nhiên khi số tiền mà các cơ quan có thẩm quyền quận Ba Đình định đưa cho gia đình bà Dăm là rất nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Dăm.

Vậy là, sau hơn 10 năm bị cơ quan Thi hành án đẩy vào cảnh có nguy cơ mất nhà, thì giờ gia đình bà Dăm lại có nguy cơ tiếp tục bị UBND quận Ba Đình giữ nốt số tiền mà lẽ ra gia đình bà phải được nhận theo quy định của pháp luật. 
 
Tuy nhiên, trong suốt qua trình khiếu nại đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là tới giai đoạn thu hồi nhà để giải phóng mặt bằng, gia đình bà Dăm đã có khá nhiều đơn thư đề nghị được đối thoại trực tiếp với Ban hỗ trợ GPMB thành phố Hà Nội, để trực tiếp trình bày những khuất tất trong việc tính toán đền bù tài sản nhà bà. Nhưng đáng ngạc nhiên khi Ban GPMB lại giữ thái độ im lặng, không trả lời gia đình bà Dăm. Trong khi đó thì một loạt báo cáo về trường hợp gia đình bà Dăm do Ban GPMB phát ra lại chỉ căn cứ trên những báo cáo của UBND phường và UBND quận.
 
Liên quan đến việc bàn giao nhà cho Ban GPMB để mở tuyến đường nối đường Trần Phú với đường Kim Mã, gia đình bà Dăm chỉ yêu cầu: Giao tiền đền bù cho gia đình bà một lần và căn cứ vào điểm b khoản 4 điều 71 Luật Đất đai năm 2013 quy định “Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế, nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản” Trong buổi làm việc ngày 27/01/2015, gia đình bà Dăm vẫn khẳng định là giao đất và chấp hành đúng với quy định của pháp luật. Nhưng phải bàn giao tiền cho gia đình bà đầy đủ và để cho gia đình bà 30 ngày theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 để bà tìm nơi ở tạm trước khi gia đình bà được mua 01 căn hộ tái định cư.
 
Từ những căn cứ cụ thể trên, liệu các ban ngành của UBND quận Ba Đình đặc biệt là ban GPMB Thành phố có tiếp tục, cố tình làm trái với quy định của pháp luật nữa hay không?.

Song Linh (Theo NB&CL)