Củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

23/05/2016 06:24
Theo Đảng Cộng sản Việt Nam
(GDVN) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 - 25/5/2016.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 (sau Tổng thống Bill Clinton – năm 2000 và Tổng thống George W.Bush – năm 2006).

Ngày 12/7/1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử Việt Nam – Hoa Kỳ.

Kể từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước tiến triển quan trọng trên các lĩnh vực cả về song phương và đa phương, theo cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng thực chất hơn.

Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7/2015).
Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7/2015).

Sau hơn 20 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và ổn định. Trong Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015), hai bên đã ghi nhận những phát triển tích cực và thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua, đặc biệt là sự phát triển trong hợp tác kinh tế - thương mại, hợp tác trong việc xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh cũng như trong khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, quyền con người, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trên những vấn đề cùng quan tâm. 

Sau khi hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác toàn diện” vào năm 2013, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực song phương và đa phương.

Củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ảnh 2

Trung Quốc theo dõi chặt chẽ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ

(GDVN) - Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama vì khả năng tàu chiến Mỹ vào Cam Ranh.

Lĩnh vực hợp tác thành công nhất, trở thành trọng tâm, động lực phát triển quan hệ chung giữa hai nước, đó là hợp tác về kinh tế - thương mại. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng liên tục ở mức 20%/năm, từ khoảng 400 triệu USD (năm 1995) lên 45 tỷ USD (năm 2015), Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Hiện nay, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 748 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt hơn 11 tỷ USD.

Hai bên đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và ký Hiệp định vào tháng 2/2016, hiện đang phối hợp chặt chẽ để Quốc hội hai nước sớm thông qua. 

Hai nước đã có những bước tiến cụ thể trong hợp tác giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, cũng như các vấn đề liên quan tới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ (tháng 6/2015), với 5 nội dung hợp tác gồm: Tăng cường tham vấn chính sách; khắc phục hậu quả chiến tranh (rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin); gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ và an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên. 

Hợp tác về giáo dục, đào tạo là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Tính đến hết tháng 1/2016, khoảng 28.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 7 trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Hoa Kỳ.

Củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ảnh 3

Động lực nào thúc đẩy khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam?

(GDVN) - Nếu Manila thay đổi lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam chắc chắn sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong chính sách quốc phòng của Mỹ.

Trường Đại học Fulbright Việt Nam vừa được quyết định thành lập, dự kiến sẽ tuyển sinh sớm nhất vào cuối năm 2016, tập trung đào tạo và nghiên cứu trên các lĩnh vực: Chính sách công và quản lý, các ngành khoa học, kỹ thuật, cơ khí, toán và y khoa, các ngành khoa học xã hội – nhân văn và các ngành khoa học liên ngành. 

Về khoa học - công nghệ, hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hải dương học, công nghệ không gian.

Việc hai nước ký kết Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) vào ngày 6/5/2014 (chính thức có hiệu lực từ ngày 10/9/2014) đã mở ra một lĩnh vực hợp tác mới, thu hút sự quan tâm của nhiều công ty của Hoa Kỳ tới việc phát triển hạt nhân dân sự ở Việt Nam. 

Theo thống kê của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,8 triệu ha, chiếm 20,7% tổng diện tích cả nước.

Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót tại Việt Nam đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Chính vì vậy, hai bên chú trọng triển khai nhiều dự án thiết thực nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ năm 1993 đến nay, Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh với tổng viện trợ 94 triệu USD thông qua các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Ngoài ra, Hoa Kỳ thông qua 84 triệu USD cho dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và 11 triệu USD trợ giúp y tế cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin giai đoạn 2014-2016. Tháng 6/2013, hai bên ký Hiệp định mới về hợp tác y tế và khoa học y học. 

Việt Nam-Hoa Kỳ cũng tăng cường phối hợp với nhau trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương mà cả hai nước là thành viên như Liên hợp quốc, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các đối tác (ADMM+)..., trong đó có vấn đề an ninh hàng hải, Biển Đông, củng cố đoàn kết và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, triển khai đối tác chiến lược Hoa Kỳ- ASEAN... 

Hai bên tiếp tục duy trì đối thoại hàng năm về nhân quyền, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, không để những tồn tại, khác biệt cản trở đà phát triển quan hệ hai nước.

Hướng tới tương lai quan hệ song phương và phát huy quan hệ Đối tác toàn diện, trong Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Hai bên cam kết thúc đẩy tối đa lợi ích chung và sự hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. 

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ góp phần củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ; triển khai những thỏa thuận cấp cao đã đạt được; trao đổi các biện pháp, phương hướng thúc đẩy quan hệ hai nước, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Với thiện chí của cả hai bên, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, chúng ta tin tưởng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn phát triển mới, toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

Theo Đảng Cộng sản Việt Nam