Cuộc đua công nghệ quân sự Trung - Mỹ trên Biển Đông

13/02/2018 07:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong khi ông Tập Cận Bình chỉ đạo quân đội Trung Quốc nhanh chóng tăng khả năng tác chiến, Hoa Kỳ cũng không chậm trễ trong việc điều chỉnh lực lượng Đông Á.

Tân Hoa Xã ngày 12/2 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm địa điểm phóng vệ tinh ở Tứ Xuyên hôm thứ Bảy 10/2 trước khi phóng vệ tinh Bắc Đẩu-3 vào thứ Hai 12/2.

Ông Tập Cận Bình đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh khi đến thăm trung tâm chỉ huy, gặp gỡ các nhà khoa học và nói với họ, hãy đảm bảo cho vụ phóng vệ tinh thành công mĩ mãn. [1]

Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu các sĩ quan chỉ huy cấp cao của trung tâm phải cam kết làm việc nhiều hơn, tạo ra nhiều "phép lạ Trung Quốc" về khoa học không gian, vũ trụ.

Tại trung tâm chỉ huy phóng vệ tinh Bắc Đẩu, ông Tập Cận Bình chúc tết các lực lượng vũ trang Trung Quốc;

Ông Tập Cận Bình và các sĩ quan cao cấp Trung Quốc thị sát trung tâm phóng vệ tinh, ảnh: Tân Hoa Xã.
Ông Tập Cận Bình và các sĩ quan cao cấp Trung Quốc thị sát trung tâm phóng vệ tinh, ảnh: Tân Hoa Xã.

Qua truyền cầu truyền hình trực tiếp ông Tập Cận Bình chúc tết lực lượng vũ trang Trung Quốc đang chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Ông Tập Cận Bình lưu ý rằng, công nghệ là một năng lực tác chiến cốt lõi, phải tăng cường công việc để tạo ra bước đột phá về các công nghệ cốt lõi, then chốt để Trung Quốc có thể "chủ động cạnh tranh quốc tế";

Đồng thời Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu chỉ huy các đơn vị vũ trang nước này hướng dẫn và quản lý chặt chẽ các đơn vị một cách toàn diện, đảm bảo trung thành tuyệt đối, trong sạch và tin cậy. [2]

Trong một động thái khác có liên quan, South China Morning Post ngày 12/2 đưa tin, Trung Quốc đã bắt đầu vận hành trung tâm thử nghiệm lớn nhất thế giới cho tàu ngầm không người lái tại một cửa ngõ của quốc gia này vào Biển Đông.

Cơ sở này được xây dựng trên một vùng biển ở Chu Hải, Quảng Đông, với diện tích 21,6 km vuông trong giai đoạn đầu, khi hoàn tất sẽ là một khu thử nghiệm rộng 771,6 km vuông.

Tàu ngầm không người lái có thể được sử dụng trong cả thời bình lẫn thời chiến, giám sát và giải quyết các tình huống nguy hiểm mà không đặt on người vào các nguy cơ.

Cơ sở thử nghiệm này sẽ bao gồm một mạng lưới viễn thông, hệ thống ra đa định vị và hệ thống neo đậu tự động. 

Thông tin này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi người phát ngôn quân đội Trung Quốc thông báo trên tờ Quân giải phóng rằng, Trung Quốc đã thử nghiệm tàu ngầm không người lái đầu tiên của mình vào tháng trước. [3]

Tên lửa đất đối hạm có bệ phóng gắn được trên xe tải đang là ưu tiên lựa chọn của Mỹ để đối phó với chiến lược chống xâm nhập / chống truy cập của Trung Quốc ở Biển Đông, ảnh minh họa: The Drive.
Tên lửa đất đối hạm có bệ phóng gắn được trên xe tải đang là ưu tiên lựa chọn của Mỹ để đối phó với chiến lược chống xâm nhập / chống truy cập của Trung Quốc ở Biển Đông, ảnh minh họa: The Drive.

Về phía Hoa Kỳ, Press TV ngày 11/2 cho biết, Mỹ sẽ triển khai khoảng 2,200 quân lính thủy đánh bộ cùng máy bay, xe tăng và vũ khí hạng nặng khác đến "gần biên giới Trung Quốc" ở Đông Á trong 7 tháng.

Lực lượng thủy quân lục chiến này được rút từ Trung Đông về, trong khi Mỹ cũng đang duy trì 50 ngàn quân tại Nhật Bản, 30 ngàn quân tại Trung Quốc và 7 ngàn quân tại Guam.

Lầu Năm Góc cũng đang kỳ vọng sẽ tăng số lượng lính thủy đánh bộ đồn trú ở Darwin, Australia, căn cứ có 1250 lính Mỹ được triển khai luân phiên 6 tháng một lần. [4]

Theo tờ The Drive ngày 12/1, quân đội Mỹ đang tập trung phát triển các tên lửa đất đối hạm để vội vã lấp đầy khoảng trống khi các mối đe dọa xuất hiện, nhất là ở Thái Bình Dương.

Khi ngân sách quốc phòng của năm tài khóa 2019 được thông qua, loại vũ khí có khả năng tăng trưởng mạnh là tên lửa đất đối hạm.

Quân đội Mỹ đã lên kế hoạch huấn luyện phát triển khả năng bắn hạ chiến hạm bằng tên lửa hành trình chống hạm phóng từ bệ phóng gắn trên xe tải.

Hải quân Hoa Kỳ đã tích cực xem xét các tên lửa tấn công hải quân (Naval Strike Missile / NSM) như một lựa chọn trang bị cho các tàu, bao gồm cả tàu khu trục lớp mới.

Những tên lửa này tương đối dễ lắp đặt bệ phóng trên boong để nhanh chóng tác chiến trên các con tàu, như tàu tuần tra ven biển LCS, tàu đổ bộ hỗ trợ hoạt động viễn chinh của thủy quân lục chiến, tàu hậu cần.

Hình minh họa, nguồn: raytheon.com
Hình minh họa, nguồn: raytheon.com

Còn tên lửa Joint Strike Missile (JSM) có thể là một lựa chọn trong tương lai cho F-35 của không quân và F-35C của hải quân.

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, lợi thế của hải quân Hoa Kỳ rõ ràng đang dần bị xói mòn, đặc biệt là ở Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đã cải thiện đáng kể cả kích thước lẫn năng lực của đội chiến hạm mặt nước để bành trướng trên Biển Đông và Hoa Đông.

Trong một cuộc khủng hoảng, hàng không mẫu hạm và các tàu khu trục, các chiến hạm khác của Trung Quốc có thể là một thành phần quan trọng để Trung Quốc kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đông, ngăn các đối thủ truy cập.

Quân đội Trung Quốc đang ngày càng khoe khoang một loạt khả năng chống truy cập đáng gờm, bao gồm cả các trận địa tên lửa trên bờ (đảo nhân tạo), tên lửa hạm đối hạm, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo, tên lửa phòng không và các ra đa cảm biến tầm xa. [5]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.xinhuanet.com/english/2018-02/12/c_136970114.htm

[2]http://www.xinhuanet.com/english/2018-02/12/c_136970508.htm

[3]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2133076/china-starts-work-worlds-biggest-test-site-drone-ships

[4]http://www.presstv.com/Detail/2018/02/11/552062/US-military-Marines-China-India

[5]http://www.thedrive.com/the-war-zone/18427/the-army-eyes-getting-into-the-ship-killing-business-with-this-cruise-missile

Hồng Thủy